Hiệu quả từ hỗ trợ giảm nghèo ở Vân Đồn
Với đặc thù là huyện miền núi, hải đảo; có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, do đó, việc giảm nghèo nhanh và bền vững luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Huyện Vân Đồn chủ động cụ thể hóa các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, bám sát nhu cầu thực tế của người dân địa phương.
Những năm qua, NHCSXH huyện Vân Đồn đã luôn làm tốt vai trò là cầu nối giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, NHCSXH huyện đã xây dựng được các chương trình tín dụng chính sách, vận động linh hoạt các nguồn vốn huy động để bố trí đủ vốn cho các nhu cầu vay.
Để đồng vốn đến tay các đối tượng thụ hưởng đạt hiệu quả, NHCSXH huyện Vân Đồn đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể xây dựng hợp đồng ủy thác, triển khai rà soát, xác định đối tượng để cho vay vốn. Từ đó, hình thành mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn từng thôn, xóm, khu phố… đưa đồng vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận dễ dàng vốn vay.
Năm 2019, doanh số cho vay của NHCSXH huyện đạt 79,358 tỷ đồng với 2.220 lượt hộ vay vốn. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Thái Thụy ở khu 1, thị trấn Cái Rồng. Trước đây, gia đình anh thuộc diện khó khăn, cả hai vợ chồng đều không có việc làm ổn định. Nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn giống về để chăn nuôi. Đến nay, đàn lợn của anh đã phát triển, trung bình 4 tháng xuất chuồng một lần, thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình đã khá hơn trước rất nhiều.
Cùng với chính sách tín dụng, chính sách về học nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cũng được huyện quan tâm. Theo đó, huyện đã tuyên truyền và thông báo đầy đủ, kịp thời các thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài huyện; vận động lao động địa phương đi làm việc tại các doanh nghiệp, KCN trên địa bàn tỉnh.
Năm 2019, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với trường nghề trên địa bàn tỉnh, tổ chức 6 lớp trung cấp nghề gồm: Điện dân dụng, quản trị khách sạn, nghiệp vụ lưu trú, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ cho 245 học viên tham gia.
Cùng với đó, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức 3 lớp nghề cho 69 lao động nông thôn; tổ chức truyền thông tư vấn học nghề cho 120 cán bộ trưởng thôn, cộng tác viên thôn, khu; phát 3.500 tờ rơi tuyên truyền về chính sách học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tư vấn, giải quyết việc làm cho lao động.
Đồng thời, ban hành văn bản giới thiệu trên 16 công ty đến huyện Vân Đồn để tuyển dụng lao động làm việc tại các KCN: Cảng biển Hải Hà, Hải Yên, Việt Hưng, Đông Mai… Qua đó, đã tuyển lao động đi thực tập sinh và làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 1.530 lao động trên địa bàn huyện.
Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đang được thực hiện ở Vân Đồn đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân; số hộ nghèo giảm từng năm, đời sống của nhân dân ngày được nâng cao. Đến nay, toàn huyện còn 167 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,43%. Đó là cơ sở để huyện tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp trong thực hiện các chính sách giảm nghèo, từng bước mang lại cuộc sống mới cho người dân.
Bài và ảnh Thu Trang
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội
- » Vai trò của tín dụng chính sách với giảm nghèo nơi vùng cao
- » Hội Nông dân Hòa Bình phát huy vai trò nhận ủy thác vốn vay ưu đãi
- » Chung sức đẩy Đà Nẵng cất cánh, vươn cao
- » Ninh Bình kịp thời giải ngân vốn đáp ứng nhu cầu của người dân ngay từ những ngày đầu năm
- » Đòn bẩy hỗ trợ người nghèo
- » Phụ nữ thôn Loa sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Vạn Ninh phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- » Nhịp sống mới trên miền đất Tây Sơn