Chỉ thị số 40 - “Bà đỡ” của người dân huyện Ia Pa

06/12/2024
(VBSP News) Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Ia Pa (Gia Lai) đã được tăng cường, khơi thông và đến gần hơn với người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng thôn, làng ngày càng khởi sắc.
4c14720241205231443

Các điểm giao dịch cấp xã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách

Trợ lực phát triển kinh tế
Gia đình anh Y Sao Niê (thôn Plơi Ama Đá, xã Chư Mố) là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tại địa phương. Từng là hộ nghèo lâu năm của thôn, cả gia đình 6 người gồm vợ chồng anh và 4 đứa con phải ở trong ngôi nhà tạm bợ, chật hẹp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, đầu năm 2020, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện để đầu tư phát triển sản xuất.
Nhận thấy chăn nuôi heo mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đầu tư làm chuồng trại, mua 10 con heo giống về nuôi lấy thịt. Ngoài thức ăn có sẵn như rau củ các loại, anh đầu tư mua thêm cám gạo, cám bắp bổ sung chất dinh dưỡng để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Bình quân mỗi năm anh xuất chuồng 3 lứa. Nguồn chất thải chăn nuôi thu gom được, anh tận dụng để cải tạo đất cho diện tích mì, lúa đã bạc màu. Nhờ vậy, năng suất cây trồng tăng cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Tích góp được chút vốn liếng, anh đầu tư mua thêm ruộng rẫy để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
4 năm sau khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả tại địa phương. Ngoài duy trì đàn heo 10 con, vợ chồng anh còn canh tác gần 4 ha đất trồng lúa và mì. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình anh có lợi nhuận trên 150 triệu đồng Đầu năm 2024, sau khi trả hết nợ cũ, anh quyết định vay lại 100 triệu đồng cùng với số tiền dành dụm được cây dựng căn nhà sàn 3 gian khang trang, kiên cố.
Anh Y Sao Niê phấn khởi nói: “Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, gia đình tôi đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Cảm ơn Nhà nước, cán bộ ngân hàng, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình tôi có được ngày hôm nay”.
Tương tự, gia đình chị Ksor H’Yúi (thôn Plơi Apa Ama H’Lăk, xã Chư Mố) cũng vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách. Năm 2018, với 50 triệu đồng vay được từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, chị đầu tư mua 3 con bò sinh sản. Được cán bộ xã, cán bộ ngân hàng hướng dẫn, chị làm chuồng trại đảm bảo vệ sinh, tiêm phòng đầy đủ, trồng thêm cỏ và tích trữ rơm khô đảm bảo nguồn thức ăn và sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy, đàn bò nhanh chóng sinh sôi. Năm 2019, gia đình chị vươn lên thoát nghèo. Hiện chị duy trì đàn bò 6 con, canh tác 5 sào lúa, 6 sào mì. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, hai vợ chồng nhận làm khoán cho các hộ trong làng kiếm thêm thu nhập. Căn nhà sàn rộng rãi trị giá hơn 200 triệu đồng mới làm xong là thành quả cho những nỗ lực của cả 2 vợ chồng suốt nhiều năm qua.
Chị H’Yúi chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là thiếu vốn sản xuất. Gia đình mình cũng thế. Vì vậy, khi được vay nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, gia đình mình mừng lắm, cố gắng tận dụng nguồn vốn để sản xuất vươn lên thoát nghèo”.

Xóa đói, giảm nghèo
Xã Chư Mố có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 98%, hộ nghèo hơn 18%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Từ khi có Chỉ thị số 40, cấp ủy, chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể đã tích cực vào cuộc, tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước để đầu tư sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát nghèo.
Bà Nay H’Kuan, Bí thư Đảng ủy xã Chư Mố cho hay, tính đến cuối tháng 10-2024, xã có 4.356 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn NHCSXH với số tiền trên 113 tỷ đồng. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã giúp cho trên 500 hộ đồng bào DTTS vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 204 lao động, xây dựng 917 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; làm mới và sửa chữa 26 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trần Ánh Tôn cho biết, Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã mang đến “luồng sinh khí mới”, tạo sự chủ động trong việc phối hợp triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ, từ đó đưa hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn huyện ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng. Đến nay, dư nợ tại Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ia Pa đạt trên 419 tỷ đồng, với hơn 8.800 hộ vay, trong đó nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác cho vay qua NHCSXH là hơn 12 tỷ đồng, quy mô tăng trưởng vốn vay gấp 176 lần so với thời điểm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW.
“Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tăng cường hoạt động tín dụng tại các điểm giao dịch cấp xã. Hàng tháng, cán bộ ngân hàng cùng với lãnh đạo chính quyền địa phương, hội đoàn thể và tổ trưởng các tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các hộ dân; họp đánh giá và đề ra phương hướng hoạt động cho tháng tới. Nhờ vậy mà hiệu quả sử dụng nguồn vốn đạt cao, tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại tốt chiếm trên 98%”, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thông tin.
Ia Pa là huyện thuần nông, dân số hơn 62.000 người, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 75%, trong đó hộ nghèo hơn 2.170 hộ, chiếm tỷ lệ 15,25%. Nhận thức sâu sắc vai trò của hoạt động tín dụng CSXH, trong những năm qua, Đảng bộ huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động các nguồn lực và chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến người nghèo và các đối tượng chính sách. Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư nhằm góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo và tạo sự ổn định xã hội trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Trưởng, Bí thư Huyện ủy Ia Pa nhận định: “Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm nhanh, từ hơn 30% năm 2014 xuống còn 15,3% năm 2023. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm lãnh chỉ đạo, đồng thời tăng cường giám sát, chỉ đạo chặt chẽ nhằm phát huy hiệu quả trong triển khai chương trình này; qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Mai Linh

Các tin bài khác