Thân thương những “chiến sỹ áo hồng”!
Bất ngờ nhưng không bị động
“Gần 40 năm ở đây chưa có trận lũ nào kinh khủng đến thế!” - những người dân ở xã Pả Vi, huyện vùng cao Mèo Vạc thốt lên khi chứng kiến đợt mưa lũ xối xả vào trung tuần đầu tháng 6 vừa qua ập đến.
Đối với chúng tôi, những thành viên tham gia Đoàn công tác được NHCSXH Trung ương bố trí đi cơ sở lấy thông tin, hình ảnh do anh Nguyễn Việt Hải dẫn đầu, vẫn thất kinh mỗi khi nhớ lại giây phút sinh tử hôm chiều muộn 9/6, khi xe của đoàn trượt bánh, mấp mé bờ vực.
Thường xuyên liên tục cập nhật thời tiết, cảnh báo thiên tai qua các bản tin thời tiết của VTV, dù biết Mèo Vạc hôm ấy có mưa nhưng phần vì công việc, đến thời điểm phải kết thúc các bước thu thập thông tin, dữ liệu hình ảnh; phần vì không ai nghĩ có mưa lũ lại xảy ra nhanh đến vậy; nên chúng tôi vẫn quyết tâm hoàn thành nốt hành trình.
Mới 9 giờ sáng đi trên tuyến đường chính xuống sông Nho Quế, vào 3 xã biên giới Thượng Phùng, Xín Cái và Sơn Vĩ, ai nấy đều xuýt xoa với vẻ đẹp hùng vĩ, huyền ảo đầy thơ mộng của sông, núi, trời mây. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau trận mưa lớn không ngớt, toàn bộ con đường đã trở nên một đống hỗn độn, bị chia cắt do lượng đất, đá sạt lở từ núi xuống; khe suối ngập sâu trong nước, đục ngầu cuồn cuộn chảy; những khóm ngô mọc xen trong hốc đá cũng bất lực đổ rạp trước dòng lũ, đất đá không ngừng rơi xuống từ trên núi cao.
Quả là “nhất thủy, nhì hỏa”!
Nhưng trong nguy nan ấy, đã xuất hiện những hình ảnh đầy quả cảm, xúc động và thật đáng ngưỡng mộ. Đó là một Việt Hải bình tĩnh đến lạnh lùng khi trước mặt đối diện với dòng nước lũ đang cuồn cuộn trên cao đổ về và phía sau lưng là vực sâu, Việt Hải đã phối hợp chặt chẽ với các cá nhân, cơ quan, chính quyền địa phương tìm cách thoát nguy cho Đoàn. Là nữ cán bộ hành chính của chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang, Bùi Thị Liên xông pha, lại có chút thâm niên kinh nghiệm xử lý mưa lũ ở miền núi cũng không nề hà bất cứ khó khăn nào. Là một Phùng Minh Thóc - Giám đốc NHCSXH huyện Mèo Vạc quần xắn móng lợn liên tục điện thoại, tìm mọi cách liên lạc cứu hộ.
Hay bác tài Vũ Hoàng Giang đầy trách nhiệm; thầy giáo Chân - người đầu tiên đưa chúng tôi ra khỏi cơn hoảng loạn, bình tĩnh rút ra khỏi xe bằng cửa hậu an toàn và cũng là người lái chiếc xe tải của mình vượt qua khe suối, kéo xe chúng tôi khỏi mép vực; các anh công nhân ở công trường Pả Vi; những đồng nghiệp dũng cảm, chuyên nghiệp Lan Anh, “song” Việt, Huỳnh Cường (VTV, TTXVN); nhất là Huỳnh Cường - phóng viên VTV nhỏ tuổi nhất đoàn nhưng cũng nhanh tay, nhanh mắt nhất khi kịp thời quay được hình ảnh Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường - Đội CSGT-TT, Công an huyện Mèo Vạc lao vào nước xiết cứu đồng bào đang bị lũ cuốn…
Còn có cả “anh nuôi” tên Hậu, rồi Phó Giám đốc NHCSXH huyện Mèo Vạc Sùng Thị Thà và những cán bộ áo hồng “dạn dày” kinh nghiệm với miền núi của NHCSXH tỉnh Hà Giang như Phó Giám đốc Vũ Tuấn Anh,… luôn gần gũi, động viên, chăm chút từng bữa ăn nóng hổi, sát cánh cùng chúng tôi đến khi ai nấy bình an. Chúng tôi bất ngờ bởi lũ nhưng không hề bị động khi có các anh chị ở bên!
Clip: Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường - Đội CSGT-TT, Công an huyện Mèo Vạc lao vào nước xiết cứu đồng bào đang bị lũ cuốn, do phóng viên VTV Huỳnh Cường thực hiện, được phát sóng trong Chuyên mục hình ảnh từ cuộc sống Thời sự 19h40 - VTV1 ngày 10/6/2024
Làm sâu sắc hơn tính nhân văn của chế độ
Những hành động cao cả của các lực lượng chức năng và NHCSXH tham gia chống lũ ở Mèo Vạc hôm ấy đã khiến hàng triệu người trên cả nước xúc động. Bên cạnh đó, sự dũng cảm, tận tâm, tận lực hỗ trợ người dân trong giảm nghèo, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của các cán bộ NHCSXH huyện Mèo Vạc đã làm sâu sắc hơn tính nhân văn của chế độ; gắn kết tình cảm của đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang nói chung và Mèo Vạc nói riêng với Đảng, Nhà nước; tạo thành khối đại đoàn kết - nền tảng để xây dựng và bảo vệ vùng biên Tổ quốc.
Với sứ mệnh hướng về người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau, NHCSXH huyện Mèo Vạc đã kiên trì bám trụ, chuyển tải kịp thời nguồn vốn của Chính phủ đến tận tay đồng bào Tày, Lô Lô, Pu Péo, Hoa, Hán.
Đến 31/5/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách ở Mèo Vạc đạt 465 tỷ đồng, tăng hơn 294 tỷ đồng so với năm 2014, với 8.921 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Bình quân một hộ dư nợ đạt 52 triệu đồng, tăng 34,2 triệu đồng so với năm 2014. Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm đạt 452,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 97,3%/tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt hơn 12,6 tỷ đồng, chiếm 2,7%/tổng dư nợ.
Chính sự kiên trì, quyết liệt của các cán bộ áo hồng đã khơi dậy khát vọng phát triển cho đồng bào DTTS, nhất là thanh niên. Các anh chị đã kịp thời mang nguồn vốn ưu đãi của Đảng, Chính phủ hỗ trợ chi phí, giảm gánh nặng khó khăn về tài chính để không một HSSV nào phải bỏ học. Đồng thời, khơi dậy những khát khao thoát nghèo của những chàng trai, cô gái Lô Lô; tiếp sức để đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và bảo vệ giá trị văn hóa ẩn trong các nghề truyền thống của dân tộc mình.
Các chương trình tín dụng chính sách linh hoạt cũng đã làm giảm thiểu sự hoành hành của nạn “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, góp phần ổn định trật tự xã hội và sự an toàn của người dân. Việc giúp đồng bào mau chóng tiếp cận với nguồn vốn của tín dụng chính sách đã tạo niềm tin, sự yên tâm cho người dân, giúp họ vơi đi những lo âu trước mắt, ổn định cuộc sống và có của ăn, của để.
Thái Bình
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Lan tỏa từ chủ trương của Đảng
- » Nông dân Quảng Ngãi thoát nghèo từ vốn tín dụng chính sách
- » Tây Ninh thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai
- » Dấu ấn tín dụng chính sách tại Đắk Nông
- » Tăng cường triển khai thực hiện cho vay nhà ở xã hội
- » Tạo sinh kế cho người lầm lỗi