An Giang triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư
Hội nghị sẽ đánh giá toàn diện công tác lãnh, chỉ đạo và kết quả thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh. Tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, yếu kém và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Trong đó nhận diện các vấn đề mới, đề xuất phương hướng và giải pháp khắc phục. Hội nghị nghe một số sở, ngành, đoàn thể, địa phương chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn… Đồng thời, làm rõ hiệu quả tín dụng chính sách xã hội đối với các hộ vay xuất khẩu lao động, tạo việc làm… và khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Chỉ thị số 40.
Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang Nguyễn Minh Hưng cho biết: Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. NHCSXH tỉnh An Giang đã thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, chất lượng tín dụng ngày một cải thiện, vốn tín dụng đến trực tiếp với người dân và phát huy hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế, giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
5 năm qua, từ khi Chỉ thị số 40 ra đời, có 16 chương trình tín dụng chính sách được An Giang triển khai đạt nhiều kết quả. Doanh số cho vay 3.456 tỷ đồng, 186.450 lượt khách hàng được vay vốn. Tập trung cho vay hộ cận nghèo 804 tỷ đồng, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 489 tỷ đồng, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 483 tỷ đồng, hộ nghèo 466 tỷ đồng… Doanh số thu nợ 1.994 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 30/6/2019 đạt 3.069,126 tỷ đồng, với 182.714 khách hàng còn dư nợ (tăng 909 tỷ đồng so cuối năm 2014, tỷ lệ tăng 41,98%).
Nguồn vốn tín dụng chính sách 5 năm qua đã giúp 353.725 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất - kinh doanh. Qua đó, giúp 39.245 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 9.422 lao động, trang trải chi phí xuất khẩu lao động của 302 đối tượng, giúp trang trải chi phí học tập cho 44.962 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp 4.376 hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở, đã giải ngân cho 56.733 hộ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn. Đặc biệt, giúp vốn 164 tỷ đồng cho 11.178 hộ dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện… Qua đó, góp phần tích cực giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen”.
Ông Hưng đánh giá, chính sách tín dụng ưu đãi còn góp phần hạn chế tình trạng học sinh, sinh viên phải bỏ học do nguyên nhân gia đình gặp khó khăn về tài chính, nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn… bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, vốn vay ưu đãi giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống. Từ đó, bộ mặt nông thôn được cải thiện… tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng ổn định và phát triển kinh tế địa phương.
Ngoài nguồn vốn bổ sung từ NHCSXH Trung ương, ngân sách tỉnh, huyện hàng năm bố trí chuyển sang ủy thác cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong đó chủ yếu là xuất khẩu lao động thị trường thu nhập cao, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp… đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần an sinh xã hội. Đầu tư vốn tập trung vào các mô hình tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, mua bán nhỏ… giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, bảo tồn làng nghề truyền thống và phát triển thủ công mỹ nghệ, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: một vài nơi, công tác triển khai thực hiện Chỉ thị còn chậm; nguồn vốn địa phương còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu vốn của người dân rất lớn. Một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững… “Trên cơ sở phân tích vướng mắc và nguyên nhân, tỉnh sẽ đề ra các giải pháp để phát huy hiệu quả Chỉ thị số 40 trong thời gian tới”, ông Hưng cho biết.
Bài và ảnh Lê Hiếu
Các tin bài khác
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 3 - Kết quả của sự đoàn kết, đồng lòng (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 2 - Để cho những vườn nho trĩu quả (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » Chính sách của Đảng về nơi khô hạn: Bài 1 - Điểm tựa của đồng bào (Tác phẩm đạt giải B - Hạng mục Báo in Cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, lần thứ 3 năm 2019)
- » UBND tỉnh Cao Bằng sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Dấu ấn tín dụng chính sách xã hội trên hành trình giảm nghèo của Cao Bằng
- » Hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội
- » Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở Ân Thi
- » Điểm tựa cho thương binh, cựu chiến binh thoát nghèo
- » Đáp ứng nhu cầu về vốn cho người dân
- » CCB Hải Hà đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế