Những hoạt động thiết thực đầu năm mới của NHCSXH tỉnh Yên Bái
Tại xã Yên Thái, một vùng rẻo cao của huyện Văn Yên qua 2 năm thực hiện mô hình “xã điểm về tín dụng chính sách” đang có sự đổi thay nhanh chóng cùng với cảnh vật tươi sáng của mùa xuân đã làm cho người nghèo và bà con các dân tộc Tày, Nùng, Dao… nơi đây phấn chấn bội phần. Chủ tịch UBND xã Yên Thái, Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Vốn là một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao và diện tích đất trống, đồi trọc nhiều nhưng không còn hoang hóa, người dân không chỉ mạnh dạn vay vốn chính sách và tìm mọi cách sử dụng vốn vay thu được kết quả cụ thể mà còn thực hiện đúng kỳ hạn trả nợ, lãi. Toàn xã hiện có trên 1.600 lượt hộ vay vốn của NHCSXH với số tiền gần 15 tỷ đồng, tăng 3,2 tỷ đồng so với đầu năm 2015”.
Đồng vốn chính sách đã góp phần tích cực giúp đỡ nhiều bà con vùng rẻo cao Yên Thái vượt qua ngưỡng nghèo, cải thiện cuộc sống. Tiêu biểu là gia đình ông Hoàng Quốc Khánh, dân tộc Tày ở Bản Bom mới ngày nào kinh tế còn khó khăn, nhờ được vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo đã trồng xanh tốt 2ha quế cùng đàn bò 8 con. Là hàng xóm của ông Khánh, chị Đặng Thị Tấm, người dân tộc Dao nhờ sử dụng vốn vay của NHCSXH đầu tư nuôi trâu sinh sản, trồng chè sạch nay đã thoát nghèo, trả hết nợ vay cho ngân hàng để đến đầu mùa xuân này được vay tiếp 50 triệu đồng chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo.
Rời xã Yên Thái, chúng tôi về thăm xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên. Phiên giao dịch đầu năm của NHCSXH hôm nay đông vui như cảnh hội xuân ở nông thôn miền núi. Lãnh đạo Hội Nông dân xã phấn chấn nói: Là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên được Nhà nước đầu tư nhiều chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn chính sách, nhờ đó phong trào chuyển đổi, thâm canh các loại cây trồng và đàn gia súc, gia cầm phát triển đồng đều.
Cụ thể như gia đình anh Nịnh Văn Chung, dân tộc Cao Lan ở thôn 1, được Hội Nông dân xã đề xuất NHCSXH cho vay 30 triệu đồng đầu tư trồng rừng và nuôi trâu. Cùng với đó, mỗi khi địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, anh đều tình nguyện tham dự. Thế là cùng một lúc anh Nịnh Văn Chung được lợi cả hai đường. Vừa được “con cá”, là đồng vốn và “cần câu” gọi là cách thức làm ăn. Sau vài ba vụ chăm chỉ lao động, gia đình anh đã gây dựng được cơ ngơi kha khá, gồm 4 con trâu sinh sản, 20 con lợn thịt, 4,5ha keo lá tràm, quế… Mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình anh Chung đạt được thu nhập 200 triệu đồng/năm, đồng thời đã giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho 6 lao động tại chỗ.
Ngay từ đầu năm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của NHCSXH Trung ương và bám sát chủ trương của địa phương, NHCSXH tỉnh Yên Bái đang tập trung hướng về người nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời tiếp tục phối hợp với cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện tốt hơn nữa tín dụng chính sách của Chính phủ, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Thanh Hà
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Gỡ cái nghèo cho người dân bãi ngang
- » Hải Dương tạo sự chuyển biến tích cực về tín dụng chính sách
- » Vốn vay giúp tạo dựng trang trại, gia trại...
- » Tiếp sức hộ mới thoát nghèo
- » Tiếp sức cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo
- » Người dân Buôn Đôn hết chạy ăn từng bữa
- » Năm 2015 - Mốc son tươi sáng của cuộc hành trình tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Long An sau khi có Chỉ thị của Đảng dẫn đường
- » Thừa Thiên - Huế nỗ lực nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Vốn vay được quản lý hiệu quả