Đi theo dòng vốn giảm nghèo

23/12/2012
(VBSP) Nói đến tín dụng hỗ trợ giảm nghèo là người ta nghĩ ngay tới ba dấu ấn vượt trội: (1) Đơn vị thực hiện chính là NHCSXH; (2) Địa bàn hoạt động phổ biến là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng cao, vùng xa; (3) Đối tượng hưởng thụ chủ yếu là đồng bào các DTTS. Ghi nhận của chúng tôi về những vụ việc đã diễn ra chứng minh điều đó.
Hiệu quả từ đồng vốn chính sách đã mang lại cho người dân nơi đây có cuộc sống ngày một khá hơn

Hiệu quả từ đồng vốn chính sách đã mang lại cho người dân nơi đây có cuộc sống ngày một khá hơn

Chuyện ở một xã vùng 3 và…

Cao Thượng là xã vùng 3 nghèo nhất của huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Tuy cách thị trấn chợ Rã, huyện lỵ của Ba Bể chỉ khoảng ba, bốn chục cây số nhưng người dân Cao Thượng muốn về huyện là phải vừa đi bộ vừa phải đi xuồng ngược dòng sông Năng. Lãnh đạo NHCSXH tâm sự: Cao Thượng hiện là một trong hai xã nghèo nhất của huyện Ba Bể. Cứ mỗi lần giao dịch là cán bộ nghiệp vụ của Phòng giao dịch không chỉ phải khênh hòm sắt đựng biên lai, sổ sách, tiền mặt như các nơi khác là xong mà còn khênh theo cả máy phát điện để bảo đảm công việc diễn ra suôn sẻ, an toàn.

Tiếp chúng tôi, đồng chí Nông Văn Biên - Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Cao Thượng, có diện tích tự nhiên hơn 3.900ha, trong đó chỉ có 54ha là đất hai vụ lúa, còn lại là đất rừng, đất đồi trồng sấu, ngô, dong riềng, đậu tương… Tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm gần đây NHCSXH đã triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Chính phủ về hỗ trợ nguời dân vay vốn xóa nghèo, thêm vào đó là có sự tài trợ của các nhà hảo tâm, tập đoàn kinh tế lớn nên Cao Thượng đã có bước phát triển rõ rệt. Hiện nay, Cao Thượng còn có khoảng 550 hộ dân nghèo đang vay vốn của NHCSXH, với dư nợ hơn 10 tỷ đồng. Hy vọng từ đồng vốn hỗ trợ của Chính phủ, thông qua sự chuyển tải của NHCSXH, trong tương lai gần, Cao Thượng sẽ có bước phát triển trong đời sống kinh tế - xã hội.

… một loại cây xóa đói

Là một tỉnh miền núi vùng cao, đất lúa ít ỏi, đất lâm nghiệp, đất trồng các loại cây công nghiệp, cây lấy bột lại nhiều. Xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ chuyển dịch hợp lý cơ cấu kinh tế tỉnh nhà đang đặt ra, trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Ba Bể nói riêng đã chuyển mạnh sang trồng cây dong riềng có hiệu quả kinh tế cao được cộng đồng các DTTS ghi nhận và phát triển mạnh.

Nguồn vốn từ NHCSXH đã trở thành động lực phát triển cây hàng hóa dong riềng trên đất Bắc Kạn nói chung, Ba Bể nói riêng. Cụ thể, năm 2010 toàn tỉnh trồng được 270ha dong riềng thì năm 2011 lên 551ha và năm 2012 vọt lên 1.840ha. Một vài gương sáng tiêu biểu trong huyện như gia đình anh Hứa Hùng Bích ở thôn Cốc Muỗi, xã Mường Phương trồng 1.200m2 dong riềng trên đất dốc, công sức chăm sóc không nhiều nhưng vẫn thu được 10 tấn củ, bán được gần 14 triệu đồng. Năm 2012, được NHCSXH hỗ trợ thêm tiền mua giống, anh Bích đưa diện tích trồng dong riềng lên 3.200m2.

Từ lợi thế phát triển và hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn so với nhiều loại cây, con khác như vậy, NHCSXH trên địa bàn đã giúp đồng bào các DTTS trong tỉnh được vay thêm vốn đầu tư, xây dựng các cơ sở chế biến bột dong đưa sản phẩm về các thị trường miền xuôi tiêu thụ. Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Dong riềng là loại cây chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, giúp nhân dân xóa nghèo và tiến tới làm giàu trong thời gian tới cùng các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn ngày một đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước”.

Nguyễn Văn Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác