Cùng đồng vốn chính sách chiến thắng đói nghèo

26/07/2019
(VBSP News) Mang thương tật từ chiến trường trở về, thương binh Nguyễn Kim Trường, thôn Tân Lập, xã Hán Đà, huyện Yên Bình (Yên Bái) luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cấp uỷ, chính quyền và các hội, đoàn thể tại địa phương; trong đó có nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH.
Thương binh hạng 3/4 Vũ Quang Minh, thôn Trung Tâm, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình vay vốn chính sách mua trâu nái sinh sản

Thương binh hạng 3/4 Vũ Quang Minh, thôn Trung Tâm, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình vay vốn chính sách mua trâu nái sinh sản

CCB Nguyễn Kim Trường chia sẻ: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến những người lính như chúng tôi, trong đó có các chính sách tín dụng ưu đãi. Thông qua tổ chức Hội CCB, tôi được vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, cho hai con đi học chuyên nghiệp và mua được cây giống, phân bón về trồng được 3ha rừng. Kinh tế gia đình giờ đã ổn định, cây rừng đã lớn, hai cháu đã học xong, có công ăn việc làm ổn định; mấy khoản vay trước tôi đã trả hết, món vay trồng rừng đang trả dần bằng cách mỗi tháng gửi mấy trăm nghìn vào tiết kiệm NHCSXH”.

Câu chuyện của thương binh hạng 2/4 Nguyễn Kim Trường ở Hán Đà giống như hàng nghìn gia đình chính sách, hàng vạn CCB ở tỉnh Yên Bái đã và đang vươn lên, thay đổi cuộc sống nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua NHCSXH.

Ông Đoàn Quang Vinh - Chủ tịch Hội CCB tỉnh Yên Bái chia sẻ: “Nhận thức rõ, vốn chính sách ưu đãi thực sự là cơ hội cho người nghèo nói chung và anh em CCB nói riêng vươn lên trong cuộc sống nên ngay sau khi có chủ trương NHCSXH ủy thác cho các tổ chức hội, đoàn thể, Hội CCB đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền vận động hội viên, thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn… từ thôn bản, tổ dân phố đến xã, huyện.

“Do vậy, các đối tượng thụ hưởng nói chung và hội viên CCB nói riêng đã nắm bắt được ý nghĩa của các chương trình tín dụng chính sách; các hộ vay vốn đều hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi sử dụng nguồn vốn ưu đãi, đầu tư sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Cả hệ thống CCB cùng nhất quán mục tiêu: “Vốn chính sách phải đến đúng đối tượng chính sách, phải sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả”, ông Vinh nói.

Chỉ có vậy anh em CCB mới thoát được nghèo, mới không có nợ xấu, không mất vốn. Cái hay, cái tốt nữa mà câu chuyện nhận ủy thác mang lại chính là thông qua công tác uỷ thác, hoạt động của các cấp hội đều đặn hơn, sự gắn bó giữa hội viên với hội viên, giữa hội viên với tổ chức hội cũng gần gũi và bền chặt hơn”.

Theo thống kê, dư nợ nhận uỷ thác từ NHCSXH của CCB tỉnh Yên Bái trong 5 năm trở lại đây tăng trưởng trên 14,5%/năm, đến 30/6/2019 đạt 655 tỷ đồng, tăng 332 tỷ đồng so với 30/6/2014, với 18.592 hộ vay vốn; chất lượng tín dụng ổn định, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,1%/tổng dư nợ; hiện Hội CCB tỉnh đang quản lý 533 Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó có 508 tổ xếp loại tốt, 25 tổ xếp loại khá.

Được biết, Hội CCB các cấp còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cấp uỷ, chính quyền địa phương nhằm thực hiện tốt việc hướng dẫn, hỗ trợ hội viên và các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, cũng như thực hiện tốt công tác bình xét cho vay, công tác kiểm tra, sử dụng vốn vay… nhờ vậy 100% hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả và đã trả nợ gốc, lãi vay đúng hạn, đạt 99,9%.

Có thể nói, công cuộc giảm nghèo đang có những bước tiến vững chắc, tổ chức Hội CCB với mạng lưới rộng khắp đã và đang tiếp tục chung tay nâng cao cuộc sống người dân nói chung, anh em hội viên nói riêng, đặc biệt là các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, trong đó tiêu biểu là nhận uỷ thác nguồn vốn chính sách, tổ chức cho hội viên vay vốn, đầu tư vào SXKD đạt hiệu quả.

Hàng loạt các mô hình CCB liên kết trong SXKD, những gia đình thương binh, bệnh binh ở Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên có cuộc sống đủ đầy mà xuất phát điểm từ đồng vốn chính sách đã nói lên điều đó.

Bài và ảnh Lê Phiên

Các tin bài khác