Giúp Đoàn viên thanh niên lập thân, lập nghiệp

28/11/2018
(VBSP News) “Nhằm giúp ÐVTN vươn lên phát triển kinh tế, nhất là ÐVTN khu vực nông thôn, hàng năm, Huyện đoàn làm tốt công tác phối hợp với NHCSXH huyện tạo điều kiện thuận lợi cho ÐVTN có nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của địa phương; đưa cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Thông qua nguồn vốn vay, nhiều ÐVTN đã vươn lên trở thành các chủ trang trại có quy mô lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động”, anh Hạng A Sáng - Bí thư Huyện đoàn Nậm Pồ (Điện Biên) cho biết.
ÐVTN Thùng Văn Lực, bản Nà Ín 1, xã Chà Nưa với mô hình chăn nuôi gà Ai Cập

ÐVTN Thùng Văn Lực, bản Nà Ín 1, xã Chà Nưa với mô hình chăn nuôi gà Ai Cập

Năm nay mới 25 tuổi, không ai nghĩ anh Lò Văn Quỳnh là chủ của mô hình chăn nuôi lớn ở bản Nà Pẩu, xã Chà Tở với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Qua tìm hiểu được biết, năm 2011, anh vay 20 triệu đồng vốn ủy thác qua Đoàn thanh niên, cộng với vốn sẵn có, anh làm chuồng trại nuôi 6 con lợn nái. Sau thời gian chăm sóc, mỗi lứa lợn sinh sản đều đặn, số tiền từ bán lợn giống và lợn thịt anh dành dụm và mở rộng mô hình chuồng trại. Ðến nay, gia đình anh có hơn 15 con lợn nái. Bình quân mỗi năm, gia đình anh xuất bán trung bình hơn 200 con lợn giống, gần 10 tấn lợn thịt. Trừ chi phí, thu nhập trên 200 triệu đồng. Anh Lò Văn Quỳnh, chia sẻ: Gia đình mình trước kia cũng khó khăn lắm. Mình nghĩ nếu không có ý chí quyết tâm thì sẽ khó mà thoát nghèo. Ðược gia đình động viên, vay vốn của Nhà nước, mình đã nỗ lực và bước đầu có được thành quả như ngày hôm nay.

Cũng là một tấm gương nghị lực, không chịu đói nghèo, anh Mùa A Bình, bản Nậm Chim, xã Si Pa Phìn tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện để xây dựng mô kinh tế tổng hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà. Ðồng thời, từ nguồn thu nhập hàng năm, gia đình anh Bình còn mở dịch vụ xay xát và kinh doanh hàng tạp hóa. Ðến nay, bình quân mỗi năm gia đình anh thu nhập gần 100 triệu đồng.

Ở xã Si Pa Phìn, anh Mùa A Bình chỉ là một trong số nhiều ÐVTN tiêu biểu vươn lên nhờ vốn vay của NHCSXH. Theo thống kê, hiện nay, tổng dư nợ vốn vay thông qua đoàn thanh niên xã quản lý hơn 4,5 tỷ đồng. Trong quá trình vay vốn, trên 95% ÐVTN sử dụng vốn vay có hiệu quả, trong đó nhiều gia đình ÐVTN đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế khá giả, không có tình trạng nợ quá hạn.

Anh Hạng A Sáng nhấn mạnh: Thời gian qua, hoạt động vay vốn tín dụng qua “kênh” Ðoàn Thanh niên tiếp tục được các cấp bộ đoàn đặc biệt chú trọng. Hàng năm, để vốn vay mang lại hiệu quả cao, Huyện đoàn chỉ đạo đoàn thanh niên các xã thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác, vận động các thành viên vay vốn nộp lãi đúng kỳ hạn; phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể huyện trong các đợt kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác… Ðến nay, tổng số dư nợ do tổ chức Đoàn thanh niên nhận ủy thác trên 55 tỷ đồng, với 50 Tổ tiết kiệm và vay vốn; có 1.700 hộ ÐVTN được hỗ trợ vay vốn. Không chỉ tạo điều kiện về vốn vay, Huyện đoàn còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn, như: Kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… từ đó giúp ÐVTN có thêm kiến thức phát triển sản xuất.

Thông qua nguồn vốn vay, ÐVTN huyện Nậm Pồ đã nâng cao ý thức, chủ động tham gia các mô hình phát triển kinh tế, không ngừng vượt qua khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo. Ðến nay, toàn huyện có hàng trăm ÐVTN làm kinh tế giỏi với thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm, như: Tao Văn Phong, Thùng Văn Lực, Tao Văn Quân (xã Chà Nưa), Thào A Tùng (xã Phìn Hồ), Thùng A Ðiêu (xã Nậm Nhừ)…

Theo Quang Long Báo Điện Biên Phủ

Các tin bài khác