Chỉ thị 40: Sức mạnh của ý Đảng, lòng dân (Kỳ 3 - Tác phẩm đoạt giải Ba Cuộc thi viết “Tín dụng Chính sách xã hội - Ý Đảng, lòng Dân”)

26/12/2024
(VBSP News) Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, đồng chí Đặng Ngọc Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Sơn La cho biết, trong thời gian tới, toàn thể hệ thống chính trị tại địa phương sẽ tiếp tục xác định tín dụng chính sách là trụ cột cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các Chỉ thị về tín dụng chính sách xã hội, gần đây nhất là Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới.
image001

Đồng chí Đặng Ngọc Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Sơn La

Xin ông hãy đánh giá vai trò của Chỉ thị số 40-CT/TW đối với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương trong 10 năm qua? Hệ thống chính trị tại tỉnh Sơn La đã vào cuộc như thế nào để triển khai Chỉ thị này?
Trong 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và 03 năm thực hiện Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tạo nên sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội. Từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp, sự chuyển biến nhận thức về vai trò quan trọng và tác động to lớn, thiết thực của tín dụng chính sách xã hội. Khẳng định đây là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta về chính sách tín dụng ưu đãi, nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ về vốn cho các hộ có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Có thể khẳng định, tín dụng chính sách xã hội thực sự là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của các địa phương. Ngay từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo cấp uỷ đảng, chính quyền thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Nâng cao trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, tập trung nguồn lực rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành Quyết định về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt việc huy động các nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Những năm qua trên địa bàn tỉnh Sơn La, tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả như thế nào trong việc xoá đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau, thưa ông?
Hiệu quả của tín dụng chính sách đã được khẳng định qua kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh đạt yêu cầu hiệu quả, toàn diện, gắn hiệu quả vay vốn tín dụng chính sách với nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2014 - 2024 doanh số cho vay đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, tăng gần 13 nghìn tỷ đồng so với năm 2014, đây là một con số rất ấn tượng, cho thấy tác động và vai trò quan trọng của Chỉ thị 40-CT/TW đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Với tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 31/10/2024 là hơn 6,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3 nghìn tỷ đồng so với năm 2014, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành chỗ dựa cho người dân nghèo, thu nhập thấp vươn lên phát triển kinh tế, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã chú trọng chỉ đạo và thực hiện các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, đến nay, nợ quá hạn của Chi nhánh NHCSXH còn hơn 3 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh từ 0,38% thời điểm cuối năm 2014 giảm xuống còn 0,06%, đặc biệt có 135/204 xã không có nợ quá hạn.
Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ trên 710 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; trên 128 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; góp phần trang trải chi phí học tập cho trên 19 nghìn con em đi học tại các trường; thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho trên 70 nghìn lao động; 1.002 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, trên 227 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng và xây dựng trên 26 nghìn căn nhà cho hộ nghèo, đối tượng chính sách, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh hàng năm từ 3 - 4%. Có thể nói, Sơn La đã thực sự đang từng ngày đổi thay, đời sống của bà con nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn ngày càng được cải thiện.
Việc triển khai Chỉ thị số 40 trên địa bàn có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa ông?
Bên cạnh những kết quả đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, nhưng đứng trước một thực trạng, Sơn La là một tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, người dân thoát nghèo nhưng chưa thực sự bền vững dẫn đến còn tình trạng tái nghèo. Ngoài ra, tỷ lệ lao động thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định cũng cần cải thiện. Công tác thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, quy định của NHCSXH ở một số nơi còn chưa kịp thời.
Nguồn vốn ngân sách địa phương hằng năm ủy thác sang NHCSXH để cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay, đặc biệt là nguồn vốn cho vay tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người lao động chưa có việc làm. Đồng thời, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc Hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nội dung về ủy thác vốn của ngân sách địa phương qua hệ thống NHCSXH còn hạn chế. Bên cạnh đó, ở một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết.
Xin ông hãy cho biết, để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách, đặc biệt là thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và gần đây nhất là Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, tỉnh Sơn La sẽ có những giải pháp cụ thể như thế nào?
Trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 17/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội đến năm 2030 và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đối với tín dụng chính sách xã hội đến các tổ chức, cá nhân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò và tính nhân văn sâu sắc của tín dụng chính sách xã hội.
Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; khắc phục các hạn chế, tham mưu cho cấp có thẩm quyền hàng năm bố trí nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15% trong tổng nguồn vốn và bố trí, huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Nâng cao hiệu quả hoạt động các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, phấn đấu không có Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu. Hàng năm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị; nhân diện các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, kịp thời khen thưởng động viên nhân tố tích cực.
Về phía chi nhánh NHCSXH tỉnh, các phòng giao dịch huyện tiếp tục phải làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện các cấp trong tỉnh, không ngừng củng cố bộ máy hoạt động, đảm bảo đoàn kết thống nhất. Xây dựng đội ngũ cán bộ, người lao động tận tụy, giỏi về chuyên môn, chủ động thực hiện tốt việc huy động quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát nhằm giảm thiểu nợ xấu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong hoạt động ngân hàng,…
Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh phối hợp với NHCSXH các cấp xây dựng các chuyên mục, chuyên đề tuyên truyền một cách thường xuyên, sâu rộng, thiết thực, hiệu quả về tín dụng chính sách xã hội và các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu, tạo sự lan toả mạnh mẽ trong xã hội.
Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Trang thực hiện

Các tin bài khác