Hải Dương tạo sự chuyển biến tích cực về tín dụng chính sách

26/02/2016
(VBSP News) Trong những năm qua NHCSXH tỉnh Hải Dương đã trở thành “kênh” dẫn vốn chính sách của Nhà nước kịp thời, có hiệu quả nhất vào chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho bà con nông dân tại địa phương, đặc biệt thời gian gần đây, chi nhánh còn tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tăng cường phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã làm cho mọi hoạt động về lĩnh vực tín dụng chính sách chuyển biến tích cực tại vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Gia đình anh Phan Văn Thắng ở thôn An Định, xã An Thanh dùng vốn vay ưu đãi để cải tạo lại ao đầm khai thác rươi

Gia đình anh Phan Văn Thắng ở thôn An Định, xã An Thanh dùng vốn vay ưu đãi để cải tạo lại ao đầm khai thác rươi

Đến hết năm 2015, NHCSXH tỉnh Hải Dương đã thực hiện cho vay trên 2.500 tỷ đồng của 11 chương trình tín dụng ưu đãi với 113 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cùng các đối tượng chính sách được vay vốn thông qua 4.021 Tổ tiết kiệm và vay vốn trải khắp thôn xóm, khu dân cư từ miến đất trung du Chí Linh đến vùng chiêm trũng Ninh Giang, Thanh Miện.

Tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, NHCSXH tỉnh Hải Dương còn chủ động khai thác các nguồn vốn từ ngân sách địa phương, từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh và huy động tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn để tạo lập nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay đã có gần 35 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Toàn bộ nguồn vốn chính sách được chi nhánh chuyển tải kịp thời về đúng các đối tượng thụ hưởng, trong đó ưu tiên đầu tư các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh sản xuất theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp và các xã điểm xây dựng nông thôn mới…

Trong năm qua, hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn chính sách thuận tiện, nhanh chóng để chủ động phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập.

Từ nguồn vốn vay chính sách, nhiều loại hình kinh tế gia trại, trang trại ở vùng đất chuyên lúa Nam Sách, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Thanh Hà… phát triển bền vững, đạt thu nhập bình quân 120 triệu đồng/năm như vườn vải thiều, đàn lợn siêu lạc của ông Lê Văn Lệ ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Hà, mô hình chăn nuôi bò sinh sản và thâm canh ruộng dưa vườn chanh của gia đình chị Phạm Thị Khanh ở thôn La Xá, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, trại chăn nuôi kết hợp lợn nái, vịt đẻ trứng, cá lúa cao sản của ông Nguyễn Hữu Dũng ở xã Nam Hưng, huyện Nam Sách. Đáng kể đến 25 hộ nông dân xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ đã sử dụng vốn vay chính sách cải tạo 150ha đất trồng lúa năng suất thấp, sang khai thác rươi, nuôi cá, cáy và trồng chuối tiêu hồng xuất khẩu. Điển hình là anh Phan Văn Thắng ở thôn An Định, xã An Thanh nhờ biết tính toán chi ly có kế hoạch cụ thể nên đã dùng toàn bộ vốn vay của NHCSXH huyện Tứ Kỳ và số tiền tiết kiệm của gia đình để thầu 4 mẫu đất đồng trũng, chua phèn, mua công cụ lao động để cải tạo thành 2 dãy ao đầm khai thác rươi, thả cáy, trồng lúa sạch, thu lãi 80 triệu đồng/năm thoát hết nghèo khó.

Cũng như anh Thắng, gia đình ông Phan Văn Vượng được vay vốn chính sách đúng thời điểm để đầu tư mua con giống, thức ăn, xây chuồng trại để nuôi lợn, gà vịt, thương phẩm, đạt thu nhập khá, lại còn giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động trong xã An Thanh. Giữa năm 2014, nhà ông Vượng thoát nghèo trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng, do vậy cuối năm 2015 tiếp tục được chính quyền địa phương xét duyệt, NHCSXH tạo điều kiện cho vay tiếp 40 triệu đồng từ nguồn vốn hộ mới thoát nghèo.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Hải Dương, Nguyễn Văn Thành cho biết: Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị 40 trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể triển khai thường xuyên đến các chi, đảng bộ các xã đề ra Nghị quyết chuyên đề về tín dụng chính sách, coi công tác chỉ đạo tín dụng chính sách là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành trên địa bàn; đồng thời tập trung tăng trưởng dư nợ, tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách địa phương nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn chính sách, thường xuyên tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh và các huyện, thị trực thuộc; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý, sử dụng vốn; nâng cao hiệu quả phương thức uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa bàn. 

Bài và ảnh Đông Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác