Tín dụng chính sách - “Điểm sáng”, “trụ cột” trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
Bài cuối: “Điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo
“Thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”
Sau một thập kỷ triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống NHCSXH ngày càng được hoàn thiện, hiệu quả. Đối với mỗi cán bộ NHCSXH luôn thấm nhuần phương châm “thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”, gần dân, sát dân, rà soát kịp thời các đối tượng, nắm bắt được nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để cho vay đúng, cho vay đủ để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển kinh tế. Cùng với sự tận tụy, trách nhiệm của từng cán bộ, nhân viên và người lao động NHCSXH đã kết nối sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần tạo lên thành công chung của Chỉ thị số 40-CT/TW.
Thị xã Nghi Sơn là một ví dụ sinh động về sự chuyển mình của một địa phương nhiều khó khăn trở thành một đô thị mới đầy năng động. Trong sự đổi thay và phát triển ấy, bên cạnh việc phát huy những lợi thế đặc trưng của địa phương, thì không thể không nói đến sự “trợ lực” từ nguồn vốn TDCS xã hội. Bởi, từ thực tiễn 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TDCS xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW), cho thấy: TDCS đã trở thành trụ cột quan trọng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương xuống còn 2,06%. Đây sẽ là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Nghi Sơn quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội cho cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Mô hình kinh tế của gia đình bà Hoàng Thị Doanh (phường Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn) có được sự phát triển như hiện nay là nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và NHCSXH. Bà Doanh chia sẻ: “Trước đây do không có việc làm ổn định nên cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Được tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét và tín chấp với NHCSXH Nghi Sơn, tôi đã được vay 100 triệu đồng để đầu tư nuôi tôm quảng canh. Đến nay, gia đình tôi đã có 3 ao nuôi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.
Không chỉ gia đình bà Doanh mà nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách ở thị xã Nghi Sơn, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH và sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và địa phương. Được biết, nhằm cụ thể hóa chủ trương huy động nguồn lực cho TDCS, cấp ủy, chính quyền thị xã đã bố trí 100% chủ tịch UBND cấp phường, xã trên địa bàn tham gia làm thành viên trong Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thị xã; đồng thời, bố trí về địa điểm và bảo đảm an ninh, an toàn cho các buổi giao dịch… Đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ TDCS trên địa bàn thị xã đạt hơn 820 tỷ đồng, với hơn 14.000 khách hàng vay vốn.
Để tinh thần và nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW thật sự lan tỏa và mang lại kết quả tích cực, hằng năm, UBND tỉnh đều bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH Thanh Hóa. 100% đơn vị huyện, thị xã, thành phố thực hiện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến hết tháng 9/2024, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH đạt trên 633 tỷ đồng, tăng 507 tỷ đồng so với đầu năm 2014. Nguồn vốn này được phân bổ kịp thời để giải ngân cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Quả ngọt từ đồng vốn nhân văn
Với “kim chỉ nam” là Chỉ thị số 40-CT/TW, NHCSXH Thanh Hóa và các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình TDCS xã hội hiệu quả, đúng quy định. Trong 10 năm qua, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng, giải ngân nguồn vốn đúng đối tượng. Đến cuối tháng 9/2024, tổng dư nợ các chương trình TDCS đạt hơn 14.500 tỷ đồng, dư nợ TDCS của tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 2 toàn quốc, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 7,9%. Nợ quá hạn giảm xuống còn 0,07%, đặc biệt có 339/558 xã không có nợ quá hạn. Vốn TDCS đã được chuyển tải đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh đã có 847.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt 32.588 tỷ đồng. Từ nguồn vốn TDCS đã hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 63.000 lao động; giúp 13.900 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 520.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 12.536 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống và nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp. Đồng thời, hỗ trợ 14 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương ngừng việc cho hơn 2.000 lượt lao động. Nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 194.500 hộ thoát ngưỡng nghèo và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,52% vào cuối năm 2023… Với những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội”. Kết quả trên khẳng định, TDCS đã thực sự đi vào cuộc sống và là một “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo. Không chỉ đạt hiệu quả về mặt tín dụng, thông qua thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhiều bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cách làm hay, sáng tạo trong huy động vốn cũng đã được đúc kết. Trong đó, sự lãnh đạo sát sao của Ðảng là bài học quan trọng và có tính quyết định đến thành công của hoạt động TDCS.
Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện NHCSX tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần khẳng định: “Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã được tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời; qua đó, đạt được những kết quả quan trọng. TDCS xã hội là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành “điểm sáng” và là một trong những trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta. TDCS xã hội góp phần quan trọng thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi. Hiệu quả đầu tư nguồn vốn TDCS không chỉ tính bằng hiệu quả kinh tế; mà còn góp phần đạt được mục tiêu lớn hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân. Trên hành trình đó, NHCSXH Thanh Hóa là những “nhịp cầu” đưa nguồn vốn TDCS nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người nghèo và các đối tượng yếu thế “không bị bỏ lại phía sau”. Với những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội”. Kết quả trên khẳng định, TDCS đã thực sự đi vào cuộc sống và là một “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo. Không chỉ đạt hiệu quả về mặt tín dụng, thông qua thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhiều bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cách làm hay, sáng tạo trong huy động vốn cũng đã được đúc kết. Trong đó, sự lãnh đạo sát sao của Ðảng là bài học quan trọng và có tính quyết định đến thành công của hoạt động TDCS.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân”, phải “làm cho người nghèo đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm, tiến tới làm cho mọi người, mọi nhà đều khá giả…”. Chính vì lẽ đó, Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời cũng ví như sự cụ thể hóa lời căn dặn của Bác. Để rồi, phát huy những kết quả đã đạt được, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nội dung chỉ thị, nhằm đưa TDCS thực sự trở thành một “trụ cột” quan trọng cho phát triển bền vững
Bài và ảnh Khánh Phương - Phan Nga
Các tin bài khác
- » Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”
- » Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)