
Điểm tựa vững chắc cho người dân phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống

Nhờ có NHCSXH cho vay vốn mà gia đình anh Phạm Văn Lợi, ở xóm Giáp Ngói, xã Long Thành đã có được ngôi nhà ước ao bấy lâu nay
Bên cạnh những cánh đồng lúa bát ngát của huyện Yên Thành, không khó để bắt gặp hình ảnh những xóm làng trù phú với những ngôi nhà mới, khang trang. Đằng sau những thay đổi tích cực ấy là sự hỗ trợ không nhỏ của NHCSXH huyện Yên Thành, đơn vị đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, giúp hàng trăm gia đình có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Đến thăm gia đình anh Phạm Văn Lợi, ở xóm Giáp Ngói, xã Long Thành, huyện Yên Thành, anh Lợi chia sẻ: Trước đây, vợ chồng anh sống trong căn nhà cấp bốn chật hẹp, dột nát. Nhờ có NHCSXH huyện cho vay 300 triệu đồng, cộng thêm vốn tự có và vay mượn từ người thân, tôi mới có điều kiện để xây dựng nhà kiên cố. Nếu không có NHCSXH cho vay chắc gia đình tôi không dám mơ về một căn nhà mới như hôm nay.
Không chỉ riêng nhà anh Lợi, nhiều gia đình khác trên địa bàn huyện Yên Thành cũng có được mái ấm vững chắc nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Phó Giám đốc NHCSXH huyện Cao Tường Dinh chia sẻ: Hiện trên địa bàn huyện Yên Thành có 100 khách hàng vay nhà ở xã hội với số tiền tối đa 1 tỷ đồng. Thời gian qua, NHCSXH huyện đã giải ngân hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân vay vốn xây dựng nhà ở. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã có điều kiện cải thiện chỗ ở, an cư để yên tâm phát triển kinh tế.
Một trong những chương trình ý nghĩa khác mà NHCSXH huyện Yên Thành đang triển khai là chương trình cho vay NS&VSMTNT. Với số tiền vay từ 20 - 50 triệu đồng/công trình, người dân có thể đầu tư lắp đặt hệ thống nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh, góp phần bảo vệ sức khỏe cho gia đình.
Như gia đình bà Nguyễn Thị Hương, ở xóm 4, xã Viên Thành trước đây thường xuyên sử dụng nước giếng không bảo đảm an toàn. Khi được vay vốn NHCSXH với số tiền 20 triệu đồng, gia đình bà Hương đã lắp đặt hệ thống lọc nước và xây nhà vệ sinh tự hoại. Bà Hương phấn khởi nói: “Trước đây, nước sinh hoạt có mùi rất khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe cả nhà. Nhờ nguồn vốn chính sách, giờ gia đình tôi đã có nước sạch để dùng, an tâm hơn rất nhiều. Nhờ chính sách hỗ trợ này, nhiều hộ gia đình như gia đình tôi đã có điều kiện tiếp cận nguồn nước sạch, cải thiện môi trường sống, giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nước sinh hoạt kém chất lượng”.
Không chỉ giúp người dân có nơi an cư, cải thiện điều kiện sống, NHCSXH huyện Yên Thành còn là điểm tựa cho nhiều hộ gia đình có thêm nguồn vốn để đầu tư các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Trang trại của anh Bùi Văn Thành ở xóm 3, xã Viên Thành, nhờ có nguồn vốn của NHCSXH mà anh có cơ hội để lập nghiệp lần hai
Điển hình như gia đình anh Bùi Văn Thành ở xóm 3, xã Viên Thành, nhờ có nguồn vốn của NHCSXH mà anh có cơ hội để lập nghiệp lần hai. Anh Thành tâm sự: Năm 2021, trang trại nuôi vịt của anh bị dịch bệnh, khiến anh tay trắng. Tưởng chừng như không thể vực dậy, nhưng năm 2022 nhờ vay 100 triệu đồng mà tôi có vốn để tiếp tục đầu tư và làm mới trang trại. Ban đầu với số vốn đó tôi đầu tư nuôi 70 con ngỗng, đến nay trang trại đã lên đến 400 con ngỗng cùng với 400 đôi chim bồ câu và đang nuôi thử vịt trời. Mỗi năm, trừ chi phí, trang trại cho thu nhập từ 150 triệu đồng.
Hay gia đình chị Nguyễn Thị Liêm, ở xóm Phan Thanh, xã Long Thành. Trước đây, cuộc sống gia đình chị khó khăn, thu nhập không ổn định. Năm 2019, được sự tư vấn của Hội Nông dân xã, gia đình chị đã mạnh dạn làm hồ sơ vay 70 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo của NHCSXH để làm xưởng sơ chế lươn, cung cấp cho các nhà hàng ở trong và ngoài huyện. Chị Liêm cho biết: Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư vào chế biến các món ăn từ lươn mà kinh tế gia đình tôi đã khá giả. Tổ hợp chế biến lươn của gia đình với nhiều sản phẩm OCOP dần dần chiếm lĩnh các thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía nam. Gia đình đã thu hút 10 lao động địa phương với thu nhập ổn định…
Ngoài ra, nhờ nguồn vốn của NHCSXH huyện đã góp phần đưa thương hiệu lươn Phan Thanh nổi tiếng trong và ngoài nước. Năm 2022, Phan Thanh được UBND tỉnh Nghệ An công nhận danh hiệu: Làng nghề chế biến lươn. Hiện, Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Phan Thanh có 60 thành viên với tổng dư nợ gần 4 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động.
Theo Chủ tịch UBND xã Long Thành Nguyễn Văn Đề, thời gian qua, NHCSXH huyện đã hỗ trợ kịp thời để các hộ dân trong làng nghề có nguồn vốn làm ăn. Hiện, làng Phan Thanh không chỉ có lươn sơ chế cấp đông mà còn có nhiều sản phẩm như lươn cuộn, lươn ướp, lươn sấy khô; lươn phi lê… Sản phẩm lươn Phan Thanh có mặt khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore và một số nước châu Âu. Phan Thanh được giới ẩm thực đánh giá là làng lươn độc đáo và lớn nhất Đông Dương. Hiện một số sản phẩm của làng nghề lươn đồng Phan Thanh được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Không chỉ hỗ trợ nguồn vốn, NHCSXH huyện Yên Thành còn chú trọng đến việc hỗ trợ người dân trong quá trình vay vốn và sử dụng hiệu quả. Đội ngũ cán bộ ngân hàng thường xuyên xuống tận xã, tận thôn để hướng dẫn thủ tục vay vốn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, bảo đảm đồng vốn thực sự phát huy tác dụng.
Đến hết tháng 12/2024, tổng dư nợ tại NHCSXH huyện đạt gần 1.000 tỷ đồng, đứng thứ hai toàn tỉnh, với hơn 18 nghìn khách hàng vay vốn 15 chương trình tín dụng. Một số chương trình tín dụng đang triển khai tăng dư nợ như hộ mới thoát nghèo tăng, cho vay người chấp hành án phạt tù, nhà ở xã hội,…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Đặng Thị Dung, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc để phục vụ hộ nghèo và đối tượng chính sách ngày càng tốt hơn, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng hiệu quả điểm giao dịch xã, rút ngắn thời gian tác nghiệp tại điểm giao dịch để nâng cao hiệu quả kiểm tra giám sát.
Ngoài ra, thường xuyên đánh giá hiệu quả cũng như các tồn tại tại cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chủ trương về tín dụng chính sách để tham mưu, kiến nghị các cấp, ngành trong việc ban hành các cơ chế liên quan. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông và tuyên truyền về các chủ trương chính sách đến kịp thời và đầy đủ với người dân.
Bài và ảnh Thành Châu - Đình Phượng
Các tin bài khác
- » Đắk Nông nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
- » Duy Xuyên nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
- » Xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách trợ sức thanh niên DTTS khởi nghiệp
- » Nỗ lực đưa tín dụng chính sách đến với người dân
- » Hiệu quả nguồn vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù
- » Cuộc sống mới nở hoa sau những vấp ngã
- » Sôi nổi hoạt động thiết thực kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
- » Phụ nữ góp phần đưa ngành Ngân hàng Việt Nam vươn tầm cùng đất nước
- » Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ số trong quản lý tín dụng chính sách