Giúp dân vay dễ, sử dụng vốn chính sách hiệu quả

19/07/2024
(VBSP News) Đồng Nai hiện là một trong 6 tỉnh, thành phố có nguồn vốn ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống NHCSXH. Đồng thời, chất lượng tín dụng chính sách luôn duy trì và đảm bảo với tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của tỉnh ở mức dưới 0,2% và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước...
dông nai

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện tín dụng chính sách vào tháng 9/2022
                                                                                                                        Ảnh: Tư liệu

Những kết quả tích cực này có được do tỉnh đã chủ động thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Cả hệ thống cùng vào cuộc
Ngay khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Thông tri số 32-TT/TU ngày 09/7/2015, Kết luận số 862-KL/TU ngày 17/9/2019, Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 12/10/2021 để chỉ đạo các cấp ủy Đảng và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, đảng viên.
Nội dung của các văn bản này yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp phối hợp cùng chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp quan trọng gắn với 6 nội dung trọng tâm: tổ chức hiệu quả hoạt động của Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; phát huy hiệu quả phương thức quản lý vốn; thực hiện tốt hoạt động giao dịch tín dụng chính sách tại Điểm giao dịch tín dụng chính sách xã, phường, thị trấn; phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các ấp, khu phố; tổ chức tốt hoạt động kiểm tra, giám sát; công tác cán bộ và đào tạo.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã có các văn bản cụ thể hóa chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện. UBND các huyện, thành phố cũng ban hành các văn bản triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Hiện 99,9% số vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai quản lý được ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể để trực tiếp cho đoàn viên, hội viên vay. Hệ thống các tổ chức hội, đoàn thể này có mặt ở từng khu dân cư. Do vậy, việc xác minh thông tin thực tế từng hộ vay, quá trình sử dụng vốn diễn ra chặt chẽ.
Ngoài ra, chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai cùng MTTQ tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp triển khai tín dụng chính sách. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Văn Quang, mục tiêu trọng tâm của công tác phối hợp là 2 đơn vị đã tăng cường công tác triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh theo hướng hiệu quả, tích cực. MTTQ tỉnh cùng các tổ chức thành viên sẽ phối hợp vì mục tiêu chung là hỗ trợ người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống thông qua nguồn vốn chính sách. Đảm bảo nguồn vốn chính sách phát huy hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sỹ Cường cho biết, việc triển khai bài bản, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở đã tạo được nhận thức đầy đủ, xác định rõ trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, luôn coi đây là hoạt động thường xuyên trong chương trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị. Vai trò của tín dụng chính sách được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thực hiện chính sách phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Đồng Nai đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tỉnh luôn chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương sang NHCSXH.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Đồng Nai, hiện tổng dư nợ đạt 5.300 tỷ đồng. Trong số này, có 1.450 tỷ đồng là từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH. So với năm 2014, số vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 1.300 tỷ đồng. Đồng thời, đơn vị cấp huyện đều chuyển vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH hàng năm từ 4 - 10 tỷ đồng/đơn vị.
Cũng trong thời gian này, chất lượng tín dụng từng bước được củng cố và nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,14%/tổng dư nợ, giảm 0,64% so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Toàn tỉnh hiện có 42/170 đơn vị cấp xã không có nợ quá hạn.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, nguồn vốn chính sách mang tính đặc thù vì là nguồn lực của Nhà nước dành cho người nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và các trường hợp vay khác theo quy định. Thời gian qua, tỉnh nỗ lực đảm bảo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn chính sách và bảo toàn vốn Nhà nước.
Đóng góp vào việc giảm nghèo của tỉnh
Chính nhờ sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ này mà 10 năm qua, đã có 366,8 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay số tiền 11,7 ngàn tỷ đồng, góp phần duy trì, tạo việc làm cho trên 116 ngàn lao động; hơn 18 ngàn lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; 353 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; 55,7 ngàn lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo được vay vốn… Điều này đóng góp tích cực vào kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của tỉnh từ 4,01% vào cuối năm 2014 xuống còn 1,36% vào đầu năm 2024.
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa ngụ phường Tân Biên, TP Biên Hòa cho hay, năm 2021, gia đình bà được xét cho vay 50 triệu đồng để buôn bán nước giải khát tại nhà và đã hoàn thành việc trả gốc, lãi cho ngân hàng. Mới đây, khi cần vốn mở rộng việc buôn bán, gia đình bà tiếp tục được vay 100 triệu đồng. Quầy nước giải khát này giúp gia đình bà Thoa có thu nhập hàng ngày để trang trải cuộc sống.
Bên cạnh đó, nguồn vốn chính sách cũng góp phần không nhỏ để Đồng Nai thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, ở những thời điểm đặc biệt, chi nhánh tỉnh Đồng Nai cũng chủ động trợ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động. Như trong thời điểm cả nước chung tay thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, Đồng Nai là địa phương đầu tiên triển khai Chương trình cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, do Chính phủ
ban hành.
Nhằm thực hiện tốt chương trình cho vay này, cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc trong việc thẩm định hồ sơ, khảo sát thực tế… Qua đó, chi nhánh tỉnh Đồng Nai đã cho vay trên 1 ngàn tỷ đồng đối với 62 chủ doanh nghiệp để trả lương cho 91,1 ngàn người, góp phần ổn định việc làm cho lượng lớn người lao động tại địa phương.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, thời gian tới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai tập trung nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng giai đoạn và phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về tín dụng chính sách đến nhân dân.

CTV Sỹ Thao

Các tin bài khác