Vùng đất Tân Mỹ được đánh thức

10/06/2013
(VBSP News) Cách thành phố Bến Tre khoảng gần 50km nhưng có một miền quê ngày xưa chỉ là búng biển, hoang hóa, được ví như "vùng đất chết", mênh mông toàn cỏ dại mọc cằn cỗi trên ruộng nước chua phèn, đó là xã Tân Mỹ thuộc huyện ven biển Ba Tri (Bến Tre).

Người dân Tân Mỹ chuẩn bị cây giống để vào vụ trồng mới

Người dân Tân Mỹ chuẩn bị cây giống để vào vụ trồng mới

Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Nguyễn Quang Thu cho biết: “Năm 2001, xã kinh tế mới Tân Mỹ mới được thành lập, tiền thân từ nông trường Quyết Thắng do làm ăn không có hiệu quả nên bị giải thể. Được sự giúp đỡ của các ban ngành từ tỉnh đến huyện nhất là NHCSXH, liên tục 10 năm qua cho vay vốn ưu đãi rất kịp thời, dư nợ đạt 16,7 tỷ đồng đã làm động lực chính để toàn xã thực hiện thành công phong trào khai hoang, phục hóa sản xuất các loại giống cây con đặc sản, đặc thù phù hợp, phát triển kinh tế nhanh. Đến nay, đã đẩy lùi cái đói nghèo, làm nên điều kỳ diệu, biến “vùng đất chết” trở thành những cánh đồng tươi tốt, ổn định cuộc sống, mở ra tương lai sáng sủa của vùng kinh tế mới”.

Theo ông Thu, trước đây mía là cây trồng chủ lực của xã nhưng chỉ được vài năm năng suất bị giảm dần. Từ năm 2007 đến nay, triển khai dự án, đầu tư vốn chính sách lồng ghép với ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nông dân xã Tân Mỹ đã đẩy mạnh sản xuất “3 mũi nhọn” là trồng lúa đặc sản, trồng dừa và chăn nuôi bò.

Đúng vậy, vào thời điểm này, người dân Tân Mỹ đang bắt tay vào thu hoạch vụ lúa mới, lúa đặc sản cho năng suất cao với không khí đầy hào hứng vui tươi. Ông Huỳnh Văn Hoàng ở ấp Tân Mỹ, không chỉ là một trong những người đầu tiên đặt chân đến vùng đất hoang hóa này mà còn được chọn là một trong số hộ đầu tiên triển khai dự án vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi và tham gia tập huấn trồng thử nghiệm giống lúa đặc sản (giống Nàng Hoa do Công ty lương thực Bến Tre cung cấp và bao tiêu sản phẩm).

Sau hai năm trồng thử nghiệm thành công dự án trồng giống lúa đặc sản, mô hình này hiện đang được địa phương khuyến khích người dân đầu tư tiền vốn, công sức, kỹ thuật và nhân rộng trồng đại trà để có số lượng hàng hóa lớn cung ứng cho xuất khẩu. Ông Huỳnh Văn Hoàng, vốn là người gốc ở thị trấn Ba Tri, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên phải “du canh du cư” đến đây, nay đã thoát cảnh nghèo túng, xây nhà 3 gian khá hoành tráng, lại được bà con lối xóm tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ông Hoàng phấn chấn nói: “Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Mỹ có 38 hộ nghèo tự nguyện tham gia sinh hoạt và được vay vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời. Với hơn 1,5 tỷ đồng của NHCSXH làm điểm tựa vững chắc góp phần cho hầu hết các hộ dân trong tổ chúng tôi giảm nghèo rõ rệt, thậm chí có 7 hộ còn làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi vay được đầu tư cho nghề canh tác những giống cây con với quy mô lớn. Thực tế, bà con không chỉ triển khai trồng lúa đặc sản thành công cho năng suất cao trên “vùng đất chết” này mà hiện còn đang sử dụng có hiệu quả vốn vay của NHCSXH vào canh tác nhiều loại cây hoa màu khác theo mô hình công nghệ cao nên cho thu nhập khá cao”.

Ông Tổ trưởng dẫn chứng gia đình bà Đoàn Thị Mững vốn là người ở ngoại vi thành phố Bến Tre, trước đây kinh tế khó khăn vì không có đất sản xuất nên được xem xét đưa gia đình bà vào vùng kinh tế mới Tân Mỹ. Thời gian qua, bà Mững được vay vốn của NHCSXH tới 50 triệu đồng của 3 chương trình: hộ nghèo, nước sạch và đầu tư cho 2 người con lên thành phố học đại học. Đặc biệt nhất, vừa qua, sau khi hoàn trả được 50% số nợ vay trước, bà Mững đã được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét để NHCSXH giải quyết cho vay 20 triệu đồng của chương trình giải quyết việc làm để trồng dưa hấu lấy hạt trên diện tích 4 công đất nhiễm mặn. Được biết, từ nguồn vốn vay ưu đãi đó cùng với sự chăm sóc chu đáo, ruộng dưa của bà trồng thu hoạch 3 vụ/năm cho thu hoạch cao, được khách hàng đến tại nhà mua hết hạt lai F1, với giá 1 triệu đồng/kg. Như vậy, cứ trung bình mỗi công đất trồng dưa thu được lợi nhuận trên 20 triệu đồng/vụ. Riêng vụ hè năm 2012, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng các hộ trồng dưa hấu lấy hạt trong Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Quý vẫn thu hoạch hạt bán được 897 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng, vẫn còn lãi ròng 697 triệu đồng. Được mùa lúa, mùa dưa, bà con trong tổ tự giác nộp lãi, trả nợ đầy đủ, đúng kỳ hạn cho ngân hàng và còn trích 1 khoản tiền để hỗ trợ 3 tổ viên gặp khó khăn, rủi ro trong sản xuất, ổn định cuộc sống.

Từ một xã nghèo thuần nông, mới thành lập, được sự tiếp sức của NHCSXH, góp phần làm cho nhiều hộ dân Tân Mỹ vượt khó làm giàu trên chính mảnh đất vốn được xem là “vùng đất chết” này. Vùng đất Tân Mỹ đã được đánh thức, mỗi năm 3 vụ lúa đặc sản cho thu hoạch cao, bình quân 6 - 7 tấn/ha. Bên cạnh đó, diện tích trồng dưa cũng đang tiếp tục mở rộng thay thế đất trồng mía kém hiệu quả trên quê hương mới Tân Mỹ, huyện Ba Tri (Bến Tre).

Bài và ảnh Thành Đại La

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác