Nguồn vốn chính sách giúp người dân Đại Lộc thoát nghèo
Trợ lực để thoát nghèo nhanh, bền vững
Giám đốc NHCSXH huyện Đại Lộc Lê Tấn Hùng cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2024, NHCSXH huyện bám sát kế hoạch của chi nhánh NHCSXH tỉnh, chỉ đạo của UBND huyện, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện, tập trung về nguồn vốn và giải ngân kịp thời các chương trình cho vay theo kế hoạch tăng trưởng năm 2024.
Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, kết hợp với chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới của huyện Đại Lộc.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW; Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; cấp ủy, chính quyền địa phương huyện tiếp tục quan tâm chuyển vốn sang NHCSXH để tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong 9 tháng đầu năm 2024, UBND huyện đã chuyển nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH trên địa bàn với số tiền 1.200 triệu đồng, nâng số vốn ngân sách huyện đến nay là 5.821 triệu đồng.
NHCSXH huyện đã tập trung huy động vốn, giải ngân các nguồn vốn được phân bổ mới năm 2024 ngay từ đầu năm để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tổng nguồn vốn chính sách đến ngày 30/9/2024 tại địa bàn huyện Đại Lộc đạt 483.584 triệu đồng, tăng so với cuối năm 2023 là 37.872 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 367.369 triệu đồng; nguồn vốn từ ngân sách địa phương đạt 43.206 triệu đồng.
Tổng doanh số cho vay đạt 145.484 triệu đồng với 3.172 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ 107.567 triệu đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sáchđạt 482.781 tỷ đồng, tăng 37.925 triệu đồng so với cuối năm 2023, tốc độ tăng 8,53%.
Luôn đồng hành cùng người dân
NHCSXH huyện Đại Lộc tập trung cho vay chủ yếu các chương trình như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nâng cấp, sửa chữa công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn chi phí học tập cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; nhà ở xã hội, cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù… Qua đó, góp phần tích cực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Thời gian qua, NHCSXH huyện phối hợp triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đến ngày 30/9/2024 là 478 tỷ đồng, tăng 37,3 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 99% tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn và lãi tồn đọng, xử lý nợ xấu được tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm. Do đó, nợ quá hạn giảm còn 245 triệu đồng (giảm 32 triệu đồng so với đầu năm), tỷ lệ 0,05%. Cùng với hoạt động cho vay vốn ưu đãi, NHCSXH huyện Đại Lộc còn quan tâm, tuyên truyền và đẩy mạnh thực hiện huy động tiền gửi qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay, toàn huyện có 255 Tổ tiết kiệm và vay vốn có số dư tiết kiệm đạt 25,6 tỷ đồng.
Nhờ được tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội kịp thời, đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Để sử dụng nguồn vốn chính sách hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Đặng Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đề nghị các thành viên HĐQT NHCSXH huyện, các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục bám sát các chỉ tiêu được giao cũng như các văn bản của cấp trên. Tiếp tục tham mưu kịp thời cho cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn mới.
Nâng cao chất lượng tín dụng thông qua việc nâng cao chất lượng bình xét khi cho vay; giữ vững chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức 0,05%. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, giám sát của ngân hàng và phát huy sự tham gia giám sát của các thành viên để đảm bảo đồng vốn huy động phát triển an toàn, mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh Trần Hậu
Các tin bài khác
- » Tạo động lực cho thanh niên lập nghiệp
- » NHCSXH chúc mừng 94 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam
- » Hội nghị biểu dương Chủ tịch Công đoàn cơ sở xuất sắc, tiêu biểu
- » Hải Phòng cho người dân vay vốn bổ sung sau bão số 3
- » Bến Tre nâng cao chất lượng nguồn vốn chính sách
- » Phụ nữ Lâm Đồng tích cực tham gia chuyển đổi số
- » Nam Định: Điểm tựa cất cánh nông thôn mới
- » Quảng Ngãi cho người dân vay vốn xây dựng công trình nước sạch
- » Tư Nghĩa thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng
- » “Mở lối” cho những người lầm lỡ trở về