Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Long
Clip: Tỉnh Vĩnh Long tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Tỉnh Vĩnh Long đã bổ sung nhiều chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn như: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn vốn quỹ ngày vì người nghèo chuyển sang NHCSXH; cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương không phải thế chấp tài sản…
Giai đoạn 2014 - 2024, nguồn ngân sách địa phương đã chuyển sang chi nhánh NHCSXH tỉnh tăng 17 lần so với trước khi Chỉ thị 40-CT/TW, để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn Trung ương và địa phương giao chi nhánh thực hiện quản lý đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 2.580 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm.
Trong 10 năm qua, chi nhánh đã hỗ trợ cho hơn 260 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với tổng số tiền đạt 6.514 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay 18 chương trình tín dụng chính sách đạt 3.827 tỷ đồng, tăng 2.562 tỷ đồng so với thời điểm năm 2014, với trên 101 nghìn hộ vay vốn còn dư nợ.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh: Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trong những trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo.
Nhờ đó, thời gian qua, số hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh từ 5,9% năm 2014 giảm xuống còn 0,42% năm 2023, đồng thời góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông thôn. Do đó, các cấp ủy, chính quyền phải xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh.
Các cấp ủy, chính quyền ưu tiên bố trí ngân sách đối ứng với nguồn tài chính tín dụng chính sách theo hướng tích hợp nguồn vốn đầu tư công các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030; tập trung nguồn vốn từ ngân sách tỉnh, nguồn vốn có tính chất từ thiện và nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác qua NHCSXH. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh chiếm 15% tổng nguồn vốn.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp chặt chẽ với chi nhánh NHCSXH tỉnh trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, ưu tiên bố trí ngân sách tỉnh ủy thác sang chi nhánh nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi, phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo.
Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị chi nhánh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, nâng cao đời sống người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Chi nhánh chủ động rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hiện hành để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động tín dụng chính sách xã hội với chủ trương đổi mới, mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho người nghèo và đối tượng chính sách khác, đặc biệt là đồng bào DTTS.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung đánh giá cao các kết quả đạt được của tỉnh Vĩnh Long trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW. Thời gian tới, tỉnh cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của tín dụng chính sách đối với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Để tín dụng chính sách xã hội là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Dịp này, Tỉnh ủy trao tặng Bằng khen cho 3 tập thể, 3 cá nhân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long trao tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW.
CTV Phạm Minh Tuấn/TTXVN
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tín dụng chính sách góp phần làm đổi thay quê hương Cách mạng Tây Ninh
- » Bến Tre “số hóa” hoạt động vốn tín dụng chính sách
- » Bài 3: Tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng bền vững
- » Bài 2: Không để ai bị bỏ lại phía sau
- » Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Thanh Hóa (Bài 1: Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân)
- » Tỉnh Nghệ An tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Nghệ An thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW