Âm vang phố Ràng

27/01/2013
(VBSP) Ngồi trên ghế nhà trường hết phổ thông rồi đại học, đọc và học “Ký sự Trần Đăng” (1921 - 1949), tôi ao ước một ngày về Phố Ràng... Sau mấy chục năm bôn ba, nguyện ước ấy mới được thực hiện nhân một chuyến công tác cùng NHCSXH vào đầu năm mới này.
a600Untitled-2

Chủ tịch UBND thị trấn Dương Văn Đức: Phố Ràng đang cố gắng tạo nên một bản sắc riêng

Dấu xưa oai hùng

Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, có lẽ, không ai là không biết địa danh phố Ràng thuộc huyện Bảo Yên (Lào Cai) như một kỳ tích trận địa trong cuộc kháng chiến chống Pháp, qua câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng”. Đặc biệt, qua ký sự “Trận Phố Ràng” của Nhà văn liệt sĩ Trần Đăng. Đồn Phố Ràng nằm trên đồi cao, nơi ngã ba ngòi Ràng - sông Chảy. Di tích Phố Ràng đã tạc vào lịch sử chiến công vang dội ngày 26/6/1949 của tiểu đoàn Phủ Thông, đã phá vỡ một mắt xích quan trọng trong phòng thủ tuyến Nghĩa Lộ - Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô -Yên Bình của thực dân Pháp dựng lên, nhằm uy hiếp khu căn cứ địa Việt Bắc của ta. Sau hơn 1/2 thế kỷ, dấu tích trận đánh oai hùng của những người lính Vệ quốc đoàn tiểu đoàn Phủ Thông năm xưa vẫn còn hiển hiện ở những hầm ngầm, lô cốt lỗ chỗ vết đạn, màu xanh và rêu phong! Dưới bóng cây đại xanh, tấm bia lớn ghi công những liệt sỹ đã hi sinh trong trận công đồn. Trận Phố Ràng còn âm vang mãi không chỉ với núi rừng Tây Bắc, mà còn có sức sống lâu bên trong lòng người dân đất Việt!

Tiếp bước anh Vệ quốc đoàn

Thị trấn Phố Ràng ngày nay nhộn nhịp phố xá, với những cửa hàng bán xe máy, ti vi đời mới, quán cà phê, shop thời trang quần áo và cả chụp ảnh mỹ viện hiện đại. Thị trấn miền núi nằm bên bờ sông Chảy hiền hòa, đang vươn lên sức sống tươi trẻ. Về với phố núi trong nhịp sống hiện đại, đây đó tôi vẫn bắt gặp bóng dáng anh Vệ quốc đoàn. Một chiều, theo chân Chủ tịch UBND thị trấn Dương Văn Đức, chúng tôi đến tổ 8b thăm trang trại lâm nghiệp của cựu chiến binh Hoàng Văn Chải, 62 tuổi, dân tộc Tày, lái xe đoàn 559 thời chống Mỹ cứu nước. Phục viên năm 1980, trở về quê hương Phố Ràng, ông bỏ phố lên đồi, quyết chí trồng rừng, sống nhờ rừng. Với diện tích trên 6ha đất đồi, ông trồng thuần loại trám đen và trám trắng; dưới tán rừng trám trồng toàn trúc lùn. Vẫn đậm chất lính Trường Sơn “ăn to, nói lớn”, ông lý giải “Làm trang trại lâm nghiệp phải tính toán, căn cơ, không thể ăn xổi. Trám vừa lấy gỗ vừa bán quả, trúc lùn vừa phủ mặt chống xói mòn vừa lấy măng, thân làm chổi bán cho Công ty vệ sinh môi trường. Phải tạo ra nguồn thu liên hoàn, lấy ngắn nuôi dài, đạt hiệu quả kinh tế cao thì mới giữ được rừng lâu dài. Ông tính toán rành rẽ: “Quả trám bán tại gốc 25 nghìn đồng/kg; măng trúc 17 nghìn đồng/kg; chổi xuể làm bằng thân trúc bán 15 nghìn đồng/cái… chưa kể hồ cá, đàn trâu. Mình nuôi 2 con học đại học và sống khỏe re nhờ lộc rừng”.

- Ông có vay vốn ưu đãi của Nhà nước để làm trang trại và cho con đi học? - Tôi hỏi.                                                                                        

- Thừa tiêu chuẩn. Nhưng, mình đủ rồi, nhường lại suất vay cho người nghèo. Và, để Phố Ràng có thêm hai cháu vào đại học đấy cũng là niềm vui của anh bộ đội cụ Hồ!

Tạm biệt trang trại cựu chiến binh Hoàng Văn Chải, chúng tôi về NHCSXH huyện Bảo Yên, tuy chật hẹp nhưng nằm giữa Phố Ràng. Giám đốc NHCSXH huyện Nguyễn Ngọc Hải - một người cao lớn, chắc khỏe như cây rừng, có nụ cười cởi mở, thân thiện. Trong bộ trang phục áo ghi lê, quần bò, trông ông phong trần và từng trải, dường như lăn lộn nhiều với thôn, bản. Cuối năm ngân hàng nhiều việc, ông lại được chính quyền huyện trưng tập làm thành viên trong Đoàn rà soát, xác định hộ nghèo ở các xã. Bận rộn nhưng ông vẫn tranh thủ thì giờ tiếp chúng tôi. “Xưa lính Vệ quốc đoàn về Phố Ràng phá đồn giặc, giành lại cuộc sống tự do, độc lập cho dân. Nay, cán bộ NHCSXH về Phố Ràng “đánh giặc nghèo”, vì an sinh xã hội” - ông Hải mở đầu câu chuyện một cách văn vẻ. Không áo trấn thủ, không mũ nan và dép lốp, nhưng phía sau ông tôi thấy - thấp thoáng hình ảnh anh Vệ quốc đoàn (!)

Ông Hải cho biết, huyện Bảo Yên có 16 xã, một thị trấn. Năm 2012, đạt tổng dư nợ gần 231,7 tỷ đồng (trên 12.900 hộ còn dư nợ), trong đó: thị trấn Phố Ràng dư nợ 15 tỷ 484 triệu đồng. Phố Ràng cho vay 5 chương trình, trong đó cho vay học sinh, sinh viên nhiều nhất 7,2 tỷ đồng; tiếp đến cho vay giải quyết việc làm 4,2 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo trên 2,6 tỷ đồng… Phố Ràng đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông - lâm nghiệp sang thương mại - dịch vụ là chính. Năm 2012, thu nhập từ thương mại dịch vụ chiếm trên 60% tổng nguồn thu của thị trấn, trong khi đó thu từ nông - lâm nghiệp chỉ chiếm 19%. Ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp ở Phố Ràng đang phát triển, nhưng vốn vay giải quyết việc làm không vượt quá 20 triệu đồng/hộ. Kinh tế Phố Ràng đang muốn bứt phá, nhưng “cái khó đang bó cái khôn vì thiếu vốn” - ông Hải kết luận.

Đô thị xanh

Phố Ràng nằm trên quốc lộ 70, cách thành phố Lào Cai khoảng 85km. Người ta gọi nơi đây là “cổng chào”, cửa ngõ phía Nam của tỉnh Lào Cai. Vì từ Hà Nội, hay Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái lên Lào Cai tất cả đều qua Phố Ràng. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Dương Văn Đức, Phố Ràng nằm trong 2 dãy núi lớn Con Voi và Tây Côn Lĩnh; giữa hai dãy núi này là 2 con sông lớn: sông Hồng và sông Chảy. Thiên thời và địa lợi, Phố Ràng sống hòa mình vào thiên nhiên, bởi ranh giới giữa thị trấn, làng và núi cách nhau không xa. Phía trước mặt là phố xá tấp nập, nhưng phía sau lại là làng, là núi. Chính vì thế khi đến với Phố Ràng, người ta cảm thấy thoáng đâu đó mùi vị của rừng, của sông, của núi hòa quyện vào không khí tấp nập của phố thị, tạo ra một cảm giác khó tả, níu giữ khách thập phương. “Cả trong hiện tại và tương lai, Phố Ràng đang cố gắng tạo nên một bản sắc riêng, một dáng vẻ không trộn lẫn, đó là xây dựng một đô thị xanh, lấy phát triển kinh tế lâm nghiệp và du lịch, thương mại, dịch vụ làm chủ đạo” - Chủ tịch thị trấn Phố Ràng khẳng định.

Minh Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác