Đưa vốn lên vùng cao

28/03/2017
(VBSP News) Trong những năm qua, với sự đóng góp thiết thực của NHCSXH, nhiều gia đình đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Phú Thọ đã thoát nghèo.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Ngọc Văn Tỵ ở xã Thượng Long đầu tư chăn nuôi gà cho hiệu quả kinh tế cao

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Ngọc Văn Tỵ ở xã Thượng Long đầu tư chăn nuôi gà cho hiệu quả kinh tế cao

Tam Thanh là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện 30a Tân Sơn. Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Lê Thanh Hương cho biết: Nguồn vốn của NHCSXH là chiếc “cần câu” giúp người dân có thêm động lực để thoát nghèo. Với hơn 80% số dân là đồng bào DTTS, nguồn vốn là điều kiện thuận lợi để nhiều hộ giảm được nghèo bền vững. Do vậy, chỉ trong vòng vài năm, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện đến nay giảm xuống còn 31%. Nhiều gia đình không những thoát nghèo mà còn xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều thiết bị sinh hoạt…

Trước đây, gia đình anh Đinh Văn Xuân, dân tộc Mường ở khu 5, xã Tam Thanh luôn phải chạy ăn từng bữa, nhà cửa dột nát… Năm 2012, được sự giúp đỡ của các tổ chức hội, đoàn thể, anh Xuân mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ NHCSXH làm vốn chăn nuôi lợn. Năm đầu, anh mua 12 con lợn lái và lợn thịt để nuôi. Ham học hỏi, chăm chỉ, sau một năm, gia đình anh mở rộng chuồng trại nuôi lợn quy mô lớn với gần 100 con. Anh Xuân cho biết, hiện nay, mỗi năm gia đình xuất chuồng hơn 10 tấn lợn thịt, trừ chi phí, thu về được 200 triệu đồng. Gia đình anh đã xây dựng được căn nhà mới khang trang, mua được xe máy và nhiều phương tiện nghe nhìn hiện đại…

Xã Thượng Long, là xã vùng cao có nhiều đồng bào DTTS sinh sống của huyện Yên Lập. Những năm trước, do thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, đời sống của người dân trong xã gặp nhiều khó khăn. Kể từ khi nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH được triển khai, xã đã nhanh chóng thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng vốn chính sách đã thắp lên ước mơ thoát nghèo cho hàng trăm hộ gia đình nơi đây.

Vẫn nhớ như in ngày cầm được đồng vốn vay từ NHCSXH, anh Ngọc Văn Tỵ ở xã Thượng Long cho biết: Nói thật, lúc đầu tôi nghĩ là mình không vay được vốn bởi có tài sản gì đâu để thế chấp. Nhưng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, năm 2009, gia đình tôi đã được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng. Đầu tiên tôi nuôi gà, sau có được chút vốn kha khá, tôi mở rộng chuồng trại, mua máy ấp trứng lấy con giống chăn nuôi. Cứ như thế, từ năm 2013 - 2016, tôi tiếp tục được vay số vốn lớn hơn để mở rộng chăn nuôi gà và lợn. Hiện nay, trong nhà lúc nào cũng có 700 con gà và vài chục con lợn. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình cũng thu được 150 triệu đồng. Cuộc sống đỡ vất vả hơn, trong nhà đã có của ăn, của để, nuôi con ăn học…

Giám đốc NHCSXH huyện Yên Lập Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Để bảo đảm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, ngoài việc tư vấn, cung cấp các thông tin cần thiết cho các hộ vay vốn, sau 30 ngày kể từ khi nguồn vốn được giải ngân, NHCSXH huyện đều phân công cán bộ phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác trực tiếp xuống kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay, phương thức đầu tư SXKD của các hộ vay vốn. Chỉ đạo cán bộ các Tổ tiết kiệm và vay vốn trực tiếp xuống các gia đình vay vốn đôn đốc, động viên và hướng dẫn các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn…”. Theo Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Phú Thọ, tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.580 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho đồng bào DTTS vay hơn 70 tỷ đồng với hơn 6.700 hộ, trở thành chiếc “cần câu” đối với các hộ gia đình khó khăn.

Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn này cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn còn “khiêm tốn” do nhiều nguyên nhân khác như: Việc tuyên truyền, triển khai ở một số địa phương chưa sâu, dẫn đến một bộ phận đồng bào chưa hiểu hết ý nghĩa, cũng như các thủ tục vay vốn của chính sách, từ đó còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Một số địa phương lập danh sách, đối tượng chưa sát tình hình thực tế, cho nên khi bình xét cho vay, phần lớn số hộ dân không đủ điều kiện.

Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng đối với đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác, nhằm giúp hộ vay tiếp cận đầy đủ, kịp thời hơn với nguồn vốn ưu đãi để SXKD đạt hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bài và ảnh Nguyễn Long

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác