Xã Đạo Trù thoát khỏi danh sách “135”
Khoảng 10 năm về trước, nếu ai có dịp về xã Đạo Trù đều dễ dàng cảm nhận sự đìu hiu, ảm đạm của một vùng quê miền núi nghèo với cụm từ “3 không”: Không điện - Không đường - Không trạm y tế. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 65%; thu nhập bình quân chỉ đạt 1,6 triệu đồng/người/năm; trình độ canh tác của người dân địa phương còn lạc hậu, sống dựa vào việc khai thác tài nguyên rừng là chính khiến nhiều loại cây, con bị suy giảm do khai thác quá mức, tràn lan.
Những năm gần đây, Nhà nước có các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn. Hàng năm, ngoài chi trả chế độ cho hộ theo quy định, bà con Sán Dìu ở Đạo Trù còn được hưởng chính sách vay vốn ưu đãi qua NHCSXH đầu tư cho sản xuất, hệ thống nước sinh hoạt, giải quyết việc làm… Ngoài các nguồn vốn vay, bà con còn được hỗ trợ vật tư, con giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ kiến thức KHKT.
Tới thăm gia đình chị Hoàng Thị Trần ở thôn Phân Lân Hạ là một trong những hộ tiêu biểu của địa phương thoát nghèo nhờ chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhà có 4 người, nhưng chỉ có 2 sào đất nông nghiệp. Làm quần quật quanh năm, cố gắng chắt chiu và tằn tiện lắm cũng chỉ đủ ăn 6 tháng, 6 tháng còn lại hai vợ chồng phải đi làm thuê khắp nơi. Được kết nạp vào Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ, chị được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH. Chị mua 1 con trâu nái, gần 100 con gà giống về nuôi. Sau 3 năm chăm sóc, gia đình bán trâu, thu được 35 triệu đồng. “Mang tiền trả nợ ngân hàng, tôi cứ ngỡ như mình đang nằm mơ. Trả xong, còn ít tiền dư ra, gia đình vay mượn thêm anh em, bạn bè sửa lại cái nhà, mua thêm một con nghé, nuôi thêm đàn gà đẻ trứng, cuộc sống gia đình ổn định dần”, chị Trần tâm sự.
Cũng như chị Trần, gia đình ông Trần Trọng Hinh ở thôn Vĩnh Ninh là một trong những hộ đồng bào dân tộc Sán Dìu thoát nghèo nhờ chính sách ưu đãi của Chính phủ. Trước đây, gia đình ông thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã, được sự động viên, giúp sức của chính quyền địa phương, năm 2008, thông qua NHCSXH gia đình ông được vay vốn ưu đãi để mua 8 con dê về làm giống.
“Nhờ có nguồn thức ăn dồi dào, nên dê phát triển khá tốt. Mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1 đến 2 con (thường là 2 con). Việc chăn thả dê cũng khá đơn giản, hàng ngày gần trưa tôi lùa dê lên núi, đến 6 giờ chiều dê tự về. Ngoài thức ăn lá cây rừng, tôi còn bổ sung cho dê ăn thêm tinh bột. Sau nhiều năm chăn nuôi, đến nay gia đình đã có 40 con dê sinh sản, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần trăm con dê thịt, mang lại nguồn thu 50 - 60 triệu đồng. Nếu không có đồng vốn khởi nghiệp của NHCSXH thì gia đình tôi mãi mãi là hộ khó khăn”, ông Hinh cảm động nói.
Đánh giá về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS trong những năm qua, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù, Nguyễn Đắc Vân cho biết: “Là một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhiều năm trước là xã 135, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn vay của NHCSXH, năm 2014 Đạo Trù đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Hiện nay, xã có nhiều mô hình kinh tế đồi rừng phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: nuôi ong, chăn nuôi gà đồi, lợn rừng, dê núi và trồng cây dược liệu, trồng cây dưới tán rừng… Qua đó, phát huy tiềm năng và lợi thế về rừng, đất rừng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã Đạo Trù còn dưới 10%. Bằng biện pháp lồng ghép các chương trình, xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững xã Đạo Trù đang trên đường đổi mới.
Bài và ảnh Quốc Vũ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nối dài cánh tay cơ sở
- » Khi có đồng vốn trong tay
- » Chuyện giảm nghèo của Phường 11
- » Khơi thông dòng chảy vốn ưu đãi
- » Nuiphao Mining tiên phong trong thực hiện tín dụng chính sách
- » Triệu phú người Mạ ở bon B’Dơng
- » Tiếp sức thanh niên Gia Viễn lập nghiệp
- » Đưa vốn lên vùng cao Điện Biên
- » Đồng vốn nhỏ, thương hiệu lớn
- » Đổi thay một vùng đất “ven trời” Tây Bắc