Nghiệm thu đề tài “Quản trị rủi ro hoạt động tại NHCSXH”

23/12/2024
(VBSP News) Hội đồng khoa học NHCSXH vừa tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp hệ thống “Quản trị rủi ro hoạt động tại NHCSXH” do ông Nguyễn Quang Hưng - Thành viên chuyên trách Ban Kiểm soát NHCSXH làm Chủ nhiệm đề tài. Tham dự buổi nghiệm thu có Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Lê Thị Đức Hạnh - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; các Ủy viên Hội đồng nghiệm thu và đại diện các Ban CMNV tại Hội sở chính, Trung tâm Đào tạo.
502A4941

Các đại biểu chúc mừng nhóm nghiên cứu đề tài

Hằng năm, rất nhiều ngân hàng trên thế giới và ở Việt Nam đã chịu những tổn thất không nhỏ do rủi ro hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, tài sản và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, rủi ro không thể được loại trừ hoàn toàn mà chỉ có thể phòng ngừa, kiểm soát và hạn chế ở mức thấp nhất. Quản trị rủi ro hoạt động là một trong những công tác quan trọng để giảm thiểu nguy cơ rủi ro xảy ra, đảm bảo cho ngân hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững.
Trải qua hơn 22 năm hình thành và phát triển, hệ thống NHCSXH đã khẳng định được vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cấp tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; là công cụ phục vụ đắc lực cho Đảng, Nhà nước trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách bình quân hàng năm khoảng 8%; quy mô hoạt động, đối tượng cấp tín dụng chính sách ngày càng mở rộng cả về chiều rộng và chiều sâu. Việc tăng trưởng, mở rộng quy mô hoạt động đòi hỏi phải gắn liền với sự an toàn, hiệu quả của hệ thống; hạn chế thấp nhất những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình hoạt động. Cũng như các tổ chức tín dụng khác, quá trình hoạt động của NHCSXH luôn gắn liền với các loại rủi ro hiện hữu, trong đó có rủi ro hoạt động.
Về thực tiễn, đến nay các văn bản, chính sách hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước đối với công tác quản trị rủi ro nói chung và quản trị rủi ro hoạt động nói chung tại NHCSXH còn thiếu. Mô hình tổ chức quản trị rủi ro chưa thực sự bài bản, chồng chéo, thiếu tính độc lập, chưa xây dựng được quy trình quản trị phù hợp với đặc thù hoạt động. Xuất phát từ thực tế hoạt động cho thấy, NHCSXH cũng cần phải cáp dụng từng bước và có những thay đổi để quản trị tốt hơn những khả năng dẫn đến rủi ro hoạt động của hệ thống, đảm bảo phù hợp với tình hình hoạt động và phát triển của NHCSXH trong giai đoạn mới.
Thay mặt nhóm nghiên cứu đề tài, Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Quang Hưng đã trình bày báo cáo tóm tắt về quá trình, kết quả nghiên cứu và một số nội dung cơ bản đề tài “Quản trị rủi ro hoạt động tại NHCSXH”. Đề tài đã tập trung nghiên cứu các nội dung, hệ thống hóa cơ sở lý luận các vấn đề, quy trình quản trị rủi ro hoạt động tại ngân hàng Trên cơ sở đó, thông qua các phương pháp khảo sát, dẫn chứng thực trạng về công tác quản trị hoạt động rủi ro tại NHCSXH giai đoạn 2019 - 2023 trên các yếu tố: công tác tổ chức cán bộ; công tác đảm bảo an ninh, an toàn nơi làm việc; quy trình nghiệp vụ… đưa ra hạn chế cũng như nguyên nhân ở hoạt động quản lý rủi ro tại NHCSXH.

502A4854

Quảng cảnh buổi nghiệm thu

Qua đó, kết hợp với mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030, đề tài đưa ra hệ thống các giải pháp hoàn thiện công tác quản trị rủi ro hoạt động tại NHCSXH trong thời gian tới. Các giải pháp tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại như: mô hình quản trị rủi ro hoạt động tại NHCSXH, hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách quản trị rủi ro hoạt động; xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống công nghệ cho quản trị rủi ro tại NHCSXH; tăng cường hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ…
Giai đoạn 2019 - 2023, NHCSXH không xảy ra các sự kiện rủi ro hoạt động do yếu tố bên ngoài. Quy trình quản lý hoạt động rủi ro tại NHCSXH tuy chưa thực hiện đầy đủ, thống nhất theo các bước của quy trình hiện đại nhưng đã áp dụng từng khâu nhỏ trong từng nghiệp vụ để đảm bảo hạn chế rủi ro. Hệ thống thông tin báo cáo đảm bảo thường xuyên cung cấp, cập nhật đầy đủ giúp cho các cấp lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác quản trị điều hành. NHCSXH đã xây dựng một nền tảng được cấu trúc tốt về CNTT, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các phần mềm ứng dụng cùng với đội ngũ nhân lực và các quy trình hỗ trợ được hiểu rõ, quản lý tốt; bảo trì, kiểm soát tốt.
Đề tài khẳng định việc hoàn thiện công tác quản trị rủi ro hoạt động là một hướng đi đúng, hoạt động quan trọng, đóng vai trò then chốt trong nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, giảm thiểu hạn chế rủi ro tín dụng. Đánh giá về kết quả của đề tài, các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại biểu dự buổi nghiệm thu đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, được nhóm nghiên cứu thực hiện công phu, nghiêm túc, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Phát biểu kết luận, Phó Tổng Giám đốc Lê Thị Đức Hạnh - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của nhóm nghiên cứu. Công tác quản trị rủi ro hoạt động tại NHCSXH là một chủ đề mới, chưa được triển khai thực hiện trong hệ thống NHCSXH. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra được phương pháp khảo sát, phân tích, so sánh, tổng hợp bằng các dẫn chứng số liệu cụ thể, rõ ràng. Phó Tổng Giám đốc đề nghị nhóm nghiên cứu trên cơ sở các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét nhóm tiếp tục tiếp thu một cách có chọn lọc để có những giải pháp sâu sắc hơn, hoàn thiện hơn trong công tác quản trị rủi ro hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của NHCSXH, đảm bảo các mục tiêu trong chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với những kết quả mà đề tài “Quản trị rủi ro hoạt động tại NHCSXH” đã đạt được, Hội đồng Khoa học NHCSXH kết luận: Đề tài đáp ứng đủ điều kiện của một đề tài cấp ngành và nhất trí nghiệm thu, đánh giá loại Giỏi.

PV

Các tin bài khác