Lào Cai với giải pháp giảm nghèo bền vững

23/12/2012
(VBSP) Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới (giáp Vân Nam, Trung Quốc), có 3/62 huyện nghèo nhất nước. Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2011, toàn tỉnh có gần 51 ngàn hộ nghèo (trên 35% tổng dân số), hơn 17,5 ngàn hộ cận nghèo (12%). Trong giai đoạn 2011 - 2015, đề án "Giảm nghèo bền vững" tiếp tục được tỉnh chọn là một trong những đề án trọng tâm, phấn đấu đến năm 2015 hộ nghèo còn dưới 25% (theo tiêu chí mới).
Nhân dân Bản Lầu, huyện Mường Khương nhận tấm lợp được nhà Nhà nước hỗ trợ

Nhân dân Bản Lầu, huyện Mường Khương nhận tấm lợp được nhà Nhà nước hỗ trợ

Để vươn tới mục tiêu, Lào Cai thực hiện đồng bộ 13 nhóm giải pháp, trong đó: tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án của Nhà nước đầu tư trên địa bàn; huy động các nguồn lực phát triển kinh tế hàng hóa ở các huyện nghèo, xã nghèo và vùng đồng bào DTTS; chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới an sinh xã hội để trợ giúp người nghèo, giúp đỡ kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhằm hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo từ các nguyên nhân rủi ro.

Theo số liệu từ Sở LĐTB&XH Lào Cai, trong 3 năm (2009 - 2011), 3 huyện nghèo của tỉnh đã nhận được nguồn vốn 2.200 tỷ đồng Nhà nước đầu tư từ các chương trình, dự án; trong đó: nguồn vốn 30a đạt 420 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2012, tỉnh đã giải ngân tiếp 51 tỷ đồng (đạt 48%) kế hoạch. Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp của các cấp các ngành, đến hết tháng 9/2012 doanh số cho vay của NHCSXH đạt trên 250 tỷ, tổng dư nợ cho vay các chương trình đạt 1.700 tỷ đồng, với 98.507 hộ được vay. Đến nay bộ mặt 3 huyện nghèo là Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương đã chuyển biến tích cực: cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện với 100% số xã có điện lưới quốc gia, có trạm y tế xã, có đường ô tô đến trung tâm xã; 90% thôn, bản có đường liên thôn; hệ thông thủy lợi đảm bảo tưới cho 85% diện tích đất ruộng; 80% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…

Có cơ sở vật chất thiết yếu, có vốn, dựa vào đặc điểm khí hậu, đất đai từng vùng, các huyện nghèo thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Khai thác vùng cao nguyên trắng, huyện ủy Bắc Hà chủ trương phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó cây mận Tam hoa truyền thống và tập đoàn cây ăn quả ôn đới, cây thuốc a-ti-sô là chủ lực. Bắc Hà có trên 500 hộ nông dân là người Mông, Tày, Nùng… tham gia dự án phát triển cây ăn quả ôn đới. Trên 8.000 lượt hộ nông dân được tập huấn KHKT sản xuất nông - lâm nghiệp. Nhà nước hỗ trợ 260 tấn giống ngô lai, giống lúa mới. Trên 300 người được đào tạo nghề. Hàng vạn lượt hộ nông dân được vay vốn từ NHCSXH để phát triển kinh tế. Hiện, Bắc Hà có trên 400ha mận Tam hoa, trên 70ha lê xanh, lê Tai Nung, 70ha đào Pháp, sản lượng khoảng 2.000 tấn, đem lại 30 tỷ đồng/năm. Đây chính là mũi nhọn xóa nghèo bền vững và làm giàu của nông dân Bắc Hà. Thực tế, năm 2011 huyện có gần 1.000 hộ nông dân thoát nghèo - cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, lần đầu tiên có gần 100 hộ cận nghèo ở các xã Tà Chải, Na Hối, Bảo Nha… tự nguyện làm đơn xin rút khỏi diện hộ nghèo.Huyện Si Ma Cai, xác định tầm quan trọng của cây ngô giống mới đã sử dụng nguồn vốn 30a hỗ trợ toàn bộ giống ngô và phân bón với số lượng không bị hạn chế. Kết quả, 13/13 xã của huyện đăng ký 33 tấn ngô giống, tương đương với 1.700 ha. Phòng Nông nghiệp tập trung tập huấn, phổ biến phương pháp và cách chăm sóc để đảm bảo cây ngô cho năng suất 5 tấn/ha.

Bên cạnh cây ngô, cây thuốc lá cũng tạo sự bứt phá, ngay trong năm đầu tiên tái khởi động bà con đã trồng tới 43 ha. Nhận thấy hiệu quả kinh tế (35 triệu đồng/ ha), bà con đăng ký tham gia trồng thuốc lá rất đông. Si Ma Cai có 1.100ha ruộng lúa nước, nhưng chỉ có 150ha lúa 2 vụ, diện tích còn lại đa số bỏ trống sau thu hoạch lúa mùa. Thay vì, chỉ có trồng thuốc lá trên đồi, trên nương, thêm một bước đột phá - bà con đưa cây thuốc lá xuống ruộng.

Không thua kém Si Ma Cai, huyện Mường Khương xây dựng vùng chuyên canh thuốc lá 500ha, với 900 lò sấy, được sự trợ giúp kinh phí 12 triệu đồng/lò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số. Mường Khương còn mạnh về XKLĐ, đến nay huyện đã xuất khẩu được gần 200 lao động. Nhiều người như anh Cừ Sần (xã Cao Sơn), mới được tái xuất khẩu sang Arập Xêút được hơn 6 tháng, đã gửi về nhà hơn 20 triệu đồng để gia đình trả vốn vay cho NHCSXH. Chị Nông Thị Nghì, sang Malaixia 6 tháng đã gửi về 20 triệu đồng giúp gia đình. Hiện nay, Mường Khương có gần 300 người đăng ký tham gia dự tuyển XKLĐ, NHCSXH huyện đã tạo điều kiện giải ngân kịp thời cho 59 lao động vay với số tiền gần 1,3 tỷ đồng.

Lào Cai đặt mục tiêu từ nay đến năm 2015 đưa khoảng 2.500 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để tạo điều kiện cho người tham gia xuất khẩu lao động, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ hợp lý: Mọi đối tương có nguyện vọng và đủ điều kiện tham gia XKLĐ đều được hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng. Đối với 3 huyện nghèo tỉnh có những chính sách ưu tiên cụ thể… Giảm nghèo từ XKLĐ đã và đang là hướng đi tích cực và hiệu quả của Lào Cai.

Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác