Tín dụng chính sách tạo “đòn bẩy” giải quyết việc làm ở Nghệ An

28/10/2024
(VBSP News) Chương trình cho vay giải quyết việc làm của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đã tạo đòn bẩy hỗ trợ người dân khởi nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
bna_can-bo-ngan-hang-chinh-sach-huyen-nghia-dan-tham-mo-hinh-vay-von-tren-dia-ban

Cán bộ NHCSXH huyện Nghĩa Đàn thăm mô hình vay vốn trồng nấm của anh Dương Văn Toàn (ngoài cùng bên phải) ở xóm Hồng Tháp, xã Nghĩa Lộc

Lao động có việc làm từ vốn chính sách
Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình cũng như tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương, năm 2021, anh Dương Văn Toàn ở xóm Hồng Tháp, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH để trồng nấm bào ngư. Từ nguồn vốn hơn 100 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH đã giúp anh đầu tư xây dựng cơ sở trồng nấm, phát triển kinh tế gia đình. Đây là mô hình trồng nấm đầu tiên trên địa bàn xã. Nguyên liệu chủ yếu để trồng nấm là mùn cưa và các phụ phẩm nông nghiệp như lá, thân cây, rơm… đều thân thiện với môi trường, đặc biệt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Anh Toàn cho biết: Địa phương là xã miền núi, cách trung tâm của huyện Nghĩa Đàn khoảng 19km, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, do đó, thanh niên vay vốn chính sách để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế luôn được khuyến khích nhân rộng. Đây là mô hình kinh tế xanh, tận dụng phụ phẩm trong sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Việc trồng nấm bào ngư là hướng đi bền vững khi có đầu ra và thu nhập ổn định, tạo việc làm cho bà con địa phương.
Đối với chị Phạm Thị Mùi ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, được trồng, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh đó không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê từ nhỏ. Năm 2020, gia đình chị Mùi thông qua tổ chức Hội Phụ nữ xã được NHCSXH huyện Nam Đàn tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm để phát triển kinh tế gia đình. Với số vốn này, chị Mùi nhập các loại cây hoa, cây cảnh về để chăm sóc, kinh doanh. Đến nay, kinh tế gia đình chị đã ổn định, trả hết nợ vay ngân hàng, vợ chồng có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống ngày càng được cải thiện.
Xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc là xã nằm trong Khu kinh tế Đông Nam, có đường N5, đường cao tốc Bắc - Nam đi qua thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện nay kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và một số hộ kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ.
Xác định vai trò quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, lãnh đạo xã Nghi Đồng đã phối hợp với NHCSXH cùng triển khai tốt các chương trình tín dụng trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm việc phân bổ nguồn vốn, bình xét đối tượng cho vay, tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn của người vay. Hằng năm, tập trung chỉ đạo rà soát hộ nghèo, cận nghèo, và các đối tượng chính sách trên địa bàn để đầu tư nguồn vốn giúp phát triển sản xuất kinh doanh và giải quyết việc làm cho người dân.
Hiện, trên địa bàn xã đang triển khai thực hiện 9 chương trình tín dụng chính sách xã hội. Tổng dư nợ đạt 17,808 tỷ đồng, với 10 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 344 hộ vay vốn đang còn dư nợ (đến ngày 30/6/2024). Các mô hình vay vốn hoạt động có hiệu quả, điển hình như mô hình trang trại chăn nuôi bò và trồng cây ăn quả của hộ anh Hoàng Hữu Chung, mô hình đầu tư kinh doanh nhà hàng của hộ chị Hoàng Thị Trinh, mô hình kinh doanh hàng cơ khí của hộ anh Nguyễn Đình Sơn…
Hiện nay, tại huyện Nghi Lộc, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 643 tỷ đồng, trong đó, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm là 64 tỷ đồng. Thu nhập của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn trở nên khang trang hơn.
Góp phần giảm nghèo bền vững

bna_nam-dan-3e25cf545219c0deddae0057b9ad9864

Chị Phạm Thị Mùi ở xã Nam Giang, huyện Nam Đàn chăm sóc vườn hoa được đầu tư từ vốn vay giải quyết việc làm

Tỉnh Nghệ An có 45.333 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5,19%; 50.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 5,73%; hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu tập trung tại 4 huyện nghèo: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu; tại 76 xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào DTTS. Người nghèo còn nhiều khó khăn trong cuộc sống cần được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả thiết thực hơn, nhất là nguồn lực để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội; Sở Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, các Sở, ban, ngành, các thành viên Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh và các địa phương tham mưu tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Trung ương và tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Nghi Đồng Đặng Văn Tâm cho biết: Trong giai đoạn 2014 - 2024, xã đã cùng với NHCSXH chung tay, góp sức đầu tư trên 40 tỷ đồng cho trên 1.350 lượt đối tượng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp cho trên 560 lượt hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo một cách bền vững. Qua đó, hộ nghèo giảm từ 8,2% năm 2014 xuống còn 1,48 % cuối năm 2023 (giảm 6,72%). Nguồn vốn đã khuyến khích người dân tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Vi Ngọc Quỳnh cho biết: Nguồn vốn chính sách thực sự trở thành giải pháp quan trọng giúp tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, tạo việc làm trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trên cả nước. Để tạo cơ sở pháp lý ổn định cao hơn cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, đề nghị bổ sung đối tượng hộ có mức sống trung bình vào các chương trình tín dụng của NHCSXH. Đồng thời, bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014 - 2024, nguồn vốn ưu đãi đã hỗ trợ cho 742.060 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có 51.115 người lao động được hỗ trợ vốn để tạo việc làm ổn định từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm; 3.050 người lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách được hỗ trợ vốn để đi lao động tại nước ngoài; trên 209.611 hộ gia đình sống tại vùng nông thôn được hỗ trợ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh; 10.754 hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây nhà, sửa chữa nhà ở.

Bài và ảnh Thu Huyền

Các tin bài khác