Bài 2 - “Điểm tựa” cho người lầm lỡ

16/10/2024
(VBSP News) Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg) dù mới có hiệu lực hơn 1 năm nhưng đã và đang là điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương trên mọi vùng miền vươn lên tái hoà nhập cộng đồng, kiến tạo cuộc sống mới. Tại tỉnh Tây Ninh, Quyết định này đã giúp các đối tượng xoá nhoà ranh giới tự ti, mặc cảm, tự tin làm lại cuộc đời...
42791728449701_dsc-0014-jpg

Nguồn vốn đã giúp người lầm lỡ có “điểm tựa” để phát triển kinh tế gia đình

Khép quá khứ, làm lại cuộc đời
Dưới cái nắng oi ả của những ngày đầu tháng 10, tại xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, ông N.V.T vừa nhanh chân nhanh tay lấy thức ăn cho đàn vịt, vừa tranh thủ trò chuyện với chúng tôi. Vì thiếu hiểu biết và hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên ông tàng trữ, buôn bán vũ khí, hung khí nguy hiểm. Khoảng thời gian chấp hành án là từng đó thời gian ông suy ngẫm, hối hận về hành vi phạm tội của mình. Nhờ rèn luyện tốt nên sau khi thụ án được 1 năm, ông T được giảm án và trở về với gia đình trong niềm vui mừng, xúc động khôn xiết.
“Những ngày còn chấp hành án, tôi đã được tuyên truyền nên quyết tâm làm lại cuộc đời khi mãn hạn tù, cũng nhen nhóm ý định cho cuộc sống sau này, về công việc mình sẽ làm, con đường mình sẽ đi cho chặng đường sắp tới, nhưng lúc đó khó khăn nhất là không biết lấy vốn ở đâu. Khi trở về nhà, từ nguồn vốn ít ỏi của gia đình còn lại, tôi chăn nuôi nhỏ lẻ rồi làm đủ nghề để mưu sinh, nhưng thu nhập bấp bênh nên cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn lắm”, ông T chia sẻ.
Đang lúc khó khăn thì vào tháng 11/2023, thông qua tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác cho vay NHCSXH và chính quyền địa phương, ông T được vay số tiền 90 triệu đồng từ NHCSXH huyện để sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn này, ông phát triển mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm với quy mô khoảng 3.000 con. Sau khoảng 2 tháng, ông T bán được lứa vịt đầu tiên, lợi nhuận thu hàng chục triệu đồng. Đầu ra của vịt hiện nay tương đối ổn định nên chỉ sau gần 1 năm, kinh tế gia đình ông T dần ổn định hơn.
“Tôi sẽ tiếp tục nuôi vịt và sớm hoàn vốn cho NHCSXH để những người lầm lỡ sẽ được tiếp cận vốn. Còn tiền lãi tôi phát triển nuôi thêm. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã giúp tôi có được đồng vốn phát triển kinh tế; cảm ơn Công an, chính quyền địa phương, Hội Nông dân đã giúp đỡ tôi rất nhiều”, ông T chia sẻ thêm.
Chấp hành xong án phạt tù 6 tháng với tội đánh bạc, anh T.N.X ở xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên trở về địa phương sống cùng cha mẹ, cố gắng rèn luyện bản thân để trở thành công dân tốt, làm lại cuộc đời. Để phát triển kinh tế, anh X cần có đồng vốn, nhưng hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả để hỗ trợ anh. May mắn là, chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù chính thức có hiệu lực thi hành, anh X là một trong những người đầu tiên trên địa bàn tỉnh được vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế.
Anh X tâm sự: “Khi nhận được thông báo đủ điều kiện vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, tôi vui lắm, nhất là bố mẹ tôi. Từ nguồn vốn được vay, tôi mua bò và cây giống để chăn nuôi, trồng trọt. Với những người như tôi, thực sự là “phao cứu sinh” để tôi làm lại cuộc đời, ổn định cuộc sống”.
Đồng hành “dệt” tương lai
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg là một “mũi tên” trúng nhiều đích, vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa giữ gìn an ninh trật tự, thay đổi nhận thức, sự kỳ thị của xã hội và cũng là cơ hội rất tốt để người mãn hạn tù không còn tự ti. Kịp thời hỗ trợ người mãn hạn tù và doanh nghiệp sử dụng người mãn hạn tù, tận dụng tối đa nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, để đồng vốn được sử dụng đúng mục đích, người lầm lỡ không tái phạm tội thì rất cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị và gia đình.
Tháng 5/2024, sau khi chấp hành xong bản án 22 tháng tù giam về tội đánh bạc, ông L.T.C ở xã Tân Phú, huyện Tân Châu trở về địa phương, tái hoà nhập cộng đồng.  Cũng như bao người lầm lỡ, ông C mang tâm trạng lo lắng khi sợ mọi người xa lánh, không có vốn để phát triển kinh tế. Được sự hỗ trợ nhiệt tình từ địa phương và lực lượng Công an, ông C vay được 100 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH với lãi suất 6,6%. Đồng thời, UBND xã Tân Phú cũng cử cán bộ nông nghiệp, Hội Nông dân xã quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn chọn cây trồng phù hợp, cách chăm sóc cây để cây phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông C cho biết: “Trở về nhà, tôi được vay 100 triệu đồng với lãi suất thấp, được các đoàn thể, địa phương hỗ trợ cách trồng trọt. Tôi xin hứa quyết tâm dùng vốn đúng mục đích để trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, không phạm tội lại”.
Tại xã Phan, huyện Dương Minh Châu, thấu hiểu sự khó khăn cũng như mặc cảm của những gia đình người thân phải chịu án tù, thời gian qua, Hội LHPN xã thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ hội viên, thân nhân hội viên tái hoà nhập cộng đồng. Vào năm 2023, bà Trương Thị Gái, hội viên phụ nữ thuộc ấp Phước Tân 1 có người con mãn hạn tù sau một thời gian chấp hành án do gây tai nạn giao thông. Sau vụ tai nạn, con trai bà Gái cũng bị ảnh hưởng về sức khoẻ, do đó khi mãn hạn tù gần như không thể xin việc mà chỉ có thể làm những công việc nhẹ nhàng.
Nắm được thông tin về nhu cầu vay vốn của gia đình bà Gái, Công an xã Phan đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội LHPN xã và NHCSXH huyện khảo sát, tạo điều kiện, hướng dẫn để gia đình bà Gái được vay vốn ưu đãi. Tháng 12/2023, gia đình bà Gái chính thức được giải ngân 70 triệu đồng, thời hạn vay là 5 năm, lãi suất 6,6%. Từ nguồn vốn này, gia đình bà Gái đã sử dụng để đầu tư mô hình sản xuất của gia đình phù hợp với khả năng và sức khoẻ của con trai là nhân và chăm sóc các loại cây giống như cao su, mãng cầu… Nhờ đó, gia đình bà Gái hiện đã bớt khó khăn.
Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Thị Phúc Hoà cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục động viên, giáo dục, giúp đỡ hội viên phụ nữ, thân nhân hội viên phụ nữ tái hoà nhập cộng đồng và tránh xa tệ nạn xã hội, không tái phạm tội. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xét duyệt cho vay vốn đối với những hội viên có nhu cầu tiếp cận vốn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đến các cấp, các ngành và các đối tượng thụ hưởng; tuyên truyền các mô hình vay vốn có hiệu quả, tập trung phối hợp với công an các địa phương và các cơ quan liên quan tham mưu HĐND, UBND tỉnh và huyện bố trí nguồn ngân sách địa phương uỷ thác qua NHCSXH tỉnh cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù; tăng cường phối hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các phát sinh trong quá trình vay vốn.

Bài và ảnh Vũ Nguyệt

Các tin bài khác