Tăng cường tài chính số, thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế
Tới dự buổi tọa đàm có Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế NHNN Việt Nam Tô Huy Vũ; Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hiền; Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Hoàng Minh Tế; Tham tán Kinh tế Đại sứ quán Úc David Gottlieb; Trưởng đại diện Quỹ Châu Á Michael DiGregorio; Giám đốc quốc gia Mastercard tại Việt Nam Winne Wong và đại diện các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế NHNN Việt Nam Tô Huy Vũ cho biết: Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng và không ngừng của kỷ nguyên số đã tạo ra sự thay đổi vượt bậc trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19, tài chính số càng cho thấy tầm quan trọng trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện và hiệu quả, nhất là thời điểm giãn cách xã hội, thông qua các nền tảng số như thiết bị di động, mạng internet, thẻ liên kết với các hệ thống thanh toán số,… mà không cần đến tiền mặt. Tại Việt Nam, kết quả phát triển tài chính số là một trong những thành công của chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số của Đảng và Chính phủ. Bên cạnh những kết quả khích lệ, nhưng theo Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế NHNN vẫn còn nhiều thách thức đặt ra và cần có biện pháp củng cố như vấn đề về quản lý, giám sát, bảo mật, minh bạch thông tin, an toàn hệ thống, chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng như niềm tin, hiểu biết, năng lực của khách hàng vào hệ thống tài chính - ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng tài chính để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện số mang lại
NHCSXH là một định chế tài chính công thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội của Chính phủ cho các đối tượng chính sách. Những kết quả trong hoạt động của NHCSXH đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Tính đến hết tháng 4/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 299 nghìn tỷ đồng, với 6,6 triệu khách hàng vay vốn.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH - Trưởng Ban quản lý dự án Hoàng Minh Tế cho biết: Tài chính số thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam” - là chủ đề đã dành được sự quan tâm trong những năm gần đây. Trước xu thế phát triển của dịch vụ tài chính, đặc biệt là các dịch vụ tài chính số trong phát triển tài chính toàn diện, NHCSXH đã xác định tài chính toàn diện là hướng phát triển quan trọng để đạt được mục tiêu cung cấp các dịch vụ chất lượng, thuận tiện đến cho khách hàng là người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là khách hàng ở những khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong những năm qua, NHCSXH đã tiến hành thực hiện các bước đi cần thiết để tăng cường phát triển tài chính toàn diện trong cộng đồng khách hàng của ngân hàng góp phần thực hiện vào quá trình thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tham tán kinh tế, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam David Gottlieb cho rằng: Một trong những lợi ích giáo dục tài chính số cho khách hàng nâng cao ý thức tiết kiệm, khả năng lập kế hoạch hoàn trả vốn vay của khách hàng. Tiết giảm thời gian từ hoạt động trả nợ của khách hàng, quản lý vốn vay cho tổ trưởng, có thể tham gia hoạt động tạo thu nhập. Ngoài ra, các khách hàng nữ thêm tự tin để bàn bạc, đưa ra quyết định về các hoạt động tạo thu nhập và thúc đẩy cơ hội tham gia hoạt động cộng đồng.
Trong kỷ nguyên số, NHCSXH đã có những quyết sách để giúp khách hàng của mình là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là phụ nữ từng bước tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động. Với sự hỗ trợ và hợp tác của Bộ Ngoại giao thương mại Úc, Quỹ Châu Á, Mastercard và các đối tác công nghệ, dự án Mobile Banking đã thúc đẩy và hỗ trợ hiệu quả NHCSXH phát triển thành công nền tảng tài chính số phù hợp với các đối tượng phục vụ của mình. Quá trình triển khai các dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động bắt đầu từ việc triển khai dịch vụ tin nhắn SMS cho khách hàng của NHCSXH; tiếp đó là thí điểm triển khai ứng dụng Quản lý tín dụng chính sách dành cho những người làm công tác quản lý tín dụng chính sách và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và gần đây nhất là ứng dụng VBSP SmartBanking.
Các diễn giả thảo luận tại buổi tọa đàm
Với ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, sau gần hai năm triển khai, đến nay đã có 47.786 người/26 tỉnh, thành phố dùng, trong đó có hơn 25.759 là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ứng dụng này dễ dàng tải xuống qua điện thoại thông minh, cho phép cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội, Ban đại diện HĐQT NHCSXH, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn, cán bộ giảm nghèo của địa phương có thông tin kịp thời và thực hiện hiệu quả hơn các nghiệp vụ trong quy trình cho vay và quản lý tín dụng chính sách.
Mới đây nhất, ứng dụng VBSP Smartbanking sau gần 3 tháng triển khai đã có 75.000 tài khoản, phát sinh hơn 642 nghìn giao dịch, tương ứng với số tiền hơn 5.400 tỷ đồng. Ứng dụng VBSP SmartBanking bước đầu hứa hẹn các tác động tích cực, giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn nữa với các dịch vụ tài chính đa dạng và hiệu quả, góp phần kết nối người dân ở các địa bàn của NHCSXH với nền kinh tế số.
Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu tin tưởng rằng, từ những kết quả đạt được trong dự án Mobile Banking, NHCSXH sẽ tiếp tục có những bước đi quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận các dịch vụ tài chính trên điện thoại di động phù hợp, mang đến những tiện ích vượt trội cho khách hàng, đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia, để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng và nhất định không để ai bị bỏ lại phía sau.
PV
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách trên quê hương Bác
- » Nghiệm thu đề tài “Giải pháp nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Kon Tum”
- » Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- » Tín dụng chính sách giúp Nam Đàn tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu
- » Hà Nam tích cực góp phần giải quyết việc làm
- » Cửa Lò phát huy hiệu quả nguồn vốn giải quyết việc làm
- » Cho vay giải quyết việc làm: Tạo động lực thoát nghèo bền vững ở Bắc Kạn
- » Điểm tựa giúp các hộ dân miền núi thoát nghèo
- » Từ hộ nghèo vươn lên trở thành tỷ phú
- » “Trợ lực” để khôi phục và phát triển kinh tế ở Hà Nam