Nguồn vốn chính sách góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Phát huy vai trò tín dụng chính sách xã hội
Xác định tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội là nguồn lực quan trọng trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách trong thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và chi nhánh thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền đến người dân về tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao quyền lợi, trách nhiệm của đối tượng thụ hưởng trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.
Hằng năm, các sở, ban, ngành tỉnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh, chính quyền địa phương lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với các mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả từng chương trình cho vay, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng đó, vận động người dân nâng cao ý thức, tự lực vươn lên thông qua sự hỗ trợ, tạo điều kiện bằng các chính sách tín dụng của Nhà nước, ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn vay và trả nợ vay đúng hạn.
Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh có gần 860 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với số tiền trên 14 nghìn tỷ đồng. Từ đó, đã giúp cho hơn 125.000 lượt hộ thoát nghèo; gần 80.000 HSSV khó khăn tiếp cận vốn vay; trên 127.000 lao động được hỗ trợ vốn tạo việc làm; gần 13.000 lao động được hỗ trợ vốn vay tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trên 445.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng… góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1,51%.
Điển hình như hộ gia đình ông Trần Văn Cường ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhờ nguồn vốn vay NHCSXH tiếp sức, giúp ông Cường phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Ông Cường cho biết, trước đây, thiếu vốn sản xuất, gia đình kiếm sống bằng cách đi làm thuê làm mướn. Với số tiền 50 triệu đồng vay vốn ưu đãi, ông đầu tư vào chăn nuôi, trồng lúa và cây ăn quả, từ đó thu nhập được cải thiện, ổn định đời sống gia đình.
Theo báo cáo của chi nhánh, hằng năm, chi nhánh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai rà soát nhu cầu vay vốn của người dân. Trên cơ sở đó, tổng hợp nhu cầu vốn và trình NHCSXH Trung ương, HĐND và UBND tỉnh, huyện cân đối bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, thực hiện tốt việc truyền thông về tín dụng chính sách, góp phần giúp người dân kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động tiếp cận với chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội để được hướng dẫn, tư vấn, vay nguồn vốn ưu đãi.
Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách
Nguồn vốn chính sách đã tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, mang lại niềm tin, động lực, góp phần giúp những người yếu thế trong xã hội có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Gia đình anh La Hoàng Vũ ở ấp Long Thành, xã Long Thành, huyện Lai Vung. Cách đây hơn 5 năm, vợ chồng anh thuộc diện hộ nghèo ở địa phương chỉ làm thuê kiếm sống, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn khi người con trai mắc bệnh tim bẩm sinh. Nhờ sự tiếp sức từ chính quyền địa phương xem xét, giải quyết tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, gia đình anh Vũ có vốn để nuôi bò, nhờ siêng năng lao động, chí thú làm ăn, gia đình anh Vũ dần vươn lên trong cuộc sống và tự nguyện xin thoát nghèo.
Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tiếp thêm động lực, hỗ trợ thiết thực giúp HSSV tiếp tục duy trì việc học. Gia đình anh Võ Văn Chín ở ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh là một điển hình khi có 2 người con nối tiếp nhau vào đại học. Mỗi năm học, các em là sinh viên được vay 40 triệu đồng để trang trải học phí và sinh hoạt, sau khi tốt nghiệp đi làm sẽ trả dần cho ngân hàng. Anh Võ Văn Chín bộc bạch: “Gia đình tôi sống bằng nghề chăn nuôi, hoàn cảnh khó khăn, được tiếp cận vốn vay của ngân hàng lo cho các con học đại học, gia đình bớt áp lực phải lo chi phí học tập. Sau khi các con ra trường, có việc làm sẽ hoàn vốn vay, gia đình tôi rất biết ơn Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ nguồn vốn vay này”.
Ông Huỳnh Phèn ở xã Định An, huyện Lấp Vò, thuộc diện hộ nghèo, từ số tiền vay 20 triệu đồng của chương trình hộ nghèo, gia đình ông mua heo nuôi sinh sản, đến nay, cuộc sống gia đình bớt khó khăn, ngoài việc trả lãi hàng tháng, gia đình ông Phèn tích góp được số tiền, có điều kiện lo cho các con đi học và tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, từ đó thu nhập của gia đình cải thiện. Ông Huỳnh Phèn chia sẻ: “Nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững. Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã hỗ trợ cho con tôi tiếp tục duy trì việc học, giúp gia đình tôi được nhẹ gánh lo phần chi phí, an tâm lao động thoát nghèo”.
Theo Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Tháp Trần Thanh Trúc, qua triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả, hàng năm hỗ trợ trên 40 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo động lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo ở địa phương, đảm bảo hoạt động tín dụng được thực hiện hiệu quả, an toàn. Hiện nay, chi nhánh đang quản lý, triển khai cho vay 17 chương trình tín dụng chính sách; chất lượng tín dụng luôn được duy trì tốt, mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội như: Chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn…
Hiện nay, các chương trình tín dụng chính sách tại địa phương đã và đang góp phần làm thay đổi cuộc sống của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn chính sách đã trở thành điểm tựa giúp cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Bài và ảnh Mỹ Long
Các tin bài khác
- » Thoát nghèo trên cao nguyên đá Đồng Văn
- » Bài 3: Vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc
- » Bài 2: Khi mỗi người dân đều là “trợ công” triển khai chính sách
- » Chỉ thị 40-CT/TW: Sáng tình Đảng, ấm lòng dân (Bài 1: Cuộc cách mạng về tín dụng chính sách)
- » Động lực phát triển từ tín dụng chính sách ở Kỳ Sơn
- » Nguồn vốn tín dụng chính sách - Điểm tựa cho ngôi làng người Mường
- » Tín dụng chính sách góp phần đưa Quảng Bình phát triển toàn diện
- » Vốn tín dụng ưu đãi trợ lực cho người dân Gia Nghĩa thoát nghèo
- » Tín dụng chính sách trợ lực phát triển kinh tế cho người dân
- » Tín dụng chính sách góp sức đổi thay vùng quê Anh Sơn xứ Nghệ