Tiết kiệm để vươn lên thoát nghèo
Chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Kỳ Anh vẫn có thể tham gia tiền gửi tiết kiệm hàng tháng, chương trình đặc biệt này đang được NHCSXH huyện triển khai có hiệu quả.
Thôn Châu Long, xã Kỳ Châu nhiều năm liền đói nghèo đeo bám người dân. Nguyên nhân có nhiều, trong đó một phần do người dân không có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ khi được tiếp cận với vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, cuộc sống của người dân đã thay đổi nhiều. Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Long được thành lập trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau giữa các hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống.
Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Long quản lý 48 tổ viên vay vốn 7 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 2.333 triệu đồng, các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ trả lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn. Bà Dương Thị Dung - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Long chia sẻ: “Trong những lần sinh hoạt tổ, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho bà con về ý nghĩa của nguồn vốn ưu đãi và việc tham gia gửi tiền tiết kiệm, qua đó, tạo thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có giúp mọi người có thể chủ động hơn trong cuộc sống. Gửi tiền tiết kiệm đã trở thành nề nếp trong hoạt động của tổ, có hộ mỗi tháng gửi đến 1 triệu đồng tiền tiết kiệm, còn theo quy ước của tổ là 50 nghìn đồng/tháng. Đến nay, tổng số tiền tiết kiệm của tổ đạt trên 233 triệu đồng. Tuy con số này không nhiều nhưng đã tạo được thói quen, ý thức, trách nhiệm của mọi người đối với bản thân cũng như quy định của tổ”.
Gia đình chị Vũ Thị Tương ở thôn Châu Long luôn thực hiện tốt nhiệm vụ trả lãi và gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Do điều kiện gia đình còn khó khăn, năm 2019, chị được chính quyền địa phương và NHCSXH huyện cho vay số tiền 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo. Với số vốn này đã tạo điều kiện cho gia đình vươn lên có cuộc sống ổn định. Nhờ chí thú làm ăn và chi tiêu tiết kiệm nên chị đã trả được 14 triệu đồng tiền gốc cho ngân hàng và hàng tháng, chị Tương còn tích lũy gửi tiết kiệm bình quân 100 nghìn đồng/tháng. Chị Tương cho biết, việc “tích tiểu thành đại” trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho gia đình trong việc trả nợ mỗi khi đến hạn.
Không riêng gì gia đình chị Tương, mà với ý thức dành dụm và tích lũy, 48 tổ viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Long do bà Dương Thị Dung làm Tổ trưởng cũng đã tham gia gửi tiền tiết kiệm.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Châu Trần Công An cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có 305 hộ còn dư nợ tại 8 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Với mức tiền gửi ít, không có ngân hàng nào chấp nhận cho người dân gửi tiết kiệm. Mới đầu, mọi người cũng băn khoăn sợ không có hiệu quả; nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng NHCSXH huyện, mỗi thành viên tại các tổ dần dần tích cực tham gia gửi tiền tiết kiệm, hiện nay, số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Kỳ Châu đạt 1.023 triệu đồng”.
Không chỉ ở xã Kỳ Châu mà đến nay, 100% xã trên địa bàn huyện Kỳ Anh đều thực hiện tốt chương trình gửi tiền tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Phúc Độ, xã Kỳ Thượng vay vốn 70 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo từ NHCSXH huyện cho biết: “Được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền và vận động, hướng dẫn, tôi đã tham gia gửi tiền tiết kiệm tại tổ với số tiền 150.000 đồng/tháng. Sau hơn 2 năm, tôi đã tiết kiệm được số tiền hơn 4 triệu đồng, nguồn vốn tiết kiệm sẽ giúp tôi giảm nhẹ gánh nặng trong việc trả nợ gốc và lãi”.
Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Anh Phạm Anh Đức cho biết: “Việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Để triển khai hiệu quả, NHCSXH huyện đã quán triệt mục đích huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo, nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính. Đồng thời, tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các Tổ tiết kiệm và vay vốn khác nhau, tùy theo quy ước ở các tổ nhưng tất cả đều phải được công khai với người dân. Với những nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ từ huyện đến các xã, thôn, chương trình huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo đã có những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, toàn huyện đã huy động được gần 33 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn”.
Có thể thấy, người dân đã từng bước tạo thói quen tiết kiệm gắn với trách nhiệm và hiệu quả sử dụng vốn, góp phần thực hiện ngày càng tốt mục tiêu mở rộng nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Thời gian tới, NHCSXH huyện sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách mới liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm; nhất là huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thường xuyên tuyên truyền rộng rãi đến người dân về các chương trình cho vay ưu đãi, tổ chức tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao trách nhiệm, năng lực cán bộ lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác cấp xã nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.
Bài và ảnh Hương Giang
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tạo lực đẩy giúp đồng bào DTTS phát triển
- » Phát huy vai trò của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trong hoạt động tín dụng chính sách
- » Nguồn vốn ưu đãi giúp nông dân có việc làm, tăng thu nhập
- » Nguồn vốn giúp làm lại cuộc đời
- » Nhân văn chính sách cho người lầm lỗi
- » Nghệ An thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách theo Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Giảm nghèo bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Đổi thay nơi miền núi cao Sơn La
- » Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Vốn tín dụng chính sách đã đến gần với dân