Ngành Ngân hàng triển khai nhiệm vụ năm 2017
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo Bộ, ban ngành, NHCSXH, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, NHTM, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tín dụng (TCTD) 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, công ty tài chính…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên gặp mặt đông đủ những người “cốt lõi nhất”, quyết định vận mệnh của hệ thống ngân hàng.
Thủ tướng nhìn nhận: Năm 2016 gặp nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và ngoài nước. Đặc biệt thiên tai, hạn hán, lũ lụt ở mọi thời điểm, vùng miền gây thiệt hại rất lớn. Nhiều sự kiện thế giới ảnh hưởng chính sách tiền tệ Việt Nam. Trong bối cảnh vậy, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, chúng ta đã vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Những thành quả đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Ngân hàng, vai trò điều hành của NHNN.
Nhấn mạnh vai trò của ngành Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, Thủ tướng cho rằng năm qua, chính sách tiền tệ (CSTT) đã được NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, lạm phát được kiểm soát, tạo thuận lợi trong điều hành chính sách tài khóa và giá các mặt hàng thiết yếu. Mặt bằng lãi suất ổn định và có xu hướng giảm. Hoạt động của các TCTD yếu kém dần phục hồi, tiếp tục củng cố niềm tin của người gửi tiền.
Trong bối cảnh 2016 - năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Toàn quốc lần thứ XII của Đảng, cũng là thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ hai Chính phủ, Chính phủ có nhiều khó khăn thách thức phải đối mặt. Cộng thêm những diễn biến không thuận lợi của kinh tế thế giới, cũng như diễn biến trong nước, thiên tai, hạn mặn… Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, mà kết quả ngành Ngân hàng đạt được là rất đáng mừng.
“Chúng ta đã làm tốt công tác hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện ở việc lạm phát được kiểm soát dưới mức chỉ tiêu Quốc hội đề ra… Bên cạnh đó, trong công tác điều hành lạm phát, NHNN đã kiểm soát để có dư địa cho các bộ, ngành, Chính phủ điều hành mặt bằng giá. Đây có thể nói là ý nghĩa rất quan trọng trong việc đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và tạo lòng tin của nền kinh tế, của cộng đồng DN vào sự kiên định của Chính phủ trong việc tạo lập sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển một cách bền vững hơn trong năm 2017 và các năm tới”, Thống đốc cho biết.
Theo đó, mặc dù ngay từ đầu năm, áp lực lên thị trường tiền tệ là rất lớn: lạm phát có xu hướng gia tăng; nhu cầu vốn đặc biệt vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế lớn hơn; các tác động lên thị trường tiền tệ… gây áp lực nhất định lên mặt bằng lãi suất. Thế nhưng, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, NHNN đã quyết tâm trong sử dụng đồng bộ các công cụ để ổn định lãi suất, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đặc biệt mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn. “Giữ ổn định mặt bằng lãi suất năm 2016, giảm được lãi suất cho vay là thành công nỗ lực lớn của hệ thống Ngân hàng”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Đặc biệt, các TCTD đã ý thức trách nhiệm của mình với nền kinh tế để thực hiện các hoạt động tiết giảm chi phí, có các công cụ khác nhau để có thể giảm được lãi suất, chia sẻ khó khăn với nền kinh tế, hỗ trợ cho nền kinh tế. Với kết quả như vậy, có thể nói mức tăng trưởng có sự đóng góp lớn của hệ thống các TCTD trong nước và TCTD nước ngoài hoạt động ở Việt Nam.
Liên quan tới công tác điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, cơ chế điều hành tỷ giá mà NHNN áp dụng từ đầu năm 2016 được xem là công cụ hữu hiệu trong định hướng và củng cố lòng tin của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài vào đồng Việt Nam. Nỗ lực giữ ổn định tỷ giá có ý nghĩa quan trọng trong tạo lập niềm tin với cộng đồng các nhà đầu tư vào sự kiên định của Chính phủ, của NHNN trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và giữ ổn định tỷ giá.
Về điều hành tín dụng, mức độ tăng trưởng tín dụng năm 2016 phù hợp với chủ trương mà NHNN đặt ra ngay từ đầu năm. Diễn biến thực tế cho thấy, những định hướng đặt ra từ đầu năm 2016 là phù hợp, kiên định với mục tiêu đó, diễn biến tăng trưởng tín dụng năm nay là diễn biến đều qua các tháng, chất lượng tín dụng có những cải thiện hơn. Cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang những lĩnh vực ưu tiên, phù hợp và đáp ứng mục tiêu đòi hỏi Chính phủ trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, đưa tín dụng vào những lĩnh vực hiệu quả, ưu tiên. Theo đó, cơ cấu tín dụng có sự chuyển dịch tập trung vào những lĩnh vực như xuất khẩu, công nghệ cao, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Một nỗ lực không nhỏ nữa của ngành Ngân hàng cũng được vị tư lệnh Ngành nhắc tới, đó là tái cơ cấu và xử lý nợ xấu (XLNX). Đặc biệt ngành Ngân hàng đã hoàn thành và báo cáo Chính phủ Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 gắn với XLNX với những giải pháp cụ thể, quyết liệt, kể cả về mặt pháp lý cũng như việc thực thi pháp luật, các công cụ đồng bộ để tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hơn hệ thống các TCTD trong 5 năm tới, cũng như tập trung nỗ lực xử lý triệt để nợ xấu.
“Với những kết quả đạt được, chúng ta có quyền tự hào và vui mừng vì những nỗ lực mà toàn bộ hệ thống các TCTD đã thực hiện trong năm qua”, Thống đốc cho biết. Tuy nhiên, Thống đốc cũng nhìn nhận thẳng thắn và khách quan hệ thống Ngân hàng còn nhiều tồn tại cần xử lý, giải quyết như: cơ cấu tín dụng cần có sự quan tâm và kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Hay việc khuôn khổ pháp lý pháp quy cho hoạt động ngân hàng còn chưa đầy đủ; năng lực thực tiễn trong điều hành một số mảng còn bất cập.
Trách nhiệm của người đi tiên phong
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 đã được Quốc hội thông qua là: “Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ trong thực hiện ba đột phá chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế”.
Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, NHNN phải đi tiên phong trong thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đã đề ra. NHNN phải thực hiện tốt các công cụ CSTT để kiểm soát lạm phát dưới 4%, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đột phá trong tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu và các NHTM yếu kém, góp phần phát triển kinh tế với việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Đây là trọng trách của Chính phủ giao cho NHNN.
Và để đạt mục tiêu này, CSTT cần được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, sát thị trường hơn. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để vừa hỗ trợ tăng trưởng cao hơn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, duy trì ổn định thị trường ngoại tệ, vàng, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định giá trị đồng Việt Nam. Tư duy quản lý điều hành của NHNN phải thay đổi căn bản theo hướng tăng tính thị trường, giảm mệnh lệnh mang tính hành chính, nhất quán, công khai, dễ dự báo, để người dân và doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch SXKD và đời sống.
Dành gần một tiếng trao đổi, chia sẻ thẳng thắn những tâm huyết với ngành Ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng mong muốn NHNN cần nâng cao năng lực phân tích dự báo, chú trọng các biện pháp phòng ngừa, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế, bảo đảm hoạt động an toàn hiệu quả. Bên cạnh đó phải phản ứng nhanh nhạy với CSTT, diễn biến khó lường của kinh tế thế giới và trong nước.
Bên cạnh đó cần chỉ đạo điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý ngay từ đầu năm, hướng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên, những ngành, lĩnh vực góp phần tạo tăng trưởng, xuất khẩu và giải quyết việc làm ngay từ quý I/2017, không để “dồn cục” cuối năm. Trong đó, chú trọng nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp; nâng cao chất lượng và kiểm soát cơ cấu tín dụng. Lưu ý các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khách hàng có dư nợ lớn hơn 5.000 tỷ đồng…
Tiếp thu những chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: Năm 2017 là năm đặc biệt quan trọng. Là năm đi vào triển khai một cách quyết liệt các Nghị quyết và chủ trương lớn được Quốc hội thông qua trong thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới. Để thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới và trong nước chưa thuận lợi, nhiệm vụ ngành Ngân hàng trong năm 2017 có thể nói hết sức nặng nề. Bởi vậy, bản thân hệ thống Ngân hàng thời gian tới phải xác định trách nhiệm của mình trong thực hiện chương trình, chỉ đạo của Chính phủ cũng như NHNN.
Ngành Ngân hàng phải phấn đấu quyết liệt tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí vay vốn qua phát hành Trái phiếu Chính phủ. Các NHTM phải thực hiện minh bạch hóa lãi suất huy động và cho vay, tránh việc doanh nghiệp và người dân khi vay và gửi không biết lãi suất áp dụng thế nào. Đề nghị NHNN xem xét có cơ chế giảm lãi suất tín dụng ngắn hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Các NHTM nên có gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp chất lượng cao, chương trình khởi nghiệp quốc gia…
NHNN tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế, quy định của pháp luật nhằm hỗ trợ hiệu quả trong quá trình tái cơ cấu các TCTD và XLNX, báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, trình Quốc hội theo tinh thần rút gọn thành một dự án Luật Tái cơ cấu các TCTD và XLNX. Việc XLNX phải gắn với các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa nợ xấu gia tăng, bảo đảm sự an toàn của hệ thống, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và người gửi tiền.
Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng. NHNN phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không để tình trạng đã thanh tra giám sát rồi mà vẫn còn tình trạng rút tiền khống, cho vay sai quy định, nợ xấu và tình hình tài chính tồi tệ hơn. Nâng cao chất lượng, năng lực cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống, hiệu quả việc giám sát; tăng cường phối hợp công tác, chia sẻ thông tin với các cơ quan chức năng trong hoạt động giám sát. NHNN chỉ đạo các TCTD chủ động xây dựng và triển khai phương án tái cơ cấu và XLNX, nâng cao năng lực điều hành tài chính. Các TCTD phải tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn và hiệu quả, chất lượng; tăng cường an ninh mạng; bảo đảm an toàn tài sản của khách hàng, không để tình trạng khách hàng đột ngột mất tiền trong tài khoản. Có chính sách đột phá giảm thanh toán bằng tiền mặt để góp phần minh bạch hóa tài sản, chống trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền. Các TCTD phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm pháp lý, đạo đức nghề nghiệp, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tiền tệ - ngân hàng.
PV
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » NHCSXH làm việc với Lãnh đạo tỉnh Sơn La về Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La”
- » Thư chúc mừng năm mới của Thống đốc NHNN Việt Nam
- » Mang no ấm đến cho bà con
- » Thông báo chuyển trụ sở làm việc Hội sở chính NHCSXH
- » Tăng cường kiểm tra hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở
- » Học viện Ngân hàng trao bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ năm 2016
- » Phát huy truyền thống nêu cao vai trò tiên phong, xung kích trong công tác chuyên môn
- » Hỗ trợ người dân miền Trung, Tây Nguyên khắc phục hậu quả do mưa lũ
- » “Ở đâu còn người nghèo - ở đó có NHCSXH”