Tín dụng chính sách - “Điểm sáng”, “trụ cột” trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)

25/12/2024
(VBSP News) Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách (TDCS) xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW) đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chỉ thị ra đời đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với đảng, nhà nước trên cơ sở hòa hợp ý đảng, lòng dân.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để không ai bị bỏ lại phía sau
Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân đã góp phần tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị. Một quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương đã mang lại những kết quả khích lệ trên mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa và trật tự xã hội cho người dân nghèo nông thôn.  Nếu nói TDCS như “cánh buồm đưa con thuyền an sinh vươn khơi”, thì Chỉ thị số 40-CT/TW ví như “ngọn gió” đẩy con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn. Bởi vậy, ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng nội dung chỉ thị đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò TDCS, cũng như phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong chỉ đạo, giám sát nhằm đưa hoạt động TDCS trở thành là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của từng địa phương, đơn vị.
IMG-7684Từ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu các địa phương đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc nắm bắt thông tin liên quan đến hoạt động TDCS xã hội; kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương. Chỉ đạo thực hiện tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình làm cơ sở thực hiện TDCS xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh, kịp thời nguồn vốn. MTTQ đã phát huy vai trò trong việc giám sát, phản biện xã hội, nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với hoạt động TDCS xã hội. Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tập trung thực hiện đầy đủ, hiệu quả các công việc được ủy thác; hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả; lồng ghép việc thực hiện TDCS xã hội với các chương trình, dự án của các hội, đoàn thể. Thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, các mô hình giúp nhau vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Bên cạnh đó, ngoài hỗ trợ về cơ sở vật chất, bố trí địa điểm, điều kiện, thời gian làm việc cho NHCSXH các huyện, ở mỗi xã, phường, thị trấn đều có một điểm giao dịch. Tại điểm giao dịch sẽ thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm… phục vụ người dân vào ngày cố định trong tháng theo phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Theo đó, hiện nay toàn tỉnh có 558 điểm giao dịch đặt tại 558 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và 6.431 tổ tiết kiệm và vay vốn. Mọi chủ trương, chính sách cho vay ưu đãi, công tác kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ, trả lãi của hộ vay khi đến hạn, nghe ý kiến phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người dân… được triển khai, thực hiện kịp thời, những phát sinh trong thực tế nhanh chóng được giải quyết.
Dấu ấn nổi bật trong chính sách giảm nghèo
Sau một thập kỷ triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống NHCSXH ngày càng được hoàn thiện, hiệu quả. Đối với mỗi cán bộ NHCSXH luôn thấm nhuần phương châm “thấu hiểu lòng dân - tận tâm phục vụ”, gần dân, sát dân, rà soát kịp thời các đối tượng, nắm bắt được nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để cho vay đúng, cho vay đủ để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong hành trình phát triển kinh tế. Nhờ đó, 100% các huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển qua NHCSXH cùng cấp, để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh đã có 847.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt 32.588 tỷ đồng. Từ nguồn vốn TDCS đã hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 63.000 lao động; giúp 13.900 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 520.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 12.536 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống và nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp. Đồng thời, hỗ trợ 14 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh và trả lương ngừng việc cho hơn 2.000 lượt lao động. Nguồn vốn tín dụng đã giúp trên 194.500 hộ thoát ngưỡng nghèo và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,52% vào cuối năm 2023…

IMG_0677

Từ khi triển khai, áp dụng vào đời sống, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động TDCS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) không chỉ là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân; mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững. Để tinh thần và nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW thật sự lan tỏa và mang lại kết quả tích cực, hằng năm, UBND tỉnh đều bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH Thanh Hóa. 100% đơn vị huyện, thị xã, thành phố thực hiện chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến hết tháng 9/2024, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH đạt trên 633 tỷ đồng, tăng 507 tỷ đồng so với đầu năm 2014. Nguồn vốn này được phân bổ kịp thời để giải ngân cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh. Các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ, nhất là về địa điểm, thời gian đối với các buổi làm việc tại điểm giao dịch xã.  Cũng đến thời điểm tháng 9/2024, tổng dư nợ các chương trình TDCS đạt hơn 14.382 tỷ đồng, dư nợ TDCS của tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 2 toàn quốc, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 7,9%. Nợ quá hạn giảm xuống còn 0,07%, đặc biệt có 339/558 xã không có nợ quá hạn. Vốn TDCS đã được chuyển tải đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Với những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội”. Kết quả trên khẳng định, TDCS đã thực sự đi vào cuộc sống và là một “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo. Không chỉ đạt hiệu quả về mặt tín dụng, thông qua thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nhiều bài học kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cách làm hay, sáng tạo trong huy động vốn cũng đã được đúc kết. Trong đó, sự lãnh đạo sát sao của Ðảng là bài học quan trọng và có tính quyết định đến thành công của hoạt động TDCS.
Quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước đối với một chính sách đặc thù đã trở thành “kênh” tín dụng giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống, đồng thời xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chính quyền với các tổ chức đoàn thể và người dân. TDCS không những giải quyết được một số vấn đề thiết yếu của cuộc sống mà còn giúp đẩy lùi nạn tín dụng đen ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và tạo nguồn lực cho địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Chỉ thị ra đời đã và đang huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và giúp cho hoạt động TDCS xã hội ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bài và ảnh Khánh Phương - Phan Nga

Các tin bài khác