
Hiệu quả triển khai quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Nghĩa Hành
Hiệu quả thiết thực
Tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội nông dân thôn Đề An, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành có 56 hội viên với tổng dư nợ gần 2.108 triệu đồng. Bà Lê Thị Lâm Hồng - Tổ trưởng cho biết: Hằng tháng, có 50% số hộ vay đến nhà bà đóng tiền lãi và tiết kiệm; phần còn lại bà phải đi thu từng nhà. Mỗi lần có hộ đóng tiền, bà ghi chép sổ sách, ghi biên lai gửi cho hộ. Đến phiên giao dịch, bà thường phải cộng thủ công, sau đó cùng cán bộ NHCSXH huyện giám sát, đối chiếu sổ sách để đảm bảo mọi giao dịch chính xác, đúng quy định nên mất nhiều thời gian.
“Hơn 4 tháng nay, từ khi cài đặt và thực hiện Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại, mỗi lần thu tiền của hộ vay, tôi cập nhật và gửi dữ liệu trên hệ thống nên khi đến phiên giao dịch rất nhanh gọn, tiết kiệm hơn 50% thời gian. Đặc biệt, mọi hoạt động thu lãi, gửi tiết kiệm được quản lý chính xác, dễ dàng, thuận lợi hơn trước rất nhiều”, bà Hồng cho biết thêm.
Từ tháng 10/2024, NHCSXH huyện Nghĩa Hành đã triển khai thực hiện Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách cho thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, Chủ tịch UBND cấp xã, Ban giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác trên địa bàn huyện, 205 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Sau hơn 5 tháng triển khai, đến nay, đã có 385 người được hướng dẫn cài đặt, sử dụng ứng dụng này.
Góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách
Theo Giám đốc NHCSXH huyện Nghĩa Hành Đỗ Văn Kha, việc Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện giao dịch thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm qua Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách đã giúp cho việc giao dịch với cán bộ NHCSXH tại điểm giao dịch xã được thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách. Ứng dụng này giúp Tổ trưởng hạch toán và đồng bộ dữ liệu giao dịch ngay trên điện thoại, giảm thiểu đáng kể thời gian giao dịch với cán bộ NHCSXH và thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp thông tin chi tiết về các chương trình vay vốn, lãi suất, cơ sở dữ liệu khách hàng và các văn bản hướng dẫn liên quan. Đến nay, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn huyện giao dịch thông qua ứng dụng này. Cán bộ hội, đoàn thể xã rà soát số liệu trên Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách và hướng dẫn cho hội viên nắm bắt các thông tin về tín dụng chính sách.
Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách là một trong những phần mềm được triển khai thành công nhất của NHCSXH huyện trong năm qua. Để tiếp tục thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ, NHCSXH huyện đã triển khai đẩy mạnh triển khai các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH như: sử dụng giao dịch thu nợ qua ứng dụng Mobile Banking cho Tổ tiết kiệm và vay vốn; phần mềm ứng dụng chấm điểm hoạt động ủy thác, giám sát hoạt động giao dịch xã qua Camera IP…
Với sự hỗ trợ của các phần mềm ngân hàng số, các trưởng ban, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện và lãnh đạo, cán bộ ngân hàng, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có thể truy cập và khai thác dữ liệu trực tuyến nhanh chóng, thay thế phương pháp thủ công trước đây; từ đó nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, quản lý, điều hành chính sách tín dụng trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh Hải Chiến
Các tin bài khác
- » Hải Dương hỗ trợ khởi nghiệp cho người chấp hành xong án tù
- » “K5 - Nâng bước em tới trường”
- » Kỳ 2 - Bắc nhịp cầu “xanh” đưa chính sách nhân văn vào cuộc sống
- » Điểm tựa giúp người lầm lỗi “tái sinh” cuộc đời (Kỳ 1 - Ánh sáng cuộc đời phía sau “bóng tối” quá khứ)
- » Đổi thay rạng rỡ trên hòn đảo tiền tiêu
- » Chỉ thị số 39-CT/TW: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
- » Cặp lá yêu thương - nơi vun đắp hạnh phúc cho con trẻ
- » Tín dụng chính sách tô đậm tính nhân văn trên quê hương Đức Phổ anh hùng
- » Quảng Ngãi triển khai hoạt động tín dụng chính sách năm 2025
- » Tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn