
“Bệ đỡ” thoát nghèo

Anh Mai Đức Thành ở thôn 11, xã Long Bình, huyện Phú Riềng khởi nghiệp từ nguồn vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Giảm nghèo nhanh, bền vững
Cách đây 4 năm, gia đình bà Thị Gheo, dân tộc S’tiêng ở thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng để mua bò sinh sản. Với hy vọng sớm thoát nghèo, hằng ngày, bà chăm sóc đàn bò cẩn thận. Hiện tổng đàn bò có 20 con. Bà Thị Gheo cho biết: Bình quân bò sinh 1 con/năm. Nếu sinh bê cái, gia đình sẽ để lại nuôi; nếu sinh bê đực, sẽ bán để trang trải cuộc sống. Hiện nay, giá bê 1 năm tuổi khoảng 15 triệu đồng/con tùy loại. Nếu trước đây, khoản nợ 50 triệu đồng đối với gia đình rất lớn và khó trả được, thì nay đã dễ dàng hơn nhờ vào đàn bò.
Vụ sầu riêng năm 2024, gia đình bà Đặng Thị Hồng, dân tộc Nùng ở thôn Bình Giai, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập có niềm vui trọn vẹn, bởi sầu riêng trúng mùa, được giá. Đây là năm đầu tiên gia đình bà thu được 300 triệu đồng nhờ bán sầu riêng. Bà Hồng cho biết: “Gia đình có 1,8ha đất. Những năm qua, kinh tế khó khăn nên gia đình phải vay mượn tiền nhiều nơi để chăm sóc vườn. Năm 2022, gia đình được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kịp thời, nhờ đó, cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ vừa qua, kết quả thu hoạch vượt mong đợi. Niềm vui này đang tiếp thêm sức mạnh để gia đình hăng hái lao động, sản xuất, tiếp tục chuẩn bị cho vụ mùa tới”.
Cũng được vay vốn hộ nghèo từ NHCSXH huyện, gia đình chị Thị Trang, dân tộc S’tiêng ở thôn Bình Giai từ chỗ “ăn bữa nay, lo bữa mai”, thì cuộc sống hiện đã có nhiều thay đổi. Chị Trang cho biết, từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng, gia đình đã mua 3 con bò lai sind và hơn chục con dê bo lửa sinh sản. Đối với đàn dê, trung bình sinh 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 2 - 3 con. Hơn 1 năm qua, đàn dê đã tăng lên gần 50 con. “Hiện nay, giá dê đang ở mức cao 110 ngàn đồng/kg thịt tùy loại. Nhờ tiền bán dê, gia đình đã có điều kiện lo cho các con đi học đầy đủ. Mọi thành viên trong gia đình đều tích cực lao động, sản xuất, kinh tế đang từng ngày phát triển”, chị Trang cho biết.
Vươn lên khởi nghiệp
Chỉ vì những phút nông nổi đua đòi cùng chúng bạn, anh Mai Đức Thành ở thôn 11, xã Long Bình, huyện Phú Riềng đã phải trả giá bằng 6 năm mất tự do. Sau khi trở về với cộng đồng, được sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình, người thân, anh Thành đã quyết chí làm lại từ đầu. Được NHCSXH huyện Phú Riềng cho vay 100 triệu đồng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù, anh Thành đã đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng. Qua 3 vụ liên tiếp thành công, đến nay, anh Thành đã tích lũy được một số vốn. “Nguồn vốn vay của NHCSXH đã tạo cơ hội cho tôi có việc làm, từ đó cai được những thói hư, tật xấu. Vui nhất, tôi đã có chút kinh nghiệm làm kinh tế. Tôi mong ngân hàng tiếp tục cho vay vốn để xây dựng thêm nhà màng và khởi nghiệp theo mô hình này”, anh Thành chia sẻ.
Chứng kiến con trai tu chí làm ăn, ông Phương - cha của anh Thành hết sức phấn khởi. Ông cho biết: “Nguồn vốn NHCSXH có ý nghĩa rất quan trọng đối với gia đình. Từ nguồn vốn này, gia đình đã đầu tư trồng dưa lưới, qua đó đã tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời làm thay đổi cuộc đời của con trai và cả gia đình”.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trương Thanh Dũng cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tới thăm các mô hình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn vay của NHCSXH, qua đó kiểm tra, đánh giá tính hiệu quả của các dự án. Phần lớn các mô hình có triển vọng tốt. Thời gian tới, chi nhánh sẽ tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể trong tỉnh, xem xét giải ngân vốn cho các dự án có tính khả thi cao, tạo điều kiện để các hộ vay thực hiện khát vọng làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bén duyên với hoa cẩm cù khoảng 7 năm trước, tuy nhiên vì kinh tế hạn hẹp nên ban đầu anh Đỗ Văn Phúc ở thôn Bình Lợi, xã Phước Minh chỉ sưu tầm và mua số lượng ít để tự nhân giống. Sau khi được vay 380 triệu đồng từ NHCSXH huyện, anh Phúc đã xây dựng nhà kho để vật tư, nuôi trùn quế lấy phân bón cho vườn cây. Hiện nay, anh đã có hơn 120.000 cây giống và hơn 20.000 chậu cây thành phẩm.
“Hoa cẩm cù có sức sống mãnh liệt, nên thường được trồng để trang trí ở những nơi như ban công, sảnh nhà, leo giàn. Đối tượng khách hàng chủ yếu sống ở phố, không gian hẹp như chung cư, nhà cao tầng. Thông qua mạng xã hội như TikTok, Zalo, Facebook và các nền tảng số, hoa cẩm cù của tôi hiện đã được bán cho khách hàng ở khắp nơi trong và ngoài nước, qua đó thu lời khoảng 30 triệu đồng/tháng”, anh Phúc cho biết.
Bài và ảnh Quang Minh
Các tin bài khác
- » Tỉnh ủy Quảng Nam quán triệt Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư
- » Cho vay giải quyết việc làm tại Côn Đảo (Bài cuối: Mong muốn được phục vụ nhiều hơn)
- » Cho vay giải quyết việc làm tại Côn Đảo (Bài 1: Tạo sức bật cho dân đảo)
- » Hiệu quả triển khai quản lý tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Nghĩa Hành
- » Hải Dương hỗ trợ khởi nghiệp cho người chấp hành xong án tù
- » “K5 - Nâng bước em tới trường”
- » Kỳ 2 - Bắc nhịp cầu “xanh” đưa chính sách nhân văn vào cuộc sống
- » Điểm tựa giúp người lầm lỗi “tái sinh” cuộc đời (Kỳ 1 - Ánh sáng cuộc đời phía sau “bóng tối” quá khứ)
- » Đổi thay rạng rỡ trên hòn đảo tiền tiêu
- » Chỉ thị số 39-CT/TW: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân