Nghệ An: Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững (Bài cuối: Nỗ lực thu hẹp khoảng cách vùng miền)

17/05/2024
(VBSP News) Dù đạt nhiều kết quả trong giảm nghèo nhưng để duy trì kết quả này một cách bền vững và dần thu hẹp khoảng cách giữa các huyện miền núi với miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị, Nghệ An vẫn còn nhiều việc phải làm. Vì thế, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực phát triển các mô hình kinh tế. Trong đó, tiếp tục coi tín dụng chính sách là công cụ trụ cột trong giảm nghèo bền vững.
A7-quán-thi-Hường-vv-hsxkdvkk_6545

Nhiều hộ đồng bào DTTS huyện Quỳ Châu vay vốn chính sách để trồng keo, mang lại hiệu quả kinh tế cao
                                                                                                                                        Ảnh: Trần Việt

Chủ động nguồn lực
Xác định nhiệm vụ của mình, chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An luôn chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội địa phương, kịp thời chuyển vốn đến đúng đối tượng.
Theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Vinh, năm 2024, chi nhánh đã trình bổ sung hoàn thành chỉ tiêu nguồn vốn ủy thác địa phương năm 2024 (theo Đề án năm 2024 là 130 tỷ đồng). Cùng với đó, tại Nghị quyết của HĐND tỉnh được thông qua năm 2022 về kế hoạch phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh là hơn 918.868 tỷ đồng; riêng năm 2024 là 603.736 tỷ đồng… Những con số trên là điều kiện thuận lợi để Nghệ An thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi với các huyện miền núi.
Tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, chi nhánh tập trung triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2024. Tính đến ngày 14/5/2024, tổng nguồn vốn chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An đạt được là 13.113 tỷ đồng, tăng 452 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 10.404 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 79,3% tổng nguồn vốn; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác là 417 tỷ đồng, tăng 89 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 3,2% tổng nguồn vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 13.101 tỷ đồng, tăng 451 tỷ đồng so với đầu năm.
Dần thu hẹp khoảng cách
Đích đến của các lực lượng tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Nghệ An nói chung và 11 huyện miền núi nói riêng, không chỉ là giúp đồng bào đủ ăn, đủ mặc, quan trọng hơn là phải giúp đồng bào thoát nghèo một cách bền vững và thu hẹp khoảng cách giữa các huyện đồng bằng với các huyện miền núi, giữa nông thôn và thành thị.
Xác định rõ mục tiêu, cấp ủy chính quyền địa phương cũng như NHCSXH luôn quan tâm đầu tư cho các huyện miền núi. Đến ngày 14/5/2024, dư nợ của 11 huyện miền núi là 6.838 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,2% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Nguồn vốn ngân sách tại 11 huyện miền núi đã ủy thác qua NHCSXH đạt 41 tỷ đồng, trong đó một số huyện có số dư cao như Quỳ Hợp 5.185 triệu đồng, Thanh Chương 5.044 triệu đồng…
Cũng theo Phó Giám đốc Nguyễn Văn Vinh cho biết: Địa hình, khí hậu của 11 huyện miền núi vô cùng khắc nghiệt khiến cuộc sống của đồng bào gặp muôn vàn khó khăn. Do đó, ngoài việc các hộ gia đình thuộc vùng miền núi được thụ hưởng 100% chính sách tín dụng như các hộ vùng đồng bằng, đô thị; chi nhánh còn có cơ chế đặc thù riêng dành cho người dân sinh sống tại vùng miền núi.
Cụ thể như giảm 50% lãi suất đối với chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối tượng đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài cho đối tượng hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn; được thụ hưởng chính sách cho vay theo Nghị định số 28/NĐ-CP về hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi. Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn các huyện miền núi…
Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp đồng bào miền Tây Nghệ An có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống. Đại biểu Quốc hội Vi Văn Sơn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đánh giá: Nhiều hộ đồng bào DTTS, từ sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn; từ vay vốn nhưng không biết gia tăng giá trị đồng vốn, đến nay đồng bào đã mạnh dạn mở rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, dần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Quan trọng hơn, khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đồng bào đã thay đổi nhận thức, có ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng quản lý vốn để dần vươn lên làm giàu, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đức Kiên

Các tin bài khác