Dấu ấn tín dụng chính sách trên vùng biên giới Ngọc Hồi

16/10/2024
(VBSP News) Nhờ được vay vốn từ NHCSXH, đồng bào các DTTS huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn chính sách trở thành “đòn bẩy” giúp người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo, từng bước làm giàu, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.
gia-dinh-ong-a-bring-dan-toc-xo-dang-thon-long-don-xa-dak-ang-phat-trien-ca-phe-nho-von-tin-dung-chinh-sach-1728954383491180555941

Gia đình ông A Bring, dân tộc Xơ Đăng, thôn Long Dôn, xã Đắk Ang phát triển cà phê nhờ vốn chính sách

Ngọc Hồi có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị quan trọng với đường biên giới trên 64km giáp với nước bạn Lào và Campuchia, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa đặc trưng, giàu bản sắc với trên 57% đồng bào DTTS, chủ yếu là người Xơ Đăng và Giẻ Triêng. Nơi đây là ngã ba Đông Dương, được coi là vùng đất “một tiếng gà gáy 3 nước cùng nghe”.
Những ngày giữa tháng 10/2024, về thăm gia đình chị Y Dom ở thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông. Chị tâm sự, năm 2012 được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện, đầu tư trồng 2ha cao su, 1 ha bời lời, 1ha sắn, 2 sào lúa nước. Nhờ siêng năng chịu khó nên gia đình đã trả hết nợ vay, có thêm tích lũy. Năm 2017, chị vay tiếp 50 triệu đồng đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mỗi thăm thu nhập trên 130 triệu đồng, trả hết nợ vay và thoát nghèo năm 2021.
Còn gia đình chị Ngân Thị Phương Lan, dân tộc Tày từ huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) vào thôn 7, thị trấn Pleikần lập nghiệp năm 2011 với hai bàn tay trắng. Năm 2013, gia đình vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để trồng cao su. Chị cho biết: “Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi không biết xoay xở thế nào để làm ăn và có cuộc sống khá giả như ngày nay”. Từ nguồn vốn vay, gia đình chị mở rộng trồng 1ha cao su, 1ha sầu riêng, 1ha bời lời, thu nhập khoảng trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Đến thăm xã biên giới Đắk Dục, địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Y Chon, trước đây, cuộc sống của bà con còn thiếu thốn, số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bao năm loay hoay tìm lối thoát nghèo thì được NHCSXH tiếp sức, cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Từ đó, nhiều gia đình trồng cà phê, cao su, chăn nuôi… nên đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Có nhiều nguyên nhân thoát nghèo, giàu lên của người dân nơi đây, nhưng quan trọng nhất là có đồng vốn ưu đãi của NHCSXH hỗ trợ kịp thời, cộng với việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đã làm “đòn bẩy” mạnh mẽ để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Ngọc Hồi Nông Văn Hùng, điểm nổi bật qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Nguồn vốn chính sách đã phát huy tác dụng, trở thành trợ lực quan trọng, trụ cột giảm nghèo, đồng hành với những người nông dân cần cù, có ý chí vươn lên có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ đồng vốn nhân văn.
Tính đến ngày 30/9/2024, dư nợ ủy thác toàn huyện đạt 532,499 tỷ đồng với 17 chương trình tín dụng chính sách được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Dù là huyện miền núi, biên giới nhưng đến cuối năm 2023, Ngọc Hồi chỉ còn 2,95% hộ nghèo; hộ cận nghèo là 2,37%. Nếu như năm 2019, tỉ lệ hộ nghèo là người DTTS tại các thôn khó khăn chiếm 29,11%, thì đến cuối năm 2023, đã giảm xuống còn 10,35%. Đến nay, Ngọc Hồi đã có 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 97% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đạt khoảng 60 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách. Ông Nguyễn Chí Tường - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn chủ động rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục, hồ sơ, giám sát đối tượng vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.
Theo bà Y Lan - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chia sẻ: Những năm qua, NHCSXH huyện đã chủ động, tích cực thực hiện, triển khai các phương án thích ứng linh hoạt, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.
Trong điều kiện còn khó khăn nhưng với quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, từ năm 2015 đến nay, UBND huyện đã chuyển 9,329 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đây là nguồn động viên rất lớn, giúp người dân được vay vốn nhiều hơn, mức đầu tư lớn hơn, nhất là ở đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa.
Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của nhân dân đã giúp nguồn vốn chính sách ở huyện biên giới Ngọc Hồi không những tăng trưởng nhanh, mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy tích cực, hỗ trợ thiết thực các hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tô đậm thêm một chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng.
Giám đốc NHCSXH huyện Ngọc Hồi Nông Văn Hùng chia sẻ: Hoạt động tín dụng chính sách luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ Đảng, chính quyền, giúp NHCSXH huyện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hằng năm. Do đó trong nhiều năm qua, huyện Ngọc Hồi luôn có tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chất lượng tín dụng cao. Nhất là đơn vị đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, luôn gần dân, sát dân, tận tụy thực hiện nhiệm vụ với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Bài và ảnh Văn Chiến

Các tin bài khác