Khi chỉ thị của Đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Ba Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
Bài 2: “Trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo
Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo
Đưa chúng tôi đi thăm vườn cây ăn trái rộng 5ha ở thôn Ea Mkeng, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), ông Trần Công Cung không giấu vẻ tự hào. Cựu chiến binh sinh năm 1964 này cho biết: Quê tôi ở Nghệ An. Sau khi rời quân ngũ, tôi đưa cả nhà đến vùng đất Ea Bar lập nghiệp. Thời điểm đó, khu vực này chưa có đường nhựa, việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không lùi bước trước gian khó, tôi cùng gia đình bắt tay vào khai hoang, sản xuất. Lúc này, những đồng vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã trở thành bệ đỡ giúp tôi phát triển kinh tế gia đình.
Ông Cung còn nhớ, năm 2007, gia đình ông được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Sông Hinh giải ngân cho vay 20 triệu đồng vốn hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để đầu tư trồng và chăm sóc cây cao su. Làm ăn hiệu quả, sau khi trả hết nợ, gia đình tiếp tục được ngân hàng tạo điều kiện cho vay lại, rồi vay mới chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm.
“Cơn bão năm 2017 quét qua huyện miền núi Sông Hinh làm cao su đổ ngã, gây rất nhiều thiệt hại. Không nản lòng, gia đình tiếp tục vay vốn tín dụng chính sách tìm hướng đi mới. Hiện trên diện tích 5ha, chúng tôi trồng sầu riêng, tiêu, vải, dừa, lúa và đào ao nuôi cá. Nhờ sự góp sức của ngân hàng, kinh tế gia đình tôi mới có được như hôm nay”, ông Cung chia sẻ.
Tại thôn Phú Cần (xã An Thọ, huyện Tuy An), gia đình chị Lê Thị Hồng Hải cũng từng bước thoát nghèo nhờ vốn tín dụng chính sách. Theo chị Hải, trước kia, hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn. Sống ở vùng bán sơn địa, cũng như nhiều người dân địa phương, kinh tế gia đình chị phụ thuộc vào việc làm ruộng, rẫy. Vì không có vốn để phát triển sản xuất nên một thời gian dài, họ luôn trong cảnh túng bấn. Đến khi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tuy An cho vay vốn nuôi bò, gia đình chị Hải mới bắt đầu có tích lũy.
“Với 50 triệu đồng tiền vay, tôi mua 1 cặp bò về nuôi. Bò đực thì nuôi theo hình thức vỗ béo, vài tháng có thể bán để trang trải chi phí sinh hoạt và tái đầu tư; còn bò cái để sinh sản. Với cách làm này, sau vài năm, gia đình không những có tiền trả nợ đúng hạn cho ngân hàng mà còn lời được bê con. Chúng tôi xem đây là “của để dành”, tạo động lực để tiếp tục vươn lên”, chị Hải cho hay.
Không riêng hộ ông Cung hay gia đình chị Hải, từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, bình quân mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có trên 34.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đi xuất khẩu lao động; có nguồn vốn để hỗ trợ học sinh sinh viên học tập; xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nhà… Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân 2%/năm, giai đoạn 2011-2015 từ 19,46% xuống 9,73%, giai đoạn 2016-2021 từ 12,62% xuống 2,96%, giai đoạn 2022-2025 từ 4,92% xuống 3,22% (năm 2024).
Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết: Nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo NHCSXH Phú Yên cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, triển khai lồng ghép chương trình tín dụng chính sách với các chương trình và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Qua đó giúp hộ vay biết cách ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm và nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng
Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gồm hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và đoàn thanh niên. Qua đó tập hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến với hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Hội LHPN Phú Yên là tổ chức chính trị - xã hội quản lý nguồn vốn ủy thác cao nhất tỉnh, với dư nợ 2.232 tỷ đồng, chiếm hơn 48% tổng vốn ủy thác. “Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, tạo điều kiện, hỗ trợ hộ gia đình phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay thuận lợi, giúp chị em phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đẩy lùi “tín dụng đen”, góp phần vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bèn vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội Liên hieep phụ nữ tỉnh cho biết.
Cũng theo bà Binh, thông qua nguồn vốn ủy thác, hội tập hợp, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hội viên, giúp hội viên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, hội còn có thêm điều kiện củng cố tổ chức, hướng các hoạt động của hội gần dân, sát dân, thiết thực hiệu quả hơn, qua đó củng cố niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước.
Gia đình chị Văn Thị Chiến ở thôn Sơn Thọ, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) là một minh chứng. Chị Chiến cho biết nhà chị ở nông thôn, có đất sản xuất nhưng không có vốn nên trước đây, kinh tế gia đình phụ thuộc vào làm nông, thu nhập rất bấp bênh. Từ ngày được cán bộ Hội Phụ nữ tuyên truyền, hướng dẫn vay vốn tín dụng chính sách, gia đình chị có điều kiện phát triển mô hình nuôi mua bò cái sinh sản. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi thêm heo, gà, vịt, cá để lấy ngắn nuôi dài.
“Nuôi bò sinh sản, mỗi năm có thể lãi được 1 bê con. Nuôi heo thì 3 tháng xuất 1 lứa. Gà, vịt, cá…bán “lai rai” đủ tiền chợ và trả lãi vay hàng tháng. Nếu biết dành dụm, tiện tặn thì sau 3 năm không chỉ trả hết nợ mà còn có dư”, chị Chiến cho hay.
Theo chị Chiến, không riêng chị mà hầu hết chị em khi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách đều rất phấn khởi, xem đây là cơ hội tốt phát triển kinh tế gia đình. Riêng chị Chiến, sau nhiều năm vay vốn, cách đây 1 năm, chị được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn. “Từng là hộ vay, biết được những khó khăn của phụ nữ ở nông thôn nên khi làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, tôi tích cực thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em trong thôn. Hộ nào khó khăn, có nhu cầu vay vốn thì giúp họ làm hồ sơ vay; sau đó hướng dẫn chị em cách sản xuất hiệu quả, tiết kiệm định kỳ để giảm gánh nặng trả nợ khi khoản vay đến hạn”, chị Chiến chia sẻ.
Đến 30/6/2024, dư nợ cho vay ủy thác qua các hội đoàn thể trên địa bàn tỉnh Phú Yên đạt 4.635 tỷ đồng với 92.208 hộ vay, tăng 2.824 tỷ đồng so với năm 2014, với 2.252 tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm 99,9% tổng dư nợ. “Kết quả này cho thấy phương thức ủy thác một số nội dung công việc qua các tổ chức chính trị - xã hội là sáng tạo, phù hợp với hệ thống chính trị của Việt Nam, đã góp phần chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng nhanh chóng kịp thời, được nhân dân đồng tình ủng hộ”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên khẳng định.
Bài và ảnh Lê Hảo - Quốc Hùng
Các tin bài khác
- » Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”
- » Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Tín dụng chính sách xã hội - trụ đỡ hợp “Ý Đảng - Lòng Dân” (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Đặc biệt Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Dòng vốn "ngọt" giữa trùng khơi Bạch Long Vĩ (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 1 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 2 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)
- » Chỉ thị số 40-CT/TW: Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân (Bài 3 - Tác phẩm đoạt giải Nhì Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)