Khi có đồng vốn trong tay

02/03/2016
(VBSP News) Những năm qua, các cấp Hội Nông dân huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã chủ động khai thác hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, giúp nông dân có thêm điều kiện mở rộng SXKD, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng.
Bà con đồng bào DTTS huyện Nậm Nhùn sử dụng vốn vay vào nuôi trâu sinh sản

Bà con đồng bào DTTS huyện Nậm Nhùn sử dụng vốn vay vào nuôi trâu sinh sản

Theo giới thiệu, chúng tôi tìm đến gia đình ông Mào Văn Dánh và bà Phan Thị Thế ở bản Nậm Nhùn, thị trấn Nậm Nhùn. Qua câu chuyện với ông Dánh chúng tôi được biết, ngày đầu mới lập gia đình, tài sản của vợ chồng ông chẳng có gì ngoài 2 sào ruộng. Dù vợ chồng ông chịu thương chịu khó, chăn nuôi thêm lợn, gà, vịt nhưng thu nhập hàng năm vẫn không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2010, ông Dánh mạnh dạn vay 30 triệu đồng của NHCSXH đầu tư đào 200m² ao thả cá chép lai và xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt, gà tam hoàng, ngan. Nhờ chịu khó học hỏi và đầu tư công chăm sóc, ngay từ lứa đầu, gia đình ông đã thu về trên 50 triệu đồng. Đây là động lực để gia đình ông Dánh tiếp tục mở rộng diện tích mặt nước nuôi vịt, trồng lương thực, hoa màu. Hiện nay, gia đình ông đã có 600m2 ao thả cá, 30 con lợn thịt, 7 con lợn nái, hàng trăm con gà, vịt. Trừ chi phí, mỗi năm thu lãi trên 80 triệu đồng.

Gia đình ông Dánh chỉ là một trong hàng trăm hộ ở huyện Nậm Nhùn sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, giảm nghèo bền vững trong những năm qua. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để nông dân có vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, các cấp Hội Nông dân huyện Nậm Nhùn đã ký ủy thác với NHCSXH huyện với tổng dư nợ đến nay đạt gần 30 tỷ đồng cho 1.256 hộ vay.

Để nguồn vốn đến được đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của các chủ trương, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ tín dụng chính sách cho cán bộ hội, quản lý dư nợ uỷ thác, nắm bắt diễn biến tình hình trả nợ quá hạn, nợ bị xâm tiêu chiếm dụng… để có giải pháp thu hồi dứt điểm; đảm bảo nguồn vốn ủy thác qua hội được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, phát huy tối đa hiệu quả.

Tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề… giúp các hộ nghèo và hội viên vay vốn tổ chức SXKD đạt hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững. Quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay, phối hợp với các ban, ngành hữu quan định hướng cho nông dân sử dụng nguồn vốn vay phát triển kinh tế phù hợp với từng vùng, hoàn cảnh hội viên. Định kỳ tổ chức giao ban đối với các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như các tổ chức hội từ huyện đến cơ sở để đánh giá chính xác việc sử dụng vốn vay của hội viên. Vận động hội viên, nông dân tham gia vay vốn tự tạo chủ yếu bằng cách tiết kiệm trong tiêu dùng, hiếu hỷ và có kế hoạch sử dụng vốn tối ưu vào SXKD để gửi tiền tiết kiệm. Mức gửi tiết kiệm tối thiểu 10.000 đồng/hộ/tháng và đạt trên 80% hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm.

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nậm Nhùn, Vàng A Dơ thông qua hoạt động uỷ thác đã giúp kênh vốn tín dụng chính sách đến đúng với đối tượng; các hộ nông dân nghèo được vay vốn thuận lợi, nhanh chóng. Từ nguồn vốn, nhiều hội viên đã trang bị được các công cụ, máy móc để sản xuất hiệu quả. Nhất là mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lập trang trại làm ăn theo mô hình kết hợp VAC, đầu tư phát triển nghề truyền thống, dịch vụ khác để phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập. Từ đó xuất hiện nhiều hộ giảm nghèo bền vững, có kinh tế khá và giàu.

Bài và ảnh Minh Duy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác