Từ nguồn vốn chính sách, chàng trai dân tộc Nùng đưa đặc sản cao khô vươn xa

20/11/2024
(VBSP News) Nhờ vay được vốn chính sách, nhiều bà con dân tộc Nùng ở xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã duy trì nghề làm mỳ khô (hay còn gọi là cao khô) được chế biến từ những hạt gạo địa phương, là món đặc sản luôn được đem ra đãi khách phương xa với niềm tự hào. Trong số đó, có anh Lý Anh Tuấn - Giám đốc HTX cao khô chợ Bãi ở thôn Chợ Bãi, đã có điều kiện đầu tư máy móc phát triển đặc sản cao khô Chợ Bãi OCOP 3 sao ngày càng vươn xa.
lang son 1

Anh Lý Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) giới thiệu đặc sản cao khô với cán bộ NHCSXH

Phát triển nghề truyền thống làm cao khô chợ Bãi
Vào những ngày này, cả thôn Chợ Bãi, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan bận rộn với các công đoạn làm cao khô. Anh Lý Anh Tuấn chia sẻ: Cao khô là đặc sản và cũng là nghề truyền thống đã có trăm năm của người dân thôn Chợ Bãi. Cao khô Chợ Bãi có vị thơm, ngon đặc trưng riêng nên được người dân thành phố Lạng Sơn và các huyện ưa chuộng tìm mua.
Cao khô hay phở khô, mì gạo được chế biến từ gạo nguyên chất, thường là gạo bao thai hoặc đoàn kết. Gia đình anh Tuấn vốn có truyền thống làm nghề cao khô. “Trước kia, gia đình tôi chỉ làm thủ công, sản xuất nhỏ lẻ. Có thời gian gia đình đã có ý định từ bỏ nghề làm cao khô vì quá vất vả, thu nhập không cao. Nhưng tôi luôn trăn trở làm thế nào để giữ lấy nghề mà cha ông để lại và phải làm sao nâng cao năng suất, mở rộng quy mô và quảng bá sản phẩm cao khô ra thị trường bên ngoài để tăng thu nhập…”, anh Lý Anh Tuấn tâm sự.
Cơ hội đến với chàng trai dân tộc Nùng Lý Anh Tuấn khi năm 2013, gia đình anh vay thêm 30 triệu đồng từ NHCSXH và cùng với số vốn của gia đình tích lũy để mua máy nghiền bột, máy tráng bánh và máy thái bánh trị giá gần 300 triệu đồng. Việc đưa máy móc vào sản xuất đã giúp gia đình giảm chi phí sản xuất và sức lao động. Nếu như trước đây, mỗi ngày, gia đình chỉ làm được khoảng 30kg gạo thì bây giờ đã làm được 200 - 300kg gạo, tương ứng với hơn 800 đến 1.000 bó cao thành phẩm.
Năm 2020, anh Lý Anh Tuấn cùng 15 thành viên khác thành lập HTX cao khô Chợ Bãi. Từ đó, anh cùng các thành viên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cao khô, tìm thị trường tiêu thụ, thiết kế, nâng cấp bao bì, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cũng trong năm 2020 này, sản phẩm cao khô của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Làm ăn có lãi, anh Lý Anh Tuấn và vợ là chị Nông Thị Xa lại cùng với các bà con trong xóm mua chung máy để tiếp tục mở rộng sản xuất. Cứ như thế, HTX cao khô Chợ Bãi bắt đầu lớn dần từ những đồng vốn tín dụng chính sách tuy không nhiều nhưng mang ý nghĩa nhân văn cao cả.
Hiệu quả từ nguồn vốn chính sách

lang son 2

Vợ chồng anh Lý Anh Tuấn và vợ là chị Nông Thị Xa đóng gói cao khô

Chia sẻ về kinh nghiệm làm đặc sản cao khô, anh Lý Anh Tuấn cho biết: Để làm ra cao khô thành phẩm phải qua nhiều công đoạn kỳ công. Ðầu tiên phải chọn được gạo bao thai ngon, tiếp đến là các công đoạn nghiền bột, tráng bánh, phơi ròng ba tiếng rồi ngâm trong nước sạch, sau đó thái mỏng thành sợi, phơi khô, cuối cùng mới bó thành bó cao khô thành phẩm. Sau một thời gian mở rộng thị trường, cao khô của gia đình anh Tuấn được nhiều khách hàng biết đến, không chỉ tiêu thụ ở trong xã mà còn được bán buôn, bán lẻ sang các tỉnh, thành phố khác như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh…
Nhu cầu sản xuất ngày một tăng cao, yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn đầu vào cũng ngày một nâng lên. Anh Tuấn đã mạnh dạn tiếp tục vay vốn của NHCSXH số tiền 100 triệu đồng vào năm 2023 theo chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Chỉ sau một năm vay vốn, anh đã đầu tư được một máy làm bún khô (sản phẩm mới của HTX), đồng thời trồng thêm 2ha cây keo. Nhờ sản xuất kinh doanh đặc sản cao khô, vợ chồng anh Tuấn có thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm và tạo việc làm ổn định cho 3 - 5 lao động là những người trong xã.
Không chỉ được tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi mà anh Tuấn và các hộ gia đình khác trong HTX còn được NHCSXH và các cơ quan như Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ hỗ trợ nhiều về cách làm thương hiệu, vệ sinh an toàn thực phẩm và các phương thức đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng.
Chủ tịch UBND xã Yên Phúc Triệu Việt Phương chia sẻ: Hiện toàn xã có trên 30 hộ sản xuất Cao khô, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Cao khô chợ Bãi có đặc trưng như: trắng, sáng màu gạo, hương thơm tự nhiên, sợi cao dai mềm… Để nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, cấp uỷ, chính quyền xã và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã tuyên truyền sâu rộng các chương trình cho vay ưu đãi của ngân hàng đến người dân, đặc biệt là các chương trình cho vay ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo các thôn, Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện bình xét hộ vay công khai, dân chủ, hướng dẫn người dân vay vốn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế phát huy thế mạnh của xã như: sản xuất cao khô; trồng, chăm sóc cây hồi.
Từ sự tận tâm trong công tác triển khai, quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi trên địa bàn, nhiều năm qua, Yên Phúc luôn là xã có chất lượng tín dụng tốt của huyện, dư nợ không ngừng tăng trưởng qua các năm. Đến nay, xã Yên Phúc đang triển khai cho vay 11 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ tính đến ngày 31/5/2024 đạt trên 36,7 tỷ đồng, toàn xã có 494 hộ vay. Đây là xã có dư nợ cho vay lớn nhất huyện Văn Quan và lớn thứ hai trong toàn tỉnh Lạng Sơn.

Bài và ảnh Thu Hà

Các tin bài khác