“Cú hích” cho vùng nghèo Triệu Phong

21/01/2013
(VBSP) Có vị trí nằm kề Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc Nam chạy qua, Triệu Trạch vẫn là một xã thuần nông thuộc huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Đời sống nhân dân vùng quê này gặp khá nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 23,4% vào thời điểm năm 2007; nhiều hộ dân vẫn phải ở trong căn nhà dột nát, tạm bợ.
600cu-hich-cho-vung-ngheo..

Su su giàn mới được trồng ở xã Triệu Trạch (Triệu Phong)

Trước thực trạng đó, Lãnh đạo xã Triệu Trạch đã phân tích những khó khăn, thuận lợi để thấy việc muốn chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả, ngoài nội lực thì việc đầu tư từ các chương trình, dự án, nhất là đầu tư nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước rất quan trọng, là “cú hích” mạnh để nông dân thoát ra được cái ao làng, thửa đất bé nhỏ, tiến tới tươi đẹp, no ấm. Ông Hồ Viết Thoảng - Chủ tịch UBND xã tỏ ra phấn chấn khi nhắc đến những câu chuyện vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay của bà con xã Triệu Trạch. Theo ông Thoảng đến mùa xuân này, NHCSXH huyện Triệu Phong đã giải ngân kịp thời 7 chương trình tín dụng ưu đãi cho hơn 3 nghìn lượt hộ vay với số tiền là 18,9 tỷ đồng. Các tổ chức hội, đoàn thể ở Triệu Trạch làm nhiệm vụ uỷ thác đã thực hiện tốt công tác giám sát vốn vay của hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đồng thời, thực hiện dân chủ, minh bạch và công bằng trong việc bình xét vay vốn ưu đãi. Chính nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, nhiều hộ nông dân ở Triệu Trạch đã liên kết, xây dựng các mô hình chăn nuôi, sản xuất rau an toàn.

Ông Triệu Vũ Vang ở thôn Thường Trạch cho biết: Cách đây 5 năm, được vay 15 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, gia đình tôi xây chuồng trại nuôi vịt, lợn và thả cá. Đến nay, trang trại của tôi thường xuyên nuôi 100 con lợn nái và lợn thịt, 500 con gà, 200 con vịt đẻ trứng, trừ chi phí, mỗi năm thu 180 triệu đồng”.

Hộ nhà bà Ngô Thị Thanh ở thôn Vũ Trạch cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi trồng được 1,2ha su su. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đầu tư kịp thời phân bón, vật tư nên các giàn su su cho gia đình chị thu nhập 1 năm 2 vụ khá cao, lãi hơn 70 triệu đồng mỗi năm.

Còn ở các thôn Gia Trạch, Bình Trạch, Lễ Trạch nhờ “cú hích” từ nguồn vốn  ưu đãi của Chương trình giải quyết việc làm đã phát huy được thế mạnh về nghề mây tre đan truyền thống. Gần 200 hộ dân các thôn xóm này đã vay vốn phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như: giỏ xách tay, bàn ghế bằng song mây, cung cấp cho thị trường vào dịp Tết Nguyên đán nhiều sản phẩm đẹp về mẫu mã, đạt chất lượng. Gia đình ông Trương Văn Út, hộ nghèo ở thôn Lễ Trạch nhờ Hội Cựu chiến binh xã giúp đỡ vay vốn ưu đãi của Chính phủ đã đầu tư xây dựng Hợp tác xã đan giỏ và túi mây tre tại nhà. Sau một thời gian đào tạo, nâng cao tay nghề cho 8 lao động, lại tìm kiếm được thị trường tiêu thụ nên nghề thủ công của gia đình làm ăn có lãi, đời sống người lao động đảm bảo và ông Út không chỉ trả hết nợ vay ngân hàng trước kỳ hạn mà còn tích luỹ được nhiều vốn mở mang cơ sở mây tre đan thành Doanh nghiệp tư nhân.

Ông Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch, Hồ Viết Thoan cho biết: Định hướng hoạt động của xã chúng tôi trong năm 2013 là đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và sử dụng vốn vay ưu đãi đúng  mục đích vào năng lực kinh tế của địa phương có 450ha ruộng 2 vụ 80ha hồ tiêu và ngành nghề truyền thống, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững, làm giàu cho bản thân và quê hương.

Lê Luân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác