
Kỳ 2 - Bắc nhịp cầu “xanh” đưa chính sách nhân văn vào cuộc sống
Hơn 300 người hoàn lương được tiếp sức từ nguồn tín dụng nhân văn
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An, các khách hàng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi này đã thực hiện đúng cam kết, kế hoạch sử dụng nguồn vốn trong hồ sơ vay vốn được phê duyệt. Các mô hình sản xuất, kinh doanh của khách hàng đã bước đầu phát huy hiệu quả khả quan.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An Hoàng Sơn Lam cho biết: Kết quả trên, ngoài nỗ lực của NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, sự cố gắng, nỗ lực của chính người vay, không thể không nhắc tới công tác phối hợp triển khai của ngành công an. Lực lượng công an là người nắm rõ, sát, cụ thể, đánh giá khách quan về ý thức chấp hành pháp luật cũng như ý chí vươn lên của người chấp hành xong án phạt tù, làm căn cứ quan trọng để bình xét đối tượng được vay vốn. Cùng với Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền các địa phương, lực lượng công an đã góp phần quan trọng đưa chính sách tín dụng nhân văn này sớm đi vào cuộc sống. Đây cũng là lực lượng giúp NHCSXH sàng lọc, qua đó ngăn ngừa, giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình triển khai Quyết định số 22.
Để triển khai hiệu quả chương trình tín dụng này, Công an tỉnh Nghệ An và công an các cấp đã có văn bản hướng dẫn, giao nhiệm vụ cụ thể cho công an các xã - lực lượng trực tiếp quản lý người chấp hành xong án phạt tù tại địa phương. Lãnh đạo Công an tỉnh yêu cầu, trong quá trình triển khai Quyết định số 22, công an các cấp phải đặt lợi ích cộng đồng và tính nhân văn, nhân ái của chính sách lên hàng đầu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nể nang, sợ trách nhiệm.
Theo thống kê của Công an xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, đến cuối tháng 12/2024, đơn vị đang quản lý 15 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thuộc đối tượng được vay vốn. Mặc dù công tác tuyên truyền đã được triển khai đồng bộ đến người chấp hành án từ cơ sở giam giữ đến khi trở về địa phương, nhưng với tâm lý sợ mang nợ, không phải ai cũng “dám” vay.
Theo quy định, người chấp hành xong án phạt tù là đối tượng được vay vốn nhưng đại diện hộ gia đình của họ đứng tên vay và giao dịch với NHCSXH. Thực tế, không ít người khi vướng vào tù tội đã khiến người thân, gia đình mất dần lòng tin. Do đó, tâm lý sợ trách nhiệm, liên lụy từ phía gia đình người từng lầm lỗi vẫn còn.
“Sau quá trình tuyên truyền, tư vấn, định hướng phát triển kinh tế của công an xã và các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xóm, các tổ chức đoàn thể địa phương, có 4 trường hợp làm hồ sơ vay và đều được giải ngân khoản vay 100 triệu đồng/hồ sơ. Đến nay, các trường hợp kể trên đều phát huy tốt hiệu quả đồng vốn, có trường hợp thu nhập 20 triệu đồng/tháng, có mô hình còn tạo việc làm với mức lương khá cho 6 lao động ở địa phương”, Thượng úy Nguyễn Hoàng Chung - cán bộ Công an xã Nghi Lâm cho biết.
Điểm tựa màu xanh
Thiếu tá Đặng Thanh Hòa - Trưởng Công an xã Lăng Thành, huyện Yên Thành cho biết: Theo hướng dẫn, công an cấp xã có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chính sách tín dụng theo Quyết định số 22; tổ chức rà soát cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chuyển NHCSXH giải ngân…
Công an cấp xã tham mưu UBND cùng cấp xác nhận đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách tín dụng theo quy định; tổ chức giám sát quá trình sử dụng vốn, kịp thời phát hiện trường hợp có khả năng bị thất thoát vốn, sử dụng sai mục đích số tiền được vay hay có ý định trục lợi… để đề xuất biện pháp, hình thức xử lý.
Thiếu tá Đặng Thanh Hòa chia sẻ: “Là lực lượng nắm rõ nhất, sát nhất về những người chấp hành xong án tù trở về địa phương, chúng tôi chủ động phân loại, đánh giá cụ thể từng trường hợp về ý thức chấp hành pháp luật, xem xét họ có động lực và quyết tâm làm lại cuộc đời hay không. Đồng thời, công an xã phải dự báo được các nguy cơ tái phạm tội của họ trước khi tham mưu cho UBND xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn đánh giá phương án sản xuất, phê duyệt hồ sơ vay vốn. Chính sách ưu đãi này chỉ thực sự phát huy được ý nghĩa to lớn và hiệu quả khi nguồn vốn giải ngân đúng đối tượng. Bởi vậy, công an cấp xã, với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngoài hỗ trợ những người đủ điều kiện được vay, phải ngăn chặn việc trục lợi chính sách từ một bộ phận trường hợp mang tiền án nhưng siêng ăn, nhác làm, không muốn hoàn lương…”.
Cũng như các chương trình cho vay khác của NHCSXH, nguồn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 22 cũng được triển khai thông qua các đơn vị ủy thác. Tuy nhiên, với một chương trình tín dụng mới, người vay đặc thù, trong quá trình triển khai không tránh khỏi những băn khoăn, nghi ngại của các thành viên đơn vị ủy thác.
Ông Văn Sỹ Hùng - Thường trực Hội Cựu chiến binh xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc chia sẻ: “Chúng tôi chưa từng triển khai chương trình vay vốn cho người đi tù về, nên ban đầu có nhiều băn khoăn. Sự đánh giá, sàng lọc ban đầu của công an xã là một trong những căn cứ quan trọng để đơn vị ủy thác như chúng tôi yên tâm khi thẩm định, xét duyệt hồ sơ đề nghị vay vốn”.
Tháng 7/2024, anh Trần Xuân P., sinh năm 1984, ở xóm 1, xã Nghi Phương hoàn thành bản án 4 tháng tù giam về tội đánh bạc. Để khôi phục nghề chăn nuôi trâu bò, anh P. gặp khó về nguồn vốn. Anh P. đi vay nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu nghi ngại từ những người khác. Chỉ một người anh em họ cho anh P. vay 20 triệu đồng, nhưng số tiền này không đủ để mua một con trâu. Khi đang bế tắc, anh P. được công an xã mời lên, thông tin về chương trình vay vốn này.
Chỉ sau thời gian ngắn chờ thẩm định hồ sơ, anh P. đã được NHCSXH giải ngân 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng theo Quyết định số 22. Cùng 20 triệu đồng vay mượn người thân trước đó, anh P. mua 6 con trâu, bò về nuôi vỗ béo. Bò đủ điều kiện xuất bán, anh P. xẻ thịt, bán ra thị trường. Tiền lãi từ việc trực tiếp xẻ thịt bán thay vì qua trung gian giúp anh đảm bảo một phần chi tiêu trong cuộc sống và phát triển đàn gia súc.
“Với người đi tù về như chúng tôi, vay anh em còn khó, nay được Nhà nước cho vay 100 triệu đồng lãi suất thấp, thời hạn trả đến 10 năm, phải nói là hết sức vui mừng, sung sướng. Theo quy định phải đến năm 2034 tôi mới phải trả khoản nợ này nhưng tôi đang tính toán mỗi năm cố gắng trả 30 triệu đồng, để ngân hàng có nguồn vốn cho những người khác được vay đồng vốn ý nghĩa này”, anh P. chia sẻ.
Tương tự, nguồn vốn theo Quyết định số 22 giúp anh Huỳnh Trung T., sinh năm 1989, ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp vững vàng hơn trên con đường làm lại cuộc đời. Người đàn ông từng mang trên mình bản án 12 năm tù về tội giết người thành thật cho biết, thời điểm chuẩn bị mãn hạn tù, trong anh là sự vui mừng được trở về, nhưng đồng thời cũng đối diện với nhiều nỗi lo. Anh sợ mọi người xa lánh, sợ không biết làm gì để sống khi bản thân đã cách ly với đời sống xã hội quãng thời gian dài.
Quyết định số 22 như chiếc cọc neo anh T. lại khi đang chới với giữa dòng nước xiết. Từ sự động viên, hỗ trợ của công an xã và chính quyền địa phương, anh T. làm hồ sơ và được giải ngân 100 triệu đồng. Số tiền này anh mua cây keo giống, tận dụng khu đồi để hoang của bố mẹ để trồng. Cùng sự hỗ trợ của gia đình, anh vừa chăm sóc vườn cây, vừa đi lái xe thuê, mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng.
“Nhiều khi đứng giữa khu đồi keo rộng lớn đã phủ một màu xanh tràn đầy sức sống, tôi thấy mình may mắn trở về đúng thời điểm Quyết định số 22 được ban hành. Những người từng mang án như chúng tôi không bị bỏ rơi, không lạc lõng khi trở về, mà đã được tiếp thêm niềm tin, thêm động lực để làm lại cuộc đời, phấn đấu trở thành một công dân có ích”, anh T. chia sẻ.
Bài và ảnh Hoàng Lam - Thanh Hòa - Patrick Nguyễn/Báo Dân trí
Các tin bài khác
- » Điểm tựa giúp người lầm lỗi “tái sinh” cuộc đời (Kỳ 1 - Ánh sáng cuộc đời phía sau “bóng tối” quá khứ)
- » Đổi thay rạng rỡ trên hòn đảo tiền tiêu
- » Chỉ thị số 39-CT/TW: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
- » Cặp lá yêu thương - nơi vun đắp hạnh phúc cho con trẻ
- » Tín dụng chính sách tô đậm tính nhân văn trên quê hương Đức Phổ anh hùng
- » Quảng Ngãi triển khai hoạt động tín dụng chính sách năm 2025
- » Tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn
- » Sáng tình Đảng, ấm lòng dân
- » Nhiều nông dân ở Đà Nẵng “đổi đời” nhờ nguồn vốn ưu đãi
- » Chính sách tín dụng tạo sức bật giảm nghèo