Chính vì vậy, để động viên 65% lực lượng lao động của ngành, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam (NHVN) đã tổ chức biểu dương nữ cán bộ công nhân viên lao động tiêu biểu năm 2009.
Thu hẹp phân biệt giới trong công tác
Phó Chủ tịch Công đoàn NHVN Phạm Phương Lan cho biết, thực tế những năm qua, trong mọi hoạt động và phát triển của ngành ngân hàng, không thể không ghi nhận sự tham gia đóng góp tích cực và to lớn của phụ nữ, nhất là trong giai đoạn thực hiện sự nghiệp đổi mới.
Nhận thấy rõ vị trí và tầm quan trọng của công tác cán bộ nữ, lãnh đạo ngành đã có nhiều chủ trương, biện pháp thực hiện đưa chất lượng đội ngũ lao động nữ có bước phát triển mới, nhiều chị em được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tay nghề giỏi.
Công tác tuyển dụng, quy hoạch, lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý, thực hiện quyền bình đẳng trong việc thực hiện chính sách đối với cán bộ nữ thường xuyên được các cấp lãnh đạo trong ngành quan tâm.
Sự phân biệt về giới trong công tác cán bộ ngày càng thu hẹp. Vai trò và vị trí của phụ nữ ngân hàng được nâng cao và tạo sự bình đẳng với nam giới trong việc đóng góp công sức lao động và ứng dụng các thành quả lao động sáng tạo đã giúp chị em ngày càng khẳng định và phát huy tiềm năng, trí tuệ trên các lĩnh vực hoạt động.
Chị Hà Thị Hạnh - Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam đã chỉ đạo điều hành đơn vị từng bước trở thành lực lượng kinh tế hữu hiệu góp phần ổn định chính trị, xã hội của đất nước. Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã đến với 100% số xã trong cả nước. Vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần giúp hàng triệu hộ thoát nghèo, tạo việc làm mới cho gần 2 triệu lao động,…
Chị Phạm Thị Thuý Kiều - Giám đốc NHTMCP Ngoại thương Quảng Ngãi, với 24 năm kinh nghiệm công tác đã mạnh dạn đề xuất có chính sách ưu đãi giảm lãi suất vay cao kịp thời để chia sẻ với khách hàng của mình. Đến nay, chính sách này được áp dụng trên phạm vi toàn hệ thống. Trong toàn ngành, còn rất nhiều những cái tên của phái yếu làm nên thành tích lớn như Lê Thị Mai - Giám đốc NHĐT&PT Hà Nam, Huỳnh Thị Nhân - Giám đốc NHNo&PTNT Đồng Nai,…
Cụ thể hoá phong trào của Công đoàn
Từ những chủ trương của ngành trong công tác nữ, tổ chức Công đoàn đã cụ thể hoá, xây dựng các phong trào thi đua thiết thực tạo cơ sở để lực lượng lao động nữ phấn đấu. Đặc biệt, các phong trào thi đua trong nữ công nhân viên chức lao động do Tổng LĐLĐ và Hội LHPN phát động đã được triển khai sâu rộng trong nữ công nhân viên chức lao động toàn ngành.
Thông qua phong trào “Giỏi việc ngân hàng - Đảm việc nhà”, gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Ban chấp hành Công đoàn các cấp chỉ đạo Ban nữ công xây dựng nội dung thi đua cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn và tổ chức triển khai, theo dõi các phong trào, động viên khích lệ chị em rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để vừa lao động giỏi, vừa xây dựng gia đình hạnh phúc.
Có những người như chị Vũ Thị Vân - NHNo&PTNT Nam Định có 2 con trai đều giành giải cao môn toán. Con trai chị Nhữ Thị Thảo - NHTMCP Công thương Thái Nguyên từng đoạt giải Nhất Olympic tiếng Pháp, hiện là sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội.
Chị Trần Thị Ngọc Dung - Ngân hàng PT Nhà ĐBSCL có 2 con trai, không may các cháu bị khiếm thính nặng, nhưng lại học rất giỏi. Cháu lớn hiện đang học năm thứ tư Đại học Bách khoa TP. HCM, cháu nhỏ học lớp 12 được xếp vào lớp giỏi nâng cao của trường,…
Các chị phấn đấu cho công việc, nhưng vẫn không quên vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, sắp xếp thời gian để chăm sóc, dạy con học hành. Và, chính thành tích của con cái, hạnh phúc của gia đình là nguồn động viên quan trọng, không thể thiếu đối với mỗi chị.
Điều quan trọng là các nội dung hoạt động được Ban nữ công các cấp đưa vào chương trình công tác hàng năm, lựa chọn các điển hình tiêu biểu trong nữ công nhân viên chức lao động để tuyên truyền, biểu dương.
L.Nguyên