Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội
Đột phá từ cách làm
Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên. Nhờ vậy, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Theo Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Dương Võ Văn Đức, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Đảng đoàn, HĐND và UBND tỉnh ban hành chỉ thị triển khai thực hiện. Ngoài ra, tại các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm, Tỉnh ủy đều lồng ghép nội dung, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW để chỉ đạo cấp ủy, chính quyền thực hiện cho phù hợp. Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, hàng năm, UBND tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo và hộ thoát nghèo để trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt kết quả điều tra. Đây là căn cứ để thực hiện các chế độ chính sách đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo và cũng là cơ sở để chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện cho vay. Đối tượng vay vốn tín dụng chính sách được các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét công khai có sự chứng kiến của trưởng khu, ấp và được UBND cấp xã xác nhận; từ đó việc cho vay bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng và có sự giám sát của người dân, chính quyền cơ sở trên địa bàn.
Chủ động thực hiện
Nhằm thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của Trung ương, hàng năm, UBND tỉnh và UBND các địa phương đều dành một phần vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh đạt 4.717 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt gần 1.968 tỷ đồng (chiếm 42% tổng nguồn vốn), tăng gần 1.904 tỷ đồng (tăng gần 30 lần) so với thời điểm ngày 31/12/2014.
“Thời gian qua, nguồn vốn cho vay không ngừng tăng và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với trước kia”, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Võ Văn Đức cho biết thêm.
Hộ gia đình bà Phạm Thị Hồng ở huyện Bắc Tân Uyên là một trong những gia đình được vay vốn từ nguồn vốn vay NHCSXH để phát triển kinh tế. Trước đây, gia đình bà Hồng thuộc hộ nghèo gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn để phát triển kinh tế. Nhờ sự tư vấn, giúp đỡ của chính quyền địa phương, năm 2018 gia đình bà Hồng được vay số tiền 20 triệu đồng từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện. Với số vốn được vay cộng thêm ít vốn tích lũy, gia đình bà Hồng đã tập trung đầu tư vào buôn bán. Sau thời gian cố gắng chịu khó làm ăn, nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả, giúp gia đình bà thoát khỏi khó khăn để ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã giúp hàng chục nghìn hộ trên địa bàn tỉnh Bình Dương thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế của tỉnh.
Bài và ảnh Tường Vy
Các tin bài khác
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tạo đột phá trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội
- » Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở Tuần Giáo
- » Hà Giang phát huy vai trò của Đảng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội
- » Tín dụng chính sách - Giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hưng Yên
- » Giảm nghèo từ phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách nỗ lực “không để ai bị bỏ lại phía sau”
- » Hiệu quả từ nguồn vốn cho vay theo Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Tiết kiệm để vươn lên thoát nghèo
- » Tạo lực đẩy giúp đồng bào DTTS phát triển