Chỉ thị 40-CT/TW: Tô đậm tính nhân văn đồng vốn nghĩa tình (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
Bài 1: Điểm tựa vững chắc cho đồng dân tộc thiểu số
Trong rất nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho vùng núi, vùng đồng bào DTTS tiến kịp vùng xuôi, tín dụng chính sách xã hội trong nhiều năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Với vai trò là trao “cần câu”, chính sách tín dụng giúp hàng ngàn hộ nghèo, hộ nghèo đồng bào DTTS ở Bình Thuận vươn lên thoát nghèo, đời sống ấm no, con em họ được học hành đến nơi đến chốn.
Vươn lên từ đồng vốn nghĩa tình
Xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong) có 2 dân tộc Kinh, Chăm sinh sống, trong đó dân tộc Chăm chiếm 2/3 dân số toàn xã tập trung ở hai thôn Lạc Trị và Vĩnh Hanh. Những năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hộ dân tộc Chăm thoát nghèo bền vững, điển hình chị Đàng Thị Phi Yến ở thôn Lạc Trị.
Từng là hộ nghèo của xã, nay gia đình chị Yến đã có cuộc sống ổn định, các con học hành đều có việc làm nhờ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Năm 2015, biến cố ập đến khi chồng chị – trụ cột duy nhất của gia đình qua đời vì tai nạn giao thông. Khi ấy, 4 đứa con thơ dại, gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai người phụ nữ trẻ góa chồng. “Ngày chồng mất, tôi như rơi xuống vực thẳm. Nhà chỉ là căn lều tranh vách đất, mùa mưa thì dột, mùa nắng thì nóng. Không có việc làm, không có thu nhập, còn các con thì đang tuổi ăn tuổi học. Tôi không biết bấu víu vào đâu. Nhiều đêm nhìn các con ngủ, tôi tủi thân, chỉ biết ôm gối khóc. Có lúc tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ mãi chìm trong bóng tối, không biết tương lai của các con sẽ đi về đâu,” chị Yến nghẹn ngào nhớ lại.
Giữa lúc bế tắc, chị nhận được sự động viên của Chi hội Phụ nữ thôn và Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), Ban điều hành thôn, Hội Phụ nữ đã xã bình xét cho vay chương trình hộ nghèo và được NHCSXH giải số tiền 40 triệu đồng vào năm 2016. Số tiền này, chị quyết định đầu tư mua bò giống về chăn nuôi. Ban đầu, chỉ có 2 con bò mẹ, ngoài chăn nuôi chị làm mướn công việc dù vất vả nhưng chị không nản lòng. Từng ngày, đàn bò của chị dần sinh sôi, từ 2 con ban đầu, đến nay duy trì ổn định 7 con bò sinh sản khỏe mạnh. “Những đồng vốn ấy như chiếc phao cứu sinh kéo tôi ra khỏi vực sâu. Có bò để chăn nuôi, gia đình tôi dần ổn định. Tôi tiếp tục được hỗ trợ vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên để lo cho các con ăn học với số tiền 140 triệu đồng. Có cái ăn, cái mặc, các con tôi được đến trường tôi như tìm được niềm tin ánh sáng tương lai. Nhà nghèo, tôi luôn nhắc nhở các con phải cố gắng học hành. Có kiến thức mới có thể thoát khỏi cảnh nghèo,” chị tâm sự. Nhờ sự động viên của mẹ, các con chị đều chăm chỉ học tập. Hai người con lớn đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học, hiện có công việc ổn định và phụ giúp giúp mẹ nuôi 2 em ăn học. “Khi 2 con lớn ra trường, chúng đã dành dụm tiền để xây cho tôi một ngôi nhà mới khang trang hơn. Từ căn lều tranh rách nát, giờ đây gia đình tôi đã có một mái ấm vững chãi, không còn phải lo mưa dột, nắng nóng nữa,” chị Yến xúc động chia sẻ.
Không dừng lại ở việc trả hết khoản vay cũ, chị Yến tiếp tục được NHCSXH xét duyệt cho vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Với số vốn này, chị mở rộng đàn bò, cải thiện chuồng trại và phát triển thêm nguồn sinh kế khác như trồng cỏ làm thức ăn cho bò, bán phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi. Nhờ những đồng vốn chính sách và sự cần cù lao động, gia đình chị Yến giờ đây không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống ổn định, đủ đầy hơn. Chị cũng thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt của Chi hội Phụ nữ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, quản lý tài chính với những chị em khác trong thôn.“Cuộc sống bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Các khoản nợ vay cũng được trả dần từ nguồn tiết kiệm tôi gửi hàng tháng tại NHCSXH huyện. Tôi biết ơn những đồng vốn chính sách của Nhà nước, biết ơn sự hỗ trợ của hội phụ nữ và Tổ TK&VV. Chính nhờ đó mà tôi và các con có được ngày hôm nay,” chị Yến bộc bạch với ánh mắt rạng ngời.
Đổi thay “vùng lõi nghèo” dân tộc thiểu số
Thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh) nơi có 3 khu phố có đông đồng bào DTTS sống tập trung, gồm khu phố Chăm, khu phố Trà Cụ và khu phố Tân Thành. Với đặc điểm này, trước đây Lạc Tánh thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, chỉ sau La Ngâu, Măng Tố, là 2 xã thuần đồng bào DTTS của huyện. Đến nay, Lạc Tánh chỉ còn khu phố Trà Cụ và Tân Thành xếp vào thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. 3 khu phố Lạc Tánh cũng như vùng đồng bào DTTS huyện Tánh Linh từng là “vùng lõi nghèo” đang “thay da đổi thịt” từng ngày trong đó có nguồn lực quan trọng là các chương trình tín dụng chính sách. Sự đổi thay hiện rõ trên từng con đường bê tông mới tinh khôi, mùi xi măng còn ngai ngái, nối dài đến từng thôn bản. Từng những ngôi nhà xây mới khang trang của đồng bào K’ho, Raglay mọc lên ngày càng nhiều.
Tại khu phố Tân Thành, chị Ngô Thị Nhung, người dân tộc Nùng không giấu được niềm xúc động khi kể lại những ngày gian khó: “Năm 2014, vợ chồng tôi mới cưới, nhà cửa tạm bợ, cuộc sống thiếu thốn, phải xoay sở đủ cách từ nhặt củi, hái măng đến làm thuê mà vẫn không đủ trang trải”. Bước ngoặt đến vào tháng 11/2022 khi chị được Hội Phụ nữ và Tổ Tiết kiệm & Vay vốn thị trấn hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tánh Linh. Nhờ số vốn này, 600 cây cao su bỏ hoang vì thiếu tiền chăm sóc đã hồi sinh, cho năng suất cao hơn. Không chỉ vậy, chị còn xuống giống thêm 400 cây mới. Niềm vui nhân đôi khi tháng 12/2023, gia đình chị tiếp tục được vay 40 triệu đồng theo Nghị định 28 để xây nhà và nhận thêm 40 triệu đồng hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Với số tiền tích góp và vay mượn thêm từ người thân, giấc mơ về một ngôi nhà kiên cố của gia đình đã thành hiện thực. “Chúng tôi hạnh phúc biết bao khi có ngôi nhà mới, các con được ở, học tập, còn vợ chồng yên tâm làm ăn,” chị Nhung bộc bạch. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và hội đoàn thể, vườn cao su của chị đạt năng suất cao, mang lại thu nhập trung bình 90 triệu đồng/năm. Chị luôn trả lãi đúng hạn, gửi tiết kiệm để trả nợ gốc và được công nhận là gia đình văn hóa, sản xuất kinh doanh giỏi. theo Ban Điều hành khu phố Tân Thành, các chương trình vay vốn chính sách đã giúp hàng trăm hộ dân tại khu phố Tân Thành, nơi có 10 hộ đồng bào DTTS sinh sống, phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, nuôi con ăn học thoát nghèo bền vững.
Ông Lâm Bảo Duy – Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tánh Linh cho biết, Tánh Linh có dư nợ tín dụng chính sách cao nhất tỉnh, với hơn 12.542 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Riêng 3 khu phố Trà Cụ, Tân Thành và khu phố Chăm tổng dư nợ 52.356 triệu đồng giúp cho 1.427 hộ vay, chiếm 51,3 % toàn thị trấn Lạc Tánh. Trong hơn 10 năm, NHCSXH huyện đã giải ngân 1.179,7 tỷ đồng, giúp 3.008 hộ thoát nghèo, 12.246 lượt học sinh, sinh viên vay vốn học tập, 2.652 lao động có việc làm, xây dựng 31.668 công trình nước sạch, vệ sinh và hỗ trợ 237 hộ nghèo có nhà ở, trong đó 191 hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được hỗ trợ theo Nghị định 28. Đồng thời, 10 người chấp hành xong án tù cũng được vay vốn tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ.
Câu chuyện thoát nghèo của chị Yến, vợ chồng chị Nhung là minh chứng hiệu quả trao “cần câu” đồng vốn chính sách cũng chính là trao cơ hội cho người dân giúp họ vươn lên bằng chính nghị lực và khát vọng của mình. Tín dụng chính sách khẳng định không chỉ là cứu cánh mà còn là điểm tựa để hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS từng bước vươn lên, biến ước mơ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc thành hiện thực.
Bài và ảnh Thanh Duyên
Các tin bài khác
- » Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”
- » Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)