Mang vốn ưu đãi ra đảo tiền tiêu
Vốn ưu đãi “chắp cánh” cho nhiều mô hình sản xuất
Gia đình chị Lê Thị Ngọc Lâm là một trong những người dân đầu tiên ra Thổ Châu sinh sống, lập nghiệp. Chị Lâm kể, do nằm cách xa đất liền, giao thông đi lại khó khăn, 5 ngày mới có một chuyến tàu khách từ Phú Quốc ra đảo (tàu Thổ Châu 9), bà con có nhu cầu sử dụng vốn phải vay cá nhân, lãi suất cao. Chỗ ít thì cũng 100 nghìn tiền lãi cho một tháng với 1 triệu đồng tiền vay. Nhưng gần 15 năm nay, tháng nào NHCSXH TP Phú Quốc cũng ra tận đảo phục vụ bà con trong các phiên giao dịch hàng tháng. Nhờ vậy, bà con trên đảo được tiếp cận nguồn vốn chính sách lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản gọn nhẹ, được phục vụ ngay tại nơi sinh sống, không mất công, mất thời gian đi vào thành phố.
Lấy chồng bộ đội đóng quân tại Thổ Châu, chị Nguyễn Thị Hoa theo chồng ra xã đảo lập nghiệp. Cuộc sống ở xã hải đảo tiền tiêu khó khăn, thiếu thốn đủ đường nhưng bù lại ấm áp tình người. Vốn bản tính chẳng ngại khó khăn, gian khổ của người con gái quê biển miền Trung, chị Hoa gom vốn, vay mượn bạn bè để kinh doanh buôn bán hải sản khô. Tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ xã, năm 2021, chị Hoa được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Số tiền với lãi suất thấp được chị Hoa đầu tư mua ngay mực, tôm về phơi khô chờ được giá. Theo chị Hoa, chỉ có vay vốn NHCSXH mới hợp với người dân ở đây, lãi thấp, thủ tục đơn giản, không phải thế chấp tài sản, đã thế chỉ việc yên tâm ở đảo làm ăn, hàng tháng cán bộ ngân hàng từ Phú Quốc ra tận nơi giải ngân vốn, thu lãi, hết sức thuận tiện.
Hiện tại với nguồn vốn gia đình tích cóp và khoản vay vốn NHCSXH 40 triệu đồng, chị Hoa đầu tư vào kinh doanh, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, chị cũng thu về 10 triệu đồng. Từ chỗ là khách hàng vay vốn, nhờ biết cách làm ăn lại cũng chịu khó tìm hiểu, chị Nguyễn Thị Hoa được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn, góp phần đem nguồn vốn chính sách tới tận tay những người dân trên đảo.
Cũng ở xã đảo Thổ Châu này, chị Nguyễn Thị Hằng ở ấp Bãi Ngự không chỉ vay vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư nuôi cá lồng bè, mà còn vay cả vốn để làm công trình nước sạch và vệ sinh. Khi cô con gái thứ 2 nhận được giấy báo trúng tuyến đại học ở TP Hồ Chí Minh, đang không biết xoay đâu ra tiền cho con đi học thì chị Hằng được cán bộ tín dụng của NHCSXH phổ biến về chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn. “Nếu không có nguồn vốn lãi suất ưu đãi này, gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, nuôi con học hành”, chị Hằng tâm sự.
Khắc phục mọi khó khăn để mang vốn cho bà con vay
Hiện nay, xã Thổ Châu có 5 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 285 hộ vay, dư nợ là 10.362 triệu đồng. Phó Giám đốc NHCSXH TP Phú Quốc Nguyễn Thị Ngọc Huyền cho biết: Ở xã Thổ Châu đang thực hiện 5 chương trình tín dụng là: Hộ nghèo; hộ cận nghèo; HSSV có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo về nhà ở; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm và nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trong đó, dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm là 7.538 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 72,75% tổng dư nợ.
Hằng tháng, vào ngày 20 là các cán bộ tín dụng lại có mặt tại Thổ Châu để giúp bà con thuận lợi trong giao dịch ngân hàng. Cách Phú Quốc 67 hải lý, bình thường, biển lặng trời êm, từ Phú Quốc mất 5h để ra tới Thổ Châu. Hôm nào sóng to, gió lớn thì lênh đênh trên biển 8 - 9h là chuyện bình thường. Thậm chí có lúc thời tiết xấu, tàu ra đảo không quay về theo đúng lịch, cán bộ ngân hàng phải ăn ở trên đảo vài ngày cho đến cả tuần. Phiên giao dịch tại xã Thổ Châu được thực hiện từ 16h30 - 17h30 ngày 20 hằng tháng. Và dù lịch đi tàu từ Phú Quốc ra Thổ Châu và quay về là 3 ngày nhưng các cán bộ tín dụng luôn trong tư thế sẵn sàng giải ngân bởi có khi tàu vừa ra đảo vài tiếng sau đã phải quay về vì có ca bệnh cấp cứu.
Với người bình thường, khỏe mạnh đi tàu đã mệt thì với chị em phụ nữ say sóng, mỗi chuyến đi ra đảo là cả một thử thách. Thế nhưng chưa tháng nào, cán bộ tín dụng của NHCSXH TP Phú Quốc bỏ một phiên giao dịch xã tại Thổ Châu, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi vất vả để mang vốn Chính phủ đầy đủ cho bà con xã đảo, góp phần thay đổi bộ mặt của xã đảo tiền tiêu.
Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Hồ Thị Giao Ha đánh giá: Với một địa phương ở xa, việc làm không ổn định, thu nhập không đảm bảo, nhờ nguồn vốn chính sách những năm qua mà bà con có công ăn việc làm, bám trụ tại đảo, đa số các em HSSV vay vốn ra trường có việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt 33 triệu đồng/năm. Đời sống của nhân dân cơ bản được ổn định và nâng lên, hộ giàu, khá được nâng lên, hộ nghèo ngày một giảm, không còn hộ đói, nhà ở kiên cố và bán kiên cố chiếm 70%.
Sau 30 năm thành lập (1993 - 2023), xã Thổ Châu đang từng bước phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò xã đảo tiền tiêu trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Bài và ảnh Trần Thị Thu Trang
Các tin bài khác
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » NHCSXH tạm dừng thu lãi hộ vay bị thiệt hại do bão, đề xuất bổ sung 4.900 tỷ đồng tín dụng chính sách
- » Hỗ trợ làm nhà tái định cư cho các hộ dân ở Cao Bằng bị thiệt hại do mưa lũ
- » Hỗ trợ tỉnh Lào Cai 1 tỷ đồng làm nhà tái định cư cho người dân bị thiên tai
- » NHCSXH trao 1 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Yên Bái làm nhà tái định cư cho người dân
- » Điều kiện quan trọng để thực hiện giảm nghèo
- » Giảm nghèo từ vốn chính sách ở Tây Giang
- » Ban hành Nghị quyết về khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh