Chỉ thị 40-CT/TW: Tô đậm tính nhân văn đồng vốn nghĩa tình (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)

25/12/2024
(VBSP News) Đến cuối tháng 11 năm 2024, Bình Thuận đã có hơn 22 năm thực hiện tín dụng chính sách chung, trong đó có chính sách tín dụng dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), và 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về tín dụng chính sách xã hội. Tín dụng chính sách đã trở thành cứu cánh cho hàng chục ngàn gia đình hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS ở Bình Thuận góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.

Bài 2: Kết nối sức mạnh cả hệ thống phát huy hiệu quả nguồn vốn
Từ khi thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Bình Thuận đã phát huy mạnh mẽ sự vào cuộc của hệ thống chính trị, từ các cấp ủy đảng, chính quyền đến các đoàn thể xã hội. Chú trọng việc tăng cường tuyên truyền, các cấp đã đồng bộ triển khai những chính sách hỗ trợ đến tận các thôn, xóm, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS để phát huy hiệu quả nguồn vốn. Sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường làm rạng sáng hơn một chính sách mang đầy tính nhân văn của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống…
Chính quyền đến cơ sở vào cuộc
 Ngày từ đầu, Cấp uỷ và UBND tỉnh Bình Thuận đã xác định: Tín dụng chính sách nhằm trao “cần câu” thay vì con cá đến dân, qua đó phát huy năng lực, kinh nghiệm sản xuất của hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo đồng bào DTTS để làm cho đời sống của bà con thay đổi, theo hướng tốt lên. Cấp uỷ, UBND tỉnh Bình Thuận đã phổ biến một cách rộng rải chủ trương của Đảng đến các huyệt thị xã, thành phố, cũng như yêu cầu các địa phương phổ biến truyên truyền sâu rộng trong dân, nhất là vùng có đồng DTTS sinh sống, làm cho từng hộ đồng bào hiểu được mục đích của tín dụng chính sách. Xác định tín dụng chính sách là “đòn bẩy” để phát triển kinh tế. Mặc khác, cấp uỷ thông qua MTTQ các cấp, các đoàn thể như: hội nông dân, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh chung tay thực hiện, hỗ trợ người dân khi họ cần.

dcc

Ông Đỗ Đức Anh – Chủ tịch UBND xã Trà Tân chia sẻ về hiệu quả tín dụng chính sách xây dựng NTM tại địa phương

Chẳng hạn, như hội nông dân xã nhận ủy thác nguồn vốn nghiên cứu đề xuất với chính quyền địa phương hỗ trợ hộ vay kiến thức về đầu tư, nuôi trồng cây con gì để tạo ra lợi nhuận, giảm thiếu nguy cơ thua lỗ mất vốn vay trong dân. Hội phụ nữ xã phối hợp ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Phát triển các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ giúp cho các hộ vay, đặc biệt đồng bào DTTS phát huy hiệu quả nguồn vốn… Để có được kết quả tích cực giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách, các địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa sinh kế; xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản… giúp người nghèo, đối tượng yếu thế vươn lên thoát nghèo. Căn cứ tình hình ngân sách của địa phương hằng năm, UBND đã chỉ đạo Sở Tài chính tham mưu, ưu tiên bổ sung nguồn vốn chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đồng thời tăng cường chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH…

dc2

Có thể thấy rõ qua việc triển khai tín dụng chính sách tại huyện Đức Linh. Ngay từ đầu huyện Đức Linh đã xác định tín dụng chính sách cần tập trung và ưu tiên cho các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống. Xã Trà tân vì vậy được quan tâm các chương trình tín dụng chính sách để xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tiến tới xã kiểu mẫu. Đến nay, Trà Tân đang hoàn thành các tiêu chí “về đích” xã NTM mới kiểu mẫu trong năm 2024. Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân địa phương. Nhờ các chương trình vay vốn cho hộ nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh viên, số hộ khá và giàu ngày càng tăng. Đặc biệt, tại thôn 4 - nơi tập trung đông đồng bào dân tộc Châu Ro. Tổng dư nợ tín dụng chính sách tại thôn 4 đạt hơn 10 tỷ đồng, giúp bà con phát triển chăn nuôi và trồng trọt, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3%, không có hộ tái nghèo. Ông Đỗ Đức Anh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trà Tân, cho biết: “Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, xã đã phối hợp hiệu quả với NHCSXH huyện, triển khai các chương trình cho vay với tổng vốn khoảng 42 tỷ đồng, đảm bảo đúng đối tượng. Đảng ủy xã chỉ đạo chặt chẽ việc sử dụng vốn và định hướng phát triển kinh tế phù hợp cho bà con. Đồng thời, xã phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ phân bón, thu mua nông sản, đảm bảo chất lượng và giá cả, củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền.”

dkl

Làng Châu Ro thôn 4 xã Trà Tân huyện Đức Linh

Theo Huyện ủy Đức Linh, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư, chính sách tín dụng dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một “trụ cột” quan trọng trong công tác giảm nghèo, giúp cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững, đồng thời đẩy lùi tín dụng đen. Nguồn vốn công cụ đắc lực giúp 10/10 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và tiếp tục phấn đấu thành huyện NTM nâng cao vào năm 2025. Tổng dư nợ tín dụng chính sách hiện đạt 517,569 tỷ đồng, tăng 256% so với năm 2014, với 12.653 hộ vay vốn. Giai đoạn 2014-2024, NHCSXH huyện đã giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,64% xuống còn 1,96%.
Hỗ trợ đắc lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Trong hành trình giảm nghèo bền vững, tín dụng chính sách từ NHCSXH tỉnh đã trở thành “đòn bẩy” quan trọng, hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Qua 10 năm, các chương trình vay vốn này đã giúp gần 30.000 hộ thoát nghèo và cận nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn tỉnh từ 7,61% cuối năm 2014 xuống còn 5,58% vào đầu năm 2024, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,96% và hộ cận nghèo còn 3,62%. Nguồn vốn trợ lực quan trọng cho 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ghi nhận tại xã NTM nâng cao Mê Pu, trên cánh đồng lúa đang vào vụ thu hoạch hè thu, anh Mai Hoàng Hải, Bí thư chi bộ thôn 4, chia sẻ rằng, từ khi triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, tổng dư nợ của thôn đã đạt 6,395 tỷ đồng, giúp 240 hộ dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại thôn giảm còn 2,58%, hộ cận nghèo còn 1,47%, góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Người dân thôn 4 tích cực thi đua nâng chất lượng các tiêu chí nâng cao, cùng xã tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo, giúp xã Mê Pu tiến tới xã NTM kiểu mẫu năm 2024 này.

dkl

Vùng nông thôn huyện Đức Linh

Việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng CSXH có vai trò quan trọng trong tạo nguồn lực thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh: Thời gian tới để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH tiếp tục quán triệt sâu rộng các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật về tín dụng CSXH. Tiếp tục huy động nguồn lực từ NHCSXH và ngân sách địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả tuyên truyền và vận động tham gia gửi tiết kiệm tại NHCSXH. Bên cạnh đó, cần nhân rộng các mô hình tiên tiến và cách làm hiệu quả từ cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH cần đẩy mạnh hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích và đảm bảo khả năng trả nợ. Đối với NHCSXH tỉnh tiếp tục cải thiện mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH, duy trì chất lượng tại các điểm giao dịch xã, và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng.

Bài và ảnh Thanh Duyên

Các tin bài khác