Quản lý hiệu quả nguồn vốn chính sách xã hội

08/07/2019
(VBSP News) Sau gần 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Chỉ thị số 40) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, công tác cho vay, quản lý nguồn vốn này trên địa bàn Quảng Ngãi đã phát huy được hiệu quả.

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

Để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, các chính sách tín dụng ưu đãi đã đến kịp thời, đúng đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các cấp ủy, chính quyền cũng kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc trong quá trình cho vay và thu hồi vốn. Năm 2019, UBND các cấp trong tỉnh đã chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH tỉnh để cho vay là 30,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 20 tỷ đồng. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh trên 160 tỷ đồng.

Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, thực hiện nhiều giải pháp để thu nợ quá hạn, phối hợp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện… Nhờ đó, chất lượng tín dụng bảo đảm, nợ quá hạn đến nay chỉ chiếm tỷ lệ 0,28% trên tổng dư nợ.

Công tác củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Đến nay đã loại bỏ được những tổ hoạt động yếu kém. Đặc biệt, có địa phương trong khoảng thời gian dài không phát sinh nợ quá hạn.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn, Đào Thị Thu Vân cho biết: Việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo và các đối tượng khác phát huy được hiệu quả là nhờ đưa Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, xã. Qua đó đã nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đồng thời giúp NHCSXH xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn trong quá trình cho vay và thu hồi nợ, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng…

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần Chỉ thị số 40, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất  lượng tín dụng, NHCSXH cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với chính quyền và các hội đoàn thể ở địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn an toàn, hiệu quả, đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn.

“Thực hiện Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có sự nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương cũng giúp NHCSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương trong bối cảnh ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết.

Bài và ảnh H.Hoa

Các tin bài khác