Điều kiện quan trọng để thực hiện giảm nghèo

20/09/2024
(VBSP News) Tín dụng chính sách đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm và đưa người lao động, HSSV trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2014 - 2024 đã tạo hiệu quả đáng trân trọng.
075043t5 copy

Cán bộ NHCSXH huyện Trà Cú giải ngân vốn cho hộ dân tại Điểm giao dịch xã Hàm Giang

Tín dụng chính sách đóng vai trò quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong nhiều năm qua, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực trong các chính sách giảm nghèo.
Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, ý nghĩa tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống và phát triển kinh tế.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã cho vay gần 414.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, doanh số cho vay đạt trên 8.700 tỷ đồng, nguồn vốn chính sách đã đầu tư cho vay rộng khắp đến 100% ấp, khóm trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực giúp trên 53.000 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm trên 61.000 lao động (trong đó, giúp gần 3.500 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 10.500 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo gần 162.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng trên 10.500 căn nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách; giúp 141 hộ vay vốn để tự xây và mua nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ; giúp 11 doanh nghiệp sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho gần 1.500 lao động…
Nhờ đó, số hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh, giai đoạn 2011 - 2015, từ 23,63% giảm còn 7,61%; giai đoạn 2016 - 2020, từ 13,23% giảm còn 1,8% vào cuối năm 2020; giai đoạn 2022 - 2025, từ 3,56% giảm còn 1,19% vào cuối năm 2023; toàn tỉnh chỉ còn 3.416 hộ nghèo.
Thông qua tín dụng chính sách, công tác phối hợp giữa các hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCSXH, giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả; nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị; đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, làm tăng thêm sức mạnh, sự lan tỏa của Chỉ thị số 40-CT/TW, nhất là công tác giải quyết việc làm từ các chương trình, dự án… thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cấp ủy, chính quyền rà soát nhu cầu vay vốn đối với hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, dành nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay.
Đặc biệt, bố trí nguồn vốn thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15, ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và giải quyết các chương trình cấp thiết phát sinh, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh Trường Nguyên

Các tin bài khác