Tín dụng chính sách với công tác an sinh xã hội
Khách mời tham gia trả lời có Giám đốc Ban Quản lý và xử lý nợ rủi ro Nguyễn Thị Liễu; Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn Phạm Anh Đức; Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo Đặng Đức Thắng; Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác Phạm Kim Nhuận.
Thông qua chương trình tọa đàm này, NHCSXH mong muốn cung cấp cho độc giả cả nước những hiểu biết về tín dụng chính sách với an sinh xã hội, các chương trình tín dụng đang được thực hiện, cơ chế tín dụng chính sách để người dân tiến hành vay vốn đúng theo quy định đồng thời cũng có thể giám sát hoạt động này.
Dưới đây là một số câu hỏi và nội dung trả lời của các khách mời tham gia chương trình tọa đàm. Ban biên tập xin lược ghi lại.
Bạn đọc Khánh Huyền ở tỉnh Hà Giang có câu hỏi: Đợt mưa tuyết, rét đậm lịch sử vừa qua, NHCSXH hỗ trợ kịp thời cho hộ nghèo có trâu, bò chết rét. Xin hỏi mức hỗ trợ, quy trình và các hộ nghèo sẽ phải làm những thủ tục gì để được hỗ trợ? Chính sách này có được thực hiện thường xuyên hay không?
Giám đốc Ban Quản lý và xử lý nợ rủi ro: Căn cứ vào mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, NHCSXH sẽ có các biện pháp xử lý nợ phù hợp, như gia hạn nợ, khoanh nợ 3 năm, 5 năm.
Về quy trình, các hộ vay vốn bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan phải làm đơn đề nghị xử lý nợ và cùng với NHCSXH, các tổ chức có liên quan lập biên bản xác định mức độ thiệt hại về vốn và tài sản. NHCSXH thường xuyên thực hiện các biện pháp xử lý nợ bị rủi ro theo quy định.
Bạn đọc Phương Anh tại TP Hồ Chí Minh có câu hỏi: Để có đủ nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo vay vốn SXKD, NHCSXH có những giải pháp như thế nào để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ mới thoát nghèo?
Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn: Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được Thủ tướng giao năm 2016, NHCSXH bám sát các mục tiêu, giải pháp của Chính phủ về thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Chúng tôi thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có giải pháp về nguồn vốn để đảm bảo nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có cho vay hộ mới thoát nghèo.
Cụ thể, về giải pháp huy động nguồn vốn, thứ nhất, NHCSXH tiếp nhận nguồn tiền gửi 2% theo quy định của các Ngân hàng thương mại và Nhà nước giữ cổ phần chi phối, năm 2016 là 8.428 tỷ đồng. Thứ hai là phát hành trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh khoảng 16.000 tỷ đồng. Thứ ba là huy động tiền gửi từ các tổ chức cá nhân trên thị trường khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó tập trung nhận tiền gửi của các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Với các giải pháp huy động ngồn vốn nêu trên, NHCSXH đảm bảo sẽ có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách, bao gồm cho vay hộ mới thoát nghèo.
Bên cạnh đó, NHCSXH cũng cho phép chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố chủ động báo cáo UBND và tham mưu cho Trưởng ban đại diện HĐQT điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch dư nợ giữa 3 chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo theo thứ tự ưu tiên, đảm bảo sử dụng và phát huy hiệu quả chỉ tiêu kế hoạch của 3 chương trình được giao.
Bạn đọc Phương Anh, TP Hồ Chí Minh có câu hỏi: Quy định về gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đối với các khoản nợ của hộ mới thoát nghèo được thực hiện như thế nào?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo: Về gia hạn nợ: Đến kỳ hạn trả nợ cuối cùng, nếu hộ vay chưa trả được nợ do nguyên nhân khách quan và có nhu cầu đề nghị gia hạn nợ, thì trước 5 ngày đến hạn trả nợ cuối cùng, người vay phải có Giấy đề nghị gia hạn nợ (theo mẫu số 09/TD của NHCSXH) gửi NHCSXH nơi cho vay xem xét gia hạn nợ.
Bên cho vay có thể cho gia hạn nợ một hay nhiều lần nhưng thời hạn gia hạn tối đa không quá thời hạn đã cho vay ghi trên Sổ vay vốn đối với khoản vay đến 12 tháng và không quá 1/2 thời hạn cho vay đối với đối với khoản vay trên 12 tháng.
Về chuyển nợ quá hạn, NHCSXH chuyển nợ trong các trường hợp sau:
- Hộ vay sử dụng vốn vay sai mục đích.
- Đến hạn trả nợ cuối cùng, hộ vay không được gia hạn nợ.
Bạn đọc Khánh Huyền ở tỉnh Hà Giang có câu hỏi: Để đồng vốn ưu đãi phát huy được hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát đối tượng vay vốn được thực hiện như thế nào? Vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn ra sao?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo: Việc thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc cho các tổ chức hội, đoàn thể, đặc biệt công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền vận động, đôn đốc người vay trong suốt quá trình vay vốn và sử dụng vốn.
Cụ thể, hội, đoàn thể cấp xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác nhất; phối hợp với UBND cấp xã, Thôn trưởng để triển khai thực hiện các chính sách tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng; đồng thời, tham gia chứng kiến họp bình xét cho vay về đối tượng thụ hưởng, mức cho vay và mục đích sử dụng vốn vay… đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát và chỉ đạo các hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn theo đúng quy định của HĐQT NHCSXH, đôn đốc Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, thu lãi, thu tiền gửi của tổ viên theo thỏa thuận với NHCSXH.
Thực hiện kiểm tra việc sử dụng vốn vay của 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày ngân hàng giải ngân cho hộ vay. Phối hợp cùng NHCSXH nơi cho vay xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, định kỳ hoặc đột xuất nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn cho vay.
Tổ tiết kiệm và vay vốn được xem là cánh tay nối dài của NHCSXH đến các đối tượng thụ hưởng. Tổ này được thành lập tại các thôn, làng, buôn, bản, được UBND xã chấp thuận cho phép hoạt động theo Quy chế của NHCSXH.
Ban quản lý Tổ sẽ phổ biến và triển khai các chính sách tín dụng và quy trình thủ tục vay vốn đến các đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn hộ vay làm thủ tục, tiếp nhận Giấy đề nghị vay vốn của hộ vay, tổ chức họp các tổ viên để bình xét cho vay, quán triệt đến các tổ viên (hộ vay) về ý thức sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ đúng kỳ hạn; hàng tháng Ban quản lý tổ sẽ thực hiện việc thu lãi, thu tiền gửi của tổ viên theo hợp đồng ủy nhiệm và giao dịch với ngân hàng theo lịch giao dịch tại xã.
Để nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn cần tiếp tục thực hiện tốt các nội dung như tổ chức họp tổ để bình xét cho vay công khai đối tượng thụ hưởng các chương trình tín dụng về mức cho vay, thời gian cho vay, mục đích sử dụng vốn vay… dưới sự giám sát, chứng kiến của Trưởng thôn và người đại diện tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã.
Đồng thời, chủ động tham gia, chứng kiến việc kiểm tra sử dụng vốn vay, đối chiếu nợ vay và số dư tiền gửi của các tổ viên trong tổ khi có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với hoạt động của tổ.
Trực tiếp giám sát việc sử dụng vốn vay, SXKD, thu nhập và trả nợ NHCSXH của tổ viên. Thông báo kịp thời cho NHCSXH, chính quyền địa phương những trường hợp tổ viên sử dụng vốn vay sai mục đích, thay đổi chỗ ở ra ngoài địa bàn xã và các trường hợp khác ảnh hưởng đến hoạt động của tổ và chất lượng tín dụng.
Thực hiện nghiêm túc việc duy trì sinh hoạt tổ, thu lãi, thu tiền gửi của tổ viên hàng tháng để kịp thời nắm bắt tình hình của các tổ viên, giúp các tổ viên tạo lập ý thức trong việc vay vốn và trả nợ, từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của tổ viên.
Bạn đọc Quang Công ở Sơn La hỏi: HSSV nhập ngũ sau khi tốt nghiệp thì việc trả nợ vốn vay như thế nào?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Đối với HSSV đã vay vốn sau khi tốt nghiệp đi nghĩa vụ quân sự nếu còn dư nợ chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn tại NHCSXH, thì việc trả nợ được thực hiện như sau:
Trước hết, số dư nợ đó được kéo dài thời gian trả nợ và được miễn lãi tiền vay tương ứng với thời gian phục vụ tại ngũ của HSSV đó, nhưng tối đa không quá 24 tháng kể từ ngày HSSV nhập ngũ.
Thời gian phục vụ tại ngũ được tính từ ngày nhập ngũ ghi trên Lệnh gọi nhập ngũ đến ngày kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự (là ngày tháng có hiệu lực của các Quyết định về việc quân nhân xuất ngũ).
- Để được hưởng chính sách đối với HSSV đã vay vốn sau khi tốt nghiệp đi nghĩa vụ quân sự, khách hàng vay vốn cần gửi cho NHCSXH nơi cho vay các giấy tờ sau:
+ Khi HSSV nhập ngũ, người vay phải gửi đến NHCSXH nơi cho vay bản sao Lệnh gọi nhập ngũ (có Công chứng). Căn cứ vào Lệnh gọi nhập ngũ, NHCSXH nơi cho vay đối chiếu với hồ sơ vay vốn, nếu hợp pháp, hợp lệ, cán bộ ngân hàng ghi vào Sổ vay vốn (cả Sổ lưu ngân hàng và Sổ khách hàng lưu giữ) trang theo dõi chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, phần theo dõi cho vay - thu nợ - dư nợ dòng chữ “Tạm thời chưa thu nợ, thu lãi do HSSV đi nghĩa vụ quân sự”.
+ Sau khi kết thúc thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, người vay gửi ngay cho NHCSXH nơi cho vay bản sao có công chứng về giấy tờ chứng minh HSSV đã có thời gian phục vụ tại ngũ, cụ thể:
Trường hợp xuất ngũ, người vay gửi cho NHCSXH nơi cho vay Quyết định về việc quân nhân xuất ngũ. Căn cứ vào ngày nhập ngũ ghi trên Lệnh gọi nhập ngũ và ngày có hiệu lực của Quyết định về việc quân nhân xuất ngũ, NHCSXH nơi cho vay xác định thời gian phục vụ tại ngũ.
Trường hợp được tuyển dụng làm việc trong Bộ Quốc phòng hoặc chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp thì người vay gửi cho NHCSXH nơi cho vay Quyết định về việc tuyển dụng công nhân viên chức quốc phòng hoặc Quyết định về việc chuyển chế độ từ Hạ sĩ quan - binh sĩ sang chế độ Quân nhân chuyên nghiệp. Trường hợp này, người vay phải trả nợ, trả lãi ngân hàng tính từ thời điểm được tuyển dụng làm việc trong Bộ Quốc phòng hoặc được chuyển sang chế độ quân nhân chuyên nghiệp.
- Đối với những HSSV đã được kéo dài thời hạn trả nợ do đi nghĩa vụ quân sự, nếu trả nợ trước hạn, vẫn được thực hiện giảm lãi tiền vay theo quy định hiện hành.
Bạn đọc Phương Anh ở TP Hồ Chí Minh có câu hỏi: Lãi suất, phương thức và thời hạn cho vay đối với chương trình tín dụng NS&VSMTNT?
Phó Giám đốc Ban Tín dụng HSSV và các đối tượng chính sách khác: Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng quy định về việc điều chỉnh giảm lãi suất đối với một số chương trình tín dụng chính sách, lãi suất cho vay đối với chương trình tín dụng NS&VSMTNT tại NHCSXH hiện nay là 0,75%/tháng (9%/năm).
NHCSXH thực hiện cho vay đối với chương trình tín dụng NS&VSMTNT theo phương thức trực tiếp, có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Thời hạn cho vay chương trình tín dụng NS&VSMTNT được xác định căn cứ vào nguồn vốn và khả năng trả nợ của hộ vay để định kỳ hạn, nhưng tối đa thời hạn cho vay không quá 60 tháng, trong đó thời gian ân hạn là 6 tháng.
Bạn Duy Phú tại TP Hồ Chí Minh hỏi: Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho NHCSXH tăng trưởng dư nợ năm 2016 là 8%. Đề nghị NHCSXH cho biết nhiệm vụ cụ thể ngay từ đầu năm để giúp người nghèo có vốn kịp SXKD?
Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Nhiệm vụ của NHCSXH là bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc NHNN và Nghị quyết của HĐQT NHCSXH; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội; điều hành quyết liệt, tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp nhằm huy động nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Sau khi chúng tôi nhận được Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 của Thủ tướng, NHCSXH đã tham mưu cho HĐQT cân đối vốn cho các chương trình tín dụng chính sách, phân bổ chỉ tiêu, kế hoạch vốn kịp thời cho các địa phương để triển khai thực hiện ngay từ đầu năm.
Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ tập trung huy động các nguồn vốn, đảm bảo thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được giao, chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống tăng cường nhân lực hoàn thiện hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, kịp thời các chương trình tín dụng chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định.
Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động trong hệ thống NHCSXH, đảm bảo vốn, tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Nhóm PV thực hiện
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Thay đổi Ủy viên HĐQT NHCSXH
- » Hội nghị tổng kết công tác dân tộc, chính sách dân tộc nhiệm kỳ (2011 - 2015) và triển khai nhiệm vụ năm 2016
- » Trao quà hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo bị thiệt hại do mưa tuyết, giá rét
- » Tăng mức cho vay hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn
- » Thương nhân vùng khó khăn được vay NHCSXH đến 50 triệu đồng
- » Kịp thời bố trí vốn khắc phục hậu quả thiên tai
- » Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm, chúc Tết NHCSXH
- » Thư chúc mừng năm mới Bính Thân của Thống đốc NHNN
- » Hội đồng quản trị NHCSXH họp phiên thường kỳ Quý IV/2015
- » Rét đậm, rét hại gây thiệt hại gần 144 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách