Nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội
Giải quyết 1,3 triệu việc làm
Con số lao động có việc làm trong 9 tháng đầu năm tăng 0,27% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 70,6% kế hoạch năm 2012; trong đó: giải quyết việc làm trong nước cho khoảng 1,07 triệu người, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 70,9% kế hoạch; đưa khoảng 60 nghìn lao động đi làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở nước ngoài, bằng 88,8% cùng kỳ năm 2011, đạt 66,7% kế hoạch.
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động được tổ chức thực hiện tốt, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp người lao động tìm được việc làm mới.
Tính đến hết tháng 8/2012, tổng số lao động tham gia BHXH là 10,34 triệu người, trong đó: BHXH tự nguyện là 127,95 nghìn người; BHXH bắt buộc là 10,22 triệu người, chiếm khoảng 80% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong 8 tháng đầu năm, đã có hơn 345,5 nghìn người đăng ký thất nghiệp, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2011; 298,5 nghìn lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó 282,2 nghìn người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm 2011; 11,5 nghìn người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp 1 lần.
Bên cạnh đó, 184,2 nghìn người được tư vấn giới thiệu việc làm mới; 2,1 nghìn người được trợ cấp học nghề.
Trước tình hình thiên tai, bão lụt diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình thiệt hại, đặc biệt là tình trạng thiếu đói giáp hạt. Các Bộ, ngành địa phương đã kịp thời tổ chức cứu trợ và đề xuất giải pháp khắc phục hậu quả, nhanh chóng phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ hơn 33 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 18 địa phương để cứu trợ kịp thời cho người dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt.
Các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Các chính sách chăm sóc người có công đã được triển khai bảo đảm đúng đối tượng chính sách, góp phần nâng cao mức sống người có công, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Các địa phương đã thực hiện chi trả kịp thời, đầy đủ trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho trên 1,5 triệu lượt người có công với cách mạng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa tiếp tục được phát triển sâu rộng, xây mới trao tặng trên 10 vạn nhà, sửa chữa nâng cấp trên 6 nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách.
Gần 2,3 triệu người thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đã được trợ cấp xã hội thường xuyên, trong đó có 42 ngàn người được tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Đối với các tỉnh, thành phố có điều kiện, thực hiện nâng mức trợ cấp cao hơn mức quy định của Chính phủ; các tỉnh nghèo được bổ sung ngân sách đảm bảo xã hội để đảm bảo chi trả đầy đủ cho các đối tượng theo quy định.
Đẩy mạnh các giải pháp tạo việc làm
Đồng tình với những kết quả nổi bật trong nỗ lực giữ vững các chỉ tiêu, đảm bảo an sinh xã hội của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng vẫn còn phát sinh một số vấn đề trong thực hiện chính sách xã hội cần quan tâm xử lý.
Kinh tế tăng trưởng thấp hơn dự kiến, tỷ lệ giảm nghèo cả năm ước chỉ đạt 1,76% đã tạo áp lực lên mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.
Trong báo cáo trình bày trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Do nguồn lực còn hạn chế nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và cải cách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu.
Mặc dù theo số liệu công bố, số người thất nghiệp có xu hướng giảm, nhưng số đăng ký thất nghiệp lại tăng cho thấy một bộ phận người lao động nhảy việc, lợi dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Hiệu quả của chính sách xuất khẩu lao động cho các huyện nghèo chưa cao: tỷ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo khá cao, trung bình 30-35% số lao động, cá biệt có địa phương con số này lên tới 60-70%.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp về việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động; tăng cường quản lý nhà nước về lao động, trong đó có xuất khẩu lao động và lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục triển khai tốt cơ chế, chính sách về bảo hiểm y tế; hoàn thiện và triển khai thực hiện chính sách đối với người có công; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Xuân Tuyến
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chị Cho vì người nghèo
- » Điểm tựa cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn
- » Giải pháp nâng cao chất lượng ủy thác vốn vay ưu đãi qua hệ thống Đoàn Thanh niên
- » Nhiều sáng kiến, giải pháp cải cách thủ tục hành chính
- » Đảm bảo hoạt động hiệu quả của NHCSXH: CẦN CƠ CHẾ TẠO LẬP NGUỒN VỐN ỔN ĐỊNH
- » 5 năm qua có hơn 32 nghìn HSSV ở Khánh Hòa được vay vốn
- » Trung An phát triển đúng hướng nghề làm vườn sinh thái
- » Nhiều người còn khó hơn mình
- » Đi theo dòng vốn giảm nghèo
- » Vĩnh Phúc tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV