“Mở lối” cho những người lầm lỡ

30/08/2024
(VBSP News) Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã “mở lối” để những người lầm lỡ có việc làm ổn định, tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, thời gian qua, Công an các địa phương tại tỉnh Gia Lai đã phối hợp với chi nhánh NHCSXH tỉnh chú trọng triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
gia lai 1

Công an tỉnh và chi nhánh NHCSXH tỉnh ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù

Quan tâm hỗ trợ việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù
Đầu năm 2024, chị Lê Thị Tuyết Nhung ở thôn 2, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa được vay vốn NHCSXH 40 triệu đồng chương trình cho người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Với số tiền này, chị có vốn thu mua vỏ cà phê bán cho thương lái; đồng thời mua thêm cây giống hồ tiêu, cà phê để trồng.
Chị Nhung chia sẻ: “Tôi từng chấp hành án 7 năm tù vì mua bán ma túy. Do cải tạo tốt nên tôi được đặc xá, tha tù trước thời hạn hơn 1 năm. Lúc mới về, tôi đi bán quần áo trong các làng; vào mùa cà phê thì đi làm thuê cho người ta. Khi địa phương rà soát những người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn, tôi được Công an xã và huyện giới thiệu để NHCSXH cho vay vốn. Số tiền này đến với tôi rất kịp thời. Giờ còn nương nhờ nhà cha mẹ nhưng tôi cũng đã gom góp được ít tiền để sau này có thể tự mình lo cho gia đình”.
Huyện Đak Đoa có 133 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Để hỗ trợ các trường hợp này nhanh chóng ổn định cuộc sống, Công an huyện tổ chức tư vấn riêng và hỗ trợ làm căn cước công dân, làm thủ tục thay đổi nơi cư trú cho 43 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương; đề nghị cấp lý lịch tư pháp cho 5 người đã được xóa án tích.
Đồng thời, đơn vị phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg và các văn bản liên quan, nhất là tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để sản xuất kinh doanh.
Trung tá Trương Kim Vũ - Đội trưởng Đội Thi hành án và Hỗ trợ tư pháp (Công an huyện Đak Đoa) cho biết: Từ đầu năm đến nay, Công an huyện và NHCSXH huyện đã xem xét, giải ngân cho 5 trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương với tổng số tiền 400 triệu đồng; giải ngân nguồn vốn tạo việc làm cho 2 trường hợp với tổng số tiền 100 triệu đồng. Đến nay, toàn huyện có 19 người được vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg với tổng số tiền là 1,45 tỷ đồng.
“Vững bước trên con đường hoàn lương”

gia lai 2

Với số vốn được cho vay từ Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, chị Lê Thị Tuyết Nhung đã trồng thêm hồ tiêu, cà phê để ổn định cuộc sống

Xã Hà Tam, huyện Đak Pơ có 48 đối tượng tù tha, chủ yếu ở độ tuổi 18 - 40, phạm các tội như: đánh bạc; vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; cố ý gây thương tích… Trong đó, nhiều người chưa có công việc ổn định. Mô hình “Vững bước trên con đường hoàn lương” do Công an xã tham mưu thực hiện nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong công tác hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Để mô hình hoạt động hiệu quả, xã Hà Tam thành lập 4 tổ quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hướng dẫn các thủ tục hành chính, tư vấn về các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước như vay vốn, tạo việc làm; cho ký cam kết không vi phạm pháp luật hoặc phạm tội mới. Đồng thời, xác định những trường hợp còn gặp khó khăn thiếu việc làm, thiếu vốn sản xuất kinh doanh… để hướng dẫn họ tiếp cận nguồn vốn NHCSXH theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.
Phó Giám đốc NHCSXH huyện Đak Pơ Trần Hữu Hiệp cho biết: Sau khi phối hợp với lực lượng Công an triển khai Quyết định số 22/2023QĐ-TTg, Phòng giao dịch đã tạo điều kiện cho 2 trường hợp trong mô hình “Vững bước trên con đường hoàn lương” vay 200 triệu đồng để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế. Ngoài ra, giúp 3 người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận nguồn vốn vay theo chương trình NS&VSMTNT và giải quyết việc làm với tổng số tiền 138 triệu đồng; hướng dẫn các thành viên mô hình tiếp cận với các chương trình cho vay vốn sản xuất khác.
Mô hình đã góp phần giúp các trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thấy được sự khoan dung, tình cảm của người thân, gia đình và cộng đồng dân cư, từ đó xóa đi mặc cảm tự ti, vươn lên làm lại cuộc đời.
Anh Nguyễn Văn Lực ở thôn 1, xã Hà Tam vui vẻ cho biết: “Được các ban, ngành, đoàn thể của xã gặp gỡ tuyên truyền, vận động tham gia mô hình, tôi đã dần tự tin hòa nhập cộng đồng và vươn lên làm lại cuộc đời. Tôi cảm thấy biết ơn sự quan tâm của xã hội dành cho mình. Vì có bằng lái xe chuyên dụng, hiện nay, tôi được nhận vào lái máy xúc tại một doanh nghiệp với mức lương trung bình 500 nghìn đồng/ngày. Tôi còn được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng làm vốn để phát triển chăn nuôi”.
Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đã tạo ra hành lang pháp lý cụ thể, quan trọng, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để học nghề, sản xuất kinh doanh, từ đó không tái phạm tội. Để Quyết định này đi vào cuộc sống, Công an tỉnh đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3220/KH-UBND ngày 19/11/2023 triển khai thực hiện cũng như các văn bản liên quan quy định cụ thể điều kiện để được vay vốn.
Ngày 22/1/2024, Công an tỉnh, chi nhánh NHCSXH tỉnh và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức ký kết Chương trình phối hợp triển khai thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh.
Trung tá Nguyễn Tiến Khánh - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp tỉnh cho biết: Tính từ ngày Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg có hiệu lực đến nay, toàn tỉnh có 134 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với tổng số tiền hơn 10,3 tỷ đồng. Tháng 5/2024, cơ quan đã phối hợp với chi nhánh NHCSXH tỉnh tiến hành kiểm tra các trường hợp được vay vốn. Nhìn chung, các đối tượng đều được xét vay đúng thủ tục, bảo đảm quy định. Những người được vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, bước đầu đã ổn định kinh tế.
Những kết quả bước đầu triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh đã góp phần giúp những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống. Chính sách nhân văn này cũng khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trên hành trình hoàn lương của những người lầm lỡ.

Bài và ảnh Thúy Trinh

Các tin bài khác