
Sáng tình Đảng, ấm lòng dân
Luồng sinh khí mới cho người nghèo
Tròn 10 năm đi vào cuộc sống, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Ngay khi có Chỉ thị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vào cuộc quyết liệt với mục tiêu nhanh chóng đưa chủ trương, quyết sách của Đảng đi vào cuộc sống. Đặc biệt, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đã xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch, hành động thường xuyên của địa phương, đơn vị mình, từ đó cùng vào cuộc, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt nhằm giúp NHCSXH thực hiện tốt vai trò chủ thể trong cho vay.
Giám đốc NHCSXH huyện Nguyên Bình Lương Thanh Hiếu cho biết: Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thực sự đi vào cuộc sống, giúp thay đổi tư duy, nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội về hoạt động tín dụng chính sách, đóng góp quan trọng vào thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Với tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 415 tỷ đồng, tăng 278 tỷ đồng so với năm 2014.
Qua 10 năm đã có 16.861 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nguồn vốn chính sách đã giúp 4.256 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho 3.467 lao động; trên 63 HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập; đầu tư xây dựng 3.043 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, 650 căn nhà cho hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, từ 46,1% năm 2014 giảm còn 44,4% vào cuối năm 2023. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước đối với một chính sách đặc thù đã trở thành “kênh” tín dụng giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách vươn lên trong cuộc sống, đồng thời, xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chính quyền với các tổ chức đoàn thể và người dân. Thông qua đó đã tạo được lòng tin vững chắc của nhân dân đối với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và công cuộc phát triển của quê hương.
Động lực vươn lên thoát nghèo

Mô hình nuôi bò sinh sản từ nguồn vốn chính sách của gia đình bà Đinh Thị Liên, xóm Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An
Có mặt tại trụ sở UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh vào những ngày giao dịch định kỳ của NHCSXH mới thấy hết niềm vui, phấn khởi của người dân đến giao dịch. Khi được hỏi, đại diện chính quyền các địa phương đều khẳng định: Việc đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên thời gian qua đã giúp công tác giảm nghèo được triển khai thiết thực hơn. Nhờ vậy, nguồn vốn chính sách không những tăng trưởng nhanh mà hiệu quả của đồng vốn vay cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ các hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.
Anh Triệu Tòn Khe ở xóm Khuổi Mỵ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình là một minh chứng. Sau bao nhiêu năm, hai vợ chồng xoay sở đủ nghề vẫn không thoát diện hộ nghèo của xã. Năm 2021, thông qua Hội Nông dân xã, anh được vay 100 triệu từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện. Từ số tiền trên, gia đình anh mua 3 con trâu sinh sản về chăn nuôi. Sau gần 4 năm, đàn trâu của gia đình anh Khe đã phát triển lên 7 con và đã có thể xuất bán cho thu nhập ổn định để sớm trả nợ cho ngân hàng và vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Khe chia sẻ: “Có thu nhập ổn định, gia đình tôi cũng có điều kiện để sửa chữa lại căn nhà thêm khang trang, mua sắm thêm các trang thiết bị trong gia đình, đồng thời cho các con ăn học tốt hơn”.
Bà Đinh Thị Liên ở xóm Dẻ Đoóng, xã Hồng Việt, huyện Hòa An cho biết: Là khách hàng của NHCSXH từ khi là hộ nghèo, năm 2023, gia đình thoát nghèo hoàn trả vốn cho ngân hàng và tiếp tục được giải ngân 100 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm. Từ vốn vay NHCSXH, cộng với nguồn thu từ hoạt động kinh tế đang làm, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích chăn nuôi lên hơn 1ha để đầu tư nuôi bò sinh sản, gà và trồng cây ăn quả (táo, cam). Đến nay, gia đình đã có thu nhập từ mô hình với tổng doanh thu ước khoảng hơn 150 triệu đồng.
Những mô hình như gia đình anh Khe, bà Liên không phải là hiếm mà có nhiều hộ vay vốn khác vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả. Tất cả đều bắt nguồn từ chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước khi đưa dòng vốn ưu đãi về với người dân thông qua NHCSXH.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng, đến ngày 30/12/2024, tổng nguồn vốn chính sách đạt 4.669,3 tỷ đồng, tăng 3.023,7 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, 215.399 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền trên 9.164 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đã có 43.924 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 39.603 lao động; hỗ trợ 326 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ 1.073 HSSV được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng; hỗ trợ 590 hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ xây dựng 4.806 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng 333 căn nhà cho hộ gia đình thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP; 50.403 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, góp phần cải thiện môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư, giải quyết vấn đề an sinh xã hội.
Với những kết quả đạt được sau một thập kỷ cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc, tín dụng chính sách xã hội trở thành một “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, tạo tiền đề để nhân dân hiểu, tin tưởng hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên cơ sở hòa hợp ý Đảng, lòng dân.
Bài và ảnh Nông Hậu
Các tin bài khác
- » Nhiều nông dân ở Đà Nẵng “đổi đời” nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Chính sách tín dụng tạo sức bật giảm nghèo
- » “Bệ đỡ” cho người dân thoát nghèo bền vững
- » Tín dụng chính sách đưa đường “Đảng viên đi trước”
- » Gieo niềm tin, mầm hy vọng đến với hộ nghèo, gia đình chính sách
- » Vốn chính sách giúp nhiều nữ đảng viên vùng cao phát triển thành công kinh tế gia đình
- » Bài 3: Nhân lên sức mạnh ý Đảng - lòng dân
- » Bài 2: “Trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo
- » Khi chỉ thị của Đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ (Bài 1: Cả hệ thống chính trị vào cuộc)
- » Trao sinh kế, tạo động lực cho đồng bào miền núi