Tăng sức bền cho phát triển kinh tế Thủ đô

10/07/2024
(VBSP News) Với Hà Nội, câu chuyện giảm nghèo theo chuẩn chung quốc gia đã từ lâu không còn là trọng yếu khi thành phố đã ban hành hành chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn nghèo quốc gia từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu đến năm 2030, là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD, câu chuyện tạo việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân trở thành vấn đề trọng yếu. Bởi vậy, ngay sau khi Chỉ thị 40-CT/TW ban hành, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đã tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND phát huy hiệu quả công cụ tín dụng chính sách sẵn có cùng với việc tăng cường nguồn vốn ủy thác địa phương qua NHCSXH để giải quyết các bài toán phát triển kinh tế thủ đô.
image001

Anh Phạm Văn Giang (trái) ở thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa từ nguồn vốn ưu đãi

Biến “điểm yếu” thành “yếu điểm”

Về xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì hôm nay, dư âm của một xã đặc biệt khó khăn đã không còn.  Từ một địa phương đất đồi núi còn nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc trồng ngô, cây lúa cấy vụ được vụ không, sự tiên phong của địa phương trong định hướng người dân phát triển nghề chăn nuôi bò sữa, trồng mai trắng cùng trợ lực dòng vốn tín dụng chính sách từ những ngày đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã biến “điểm yếu” trong phát triển kinh tế của xã là núi non trải dài, trở thành “yếu điểm” phát triển kinh tế. 

Như gia đình anh Phạm Văn Giang, thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, cuộc sống gia đình anh sang trang mới khi năm 2014, anh được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng nguồn vốn nước sạch vệ sinh môi trường và 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm phát triển trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Từ 2 con bò giống đầu tiên thêm một vòng quay vốn giải quyết việc làm 100 triệu đồng vay năm 2023, đến nay, gia đình anh đã có  10 con bò sữa, cho thu hoạch 80kg sữa/ngày. Trừ chi phí mỗi tháng gia đình anh thu nhập ròng 20 triệu đồng, chưa kể thu nhập từ việc chăn nuôi bê…

Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Con Bò Vàng Đào Công Trường cho biết, sự phát triển của công ty hôm nay cũng có sự trợ lực không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Một phần là từ ngay khi thành lập anh đã được NHCSXH cho vay vốn giải quyết việc làm để đầu tư thiết bị mở rộng sản xuất. Phần còn lại là nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang giúp công ty có nguồn sữa ổn định, chất lượng tốt. Anh kể, những năm đầu phát triển chăn nuôi bò sữa, dù thiên nhiên ưu đãi, song nghề chăn nuôi bò sữa tại Ba vì không phát triển được khi các hộ dân chăn nuôi manh mún, sản xuất thủ công nên chất lượng sữa kém, giá thành bán ra thị trường vì thế thấp. Chính bởi vậy sự nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong những năm qua, và sau này là sự hỗ trợ kỹ thuật cùng vốn của công ty đã  giúp người dân đầu tư chuồng trại, áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, tăng đàn, nguồn sữa tại địa phương tăng cả về sản lượng chất lượng. Hiện Công ty có 60 hộ dân cung ứng 5.000 lít sữa/ ngày và hầu hết họ đã và đang được NHCSXH hỗ trợ vốn chăn nuôi bò sữa. Chất lượng sữa tăng, cùng nguồn cung sữa dồi dào là cơ sở để trong những năm qua, cùng với việc đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ sữa, công ty xây dựng được 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Mục tiêu tới đây của công ty không chỉ khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước mà hướng tới xuất khẩu sang Nhật. 

Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết, là một trong 7 xã miền núi khó khăn của huyện Ba Vì, những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sach xã hội đã trở thành động lực, chất xúc tác cho người dân phát triển sản xuất, tạo việc làm, gia tăng thu nhập. Hiện toàn xã có 927 hộ dân được tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội với dự nợ 44 tỷ đồng. Không chỉ tạo việc làm gia tăng thu nhập, nguồn vốn tín dụng chính sách còn trở thành động lực cho xã thực hiện việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Hiện xã đã có hơn 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 2 sao đến 4 sao, tỷ kệ hộ nghèo chỉ còn 0,49% và chủ yéu là các hộ nghèo không còn khả năng lao động, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 70 triêu đồng. Những thành quả kinh tế này góp phần đưa xã Tản Lĩnh nói riêng và huyện Ba Vì đạt nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Không để ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình tăng tốc

Xã Tản Lĩnh chỉ là một trong những hiệu ứng từ việc triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW. Từ sự đổi mới nhận thức và thống nhất về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn, các cấp ủy, chính quyền Hà Nội luôn coi  tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp mang tính căn cơ, trọng điểm để triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, của từng địa phương về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Cũng từ đây, việc triển khai tín dụng chính sách gắn với tạo lập nguồn vốn từ ngân sách địa phương được đưa vào Chương trình, Kế hoạch của Thành ủy, UBND Thành phố hàng năm và trong từng giai đoạn như: Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”; Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”; Chỉ thị 06-CT/TU về “Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, phục hồi phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố”; Kế hoạch GQVL và Kế hoạch giảm nghèo của thành phố hàng năm… 

Kết quả là từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển bổ sung qua chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội để cho vay tăng 7.615 tỷ đồng (694%) so với năm 2014, trong đó vốn giải quyết việc làm là 7.389 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn địa phương ủy thác đạt 8.713 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 56% tổng nguồn vốn chi nhánh (15.452 tỷ đồng). Đây là nền tảng để 10 năm qua chi nhánh mở rộng cho vay tới 401.300 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay từ nguồn vốn ủy thác địa phương được bổ sung và vốn thu hồi trên địa bàn trong 10 năm đạt 18.437 tỷ đồng, góp phần thu hút, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 439.400 lao động, góp phần hoàn thành khoảng 27% kế hoạch giải quyết việc làm của thành phố hàng năm. 

Hiện nay, toàn thành phố đang quản lý và triển khai thực hiện cho vay 19 chương trình tín dụng chính sách; doanh số cho vay 10 năm giai đoạn 2015 đến 30/4/2024 là 38.760 tỷ đồng với hơn 1 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. 

 Việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; góp phần cùng Thành phố thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là tại khu vực nông nghiệp nông thôn; khôi phục và phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống; khuyến khích phát triển các khu sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật và các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, các sản phẩm dịch vụ OCOP, đồng thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Thành phố trong từng giai đoạn: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố giảm từ 3,64% xuống còn 0,21% (giai đoạn 2016-2021) và từ 0,16% xuống còn 0,03% thời điểm cuối năm 2023 (giai đoạn 2022 - 2024). GRDP bình quân đầu người đạt 151,1 triệu đồng.

Theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, những năm tiếp theo sẽ mở ra giai đoạn mới với chuẩn nghèo được nâng lên dần tiệm cận với xác định nghèo đa chiều trên thế giới, đặt ra những thách thức mới, nhiệm vụ mới trong công tác giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, với tốc độ tăng dân số cơ học cao, dự báo về nhu cầu lao động, việc làm sẽ tiếp tục là vấn đề bức xúc cần quan tâm giải quyết trong những năm tiếp theo của thủ đô Hà Nội. Việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội vẫn sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm hàng đầu để thực hiện tốt mục tiêu, kế hoạch của Thành phố trong công tác giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội và đẩy lùi tín dụng đen.

Từ quan điểm này, trong những năm tới Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW  nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với tín dụng chính sách xã hội. Xác định việc tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các giai đoạn tiếp theo của thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.  Đưa nội dung triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội gắn với bố trí nguồn lực tại địa phương vào nội dung văn kiện Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tiếp theo, coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, lâu dài để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội đảm bảo phù hợp với bối cảnh mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.

Bài và ảnh Minh Nguyễn

Các tin bài khác