TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH TRONG DÒNG CHẢY 65 NĂM PHÁT TRIỂN NGÂN HÀNG VIỆT NAM

05/05/2016
(VBSP News) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại hoạt động của Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHNg), nhằm thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. NHCSXH ra đời, trưởng thành đã góp phần hình thành Kênh tín dụng đặc thù đa dạng hóa thêm tổ chức và hoạt động của ngành Ngân hàng tại Việt Nam; trở thành công cụ thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, NHCSXH đã trở thành người bạn tin cậy, luôn đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước trong suốt chặng đường 20 năm qua.
Tín dụng chính sách trong hai thập kỷ qua đã và đang phát huy hiệu quả Ảnh: Tư liệu

Tín dụng chính sách trong hai thập kỷ qua đã và đang phát huy hiệu quả
                                                                                                                                       

Từ những ngày đầu thành lập

NHCSXH ra đời là cả một quá trình chuẩn bị công phu, đầy trách nhiệm của những nhà lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, viên chức tâm huyết với sự nghiệp ngân hàng. Đó là vào thời điểm thập niên 90 của thế kỷ XX - những năm tháng đất nước ta vừa tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, phát triển nền kinh tế thị trường và mở rộng hội nhập quốc tế, vừa tập trung thực hiện chiến lược quốc gia về xóa đói giảm nghèo. Cùng khi đó, việc hỗ trợ tài chính giúp hộ nghèo chủ yếu theo hai phương thức tín dụng Nhà nước và tín dụng ngân hàng, nhưng nguồn tín dụng Nhà nước thì do nhiều cơ quan, đoàn thể quản lý và cho vay với nhiều mức lãi suất khác nhau, dẫn đến sự chồng chéo, kém hiệu quả, còn nguồn tín dụng ngân hàng lại triển khai cho vay theo lãi suất thị trường, đòi hỏi phải có tài sản thế chấp, cho nên hộ nghèo rất khó tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng thương mại.

Trước thực tại khách quan trên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cũng như bản thân những người làm ngân hàng vẫn mơ ước đất nước sẽ có một tổ chức tín dụng đặc thù thuộc loại hình Ngân hàng chính sách hoạt động vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đồng thời từng bước tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại; tạo điều kiện cho các Ngân hàng thương mại vươn ra nắm giữ thị trường, hội nhập quốc tế. Nguyện vọng chính đáng đó đã thúc đẩy lãnh đạo Ngành ngân hàng khẩn trương xúc tiến việc nghiên cứu, xây dựng Ngân hàng chính sách, càng sớm càng tốt, trước hết để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo.

Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo - tiền đề thành lập NHNg

Căn cứ vào bối cảnh và điều kiện kinh tế đất nước, lãnh đạo Ngành ngân hàng đã lựa chọn bước đi đầu tiên là chấp thuận và ủng hộ khởi xướng của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam đã cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam góp vốn lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo tính từ tháng 3/1995. Qua 5 tháng hoạt động, Quỹ đã được nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân đón nhận, cụ thể đã cho gần 500 nghìn hộ nghèo trên phạm vi toàn quốc được vay vốn chính sách đầu tiên. Tuy nhiên, do nguồn vốn của Quỹ quá nhỏ - 400 tỷ đồng - ngược lại số hộ nghèo cần vay vốn lại quá lớn - 4 triệu hộ - cùng nhu cầu sử dụng vốn tăng tới hàng chục nghìn tỷ đồng nên đã xảy ra tình trạng cho vay chia đều, giàn trải, có nơi mỗi hộ chỉ được vay trên dưới 200 nghìn đồng, không đủ trang trải nhu cầu đầu tư cho sản xuất.

Từ thực trạng này, lãnh đạo Ngành ngân hàng nhận rõ trách nhiệm với hàng triệu hộ nghèo về sự cần thiết phải thành lập một ngân hàng thay thế Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo thì mới đủ khả năng tập trung huy động các nguồn vốn lớn, đáp ứng chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo.

Kết quả với kinh nghiệm thu được dẫu ở mức khiêm tốn và hạn chế với bất cập còn khá nhiều, nhưng thực tiễn hoạt động của Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo đã tạo tiền đề, mang lại niềm tin cho những người làm ngân hàng cùng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng một tổ chức tín dụng của Nhà nước phù hợp, thay thế cho Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo để đủ khả năng huy động tập hợp các nguồn vốn và chuyên thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo thiếu vốn sản xuất.

Sau một thời gian tích cực chuẩn bị về mọi mặt, được đích thân Thủ tướng Chính phủ cho phép, cùng các Bộ ngành, các địa phương hưởng ứng giúp đỡ, Ngân hàng phục vụ người nghèo, tên viết tắt tiếng Việt là NHNg, mang biểu trưng lô gô trái tim hình hoa sen hồng thắm đã chính thức khai trương hoạt động vào năm 1996.

Từ ấy, Ngành ngân hàng có thêm một mô hình tín dụng chuyên biệt phục vụ hộ nghèo, tiền thân của NHCSXH bây giờ. Có thể khẳng định, việc thành lập NHNg cùng sự xuất hiện chương trình tín dụng chính sách đầu tiên trên đất nước ta vào thời gian đó là một giải pháp kịp thời, hợp lòng dân, thể hiện đúng đắn Nghị quyết của Đảng và chiến lược xóa đói giảm nghèo của Nhà nước. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ổn định xã hội, tạo thêm điều kiện để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Theo lịch sử NHCSXH, sau 7 năm hoạt động (1995 - 2002), tổng nguồn vốn của NHNg, đạt 7.083 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phát triển trên cơ sở nhận bàn giao từ Qũy cho vay ưu đãi hộ nghèo là 518 tỷ đồng, đã cho trên 7.700 nghìn lượt hộ nghèo vay vốn, góp phần giúp đỡ 644 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng đói nghèo.

Lịch sử NHCSXH cũng ghi rõ, ưu điểm lớn nhất của NHNg là tiết kiệm chi phí quản lý, không phải tuyển dụng, đào tạo cán bộ và xây dựng cơ sở vật chất mà sử dụng toàn bộ trụ sở, phương tiện con người có sẵn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NHNo&PTNT) để tác nghiệp.

Tuy nhiên, NHNg cũng gặp những vướng mắc, hạn chế trong hoạt động như nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ người nghèo không chỉ dành riêng cho NHNg mà còn giao cho nhiều cơ quan, đoàn thể, ngân hàng thương mại cùng thực hiện theo các kênh khác nhau, làm cho nguồn lực của Nhà nước bị phân tán, chồng chéo, thậm chí cản trở lẫn nhau; mặt khác việc điều hành tác nghiệp của NHNg, lại trao quyền cho NHNo&PTNT đảm nhận, do vậy cán bộ Ngân hàng thương mại đã thiên về kinh doanh, lợi nhuận, chưa quan tâm đúng mức đến tín dụng chính sách cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Đến sự ra đời của NHCSXH

Bước sang thế kỷ XXI, cả nước ta đã tập trung sức phát triển nền kinh tế thị trường, mở rộng hội nhập quốc tế và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo.

Theo đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trương nhất quán cơ cấu lại toàn bộ hệ thống tín dụng. Từng bước tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại và tập trung nguồn lực do Nhà nước huy động vào một tổ chức tín dụng duy nhất, nhằm tạo nên sức mạnh có tính đột phá, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Vậy là căn cứ vào các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội và Đề án của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách, ngày 04/10/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại NHNg để thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ nhằm tập trung các nguồn vốn ngân sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách vào một đầu mối là NHCSXH.

NHCSXH không ngừng đổi mới khẳng định vị thế của công cụ đắc lực bảo đảm an sinh xã hội

Nhớ lại những năm tháng NHCSXH bắt đầu tạo dựng “sự nghiệp riêng” với hành trang nguồn vốn bé nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu, trụ sở giao dịch không có. Thêm vào đó các cơ chế, quy chế về hoạt động của NHCSXH chưa kịp xây dựng và chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Đứng trước vô vàn khó khăn nan giải đó, bằng cách nào NHCSXH vượt qua, đứng vững và phát triển liên tục đến ngày nay.

Bằng tinh thần ý chí của tập thể Ban lãnh đạo đến cán bộ, viên chức và người lao động trong toàn hệ thống lại được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của các hội, đoàn thể nhận uỷ thác, NHCSXH đã nỗ lực vượt khó, khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều nội dung công việc, đem lại những kết quả khả quan.

Tập trung huy động các nguồn lực tài chính, tạo lập nguồn vốn phục vụ người nghèo…

Ngay từ năm đầu tiên hoạt động, cùng với việc thiết lập hệ thống văn bản quy chế điều hành, quy trình nghiệp vụ tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, đồng bộ và hoàn thành nhiệm vụ bàn giao tài sản, nguồn vốn chính sách từ các Ngân hàng thương mại vào một đầu mối, NHCSXH còn triển khai bài bản và hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, nhờ đó hàng năm NHCSXH đã được Chính phủ và các chủ đầu tư là tổ chức quốc tế, chính quyền các tỉnh, huyện tin tưởng giao thêm nhiều chương trình tín dụng và uỷ thác nhiều nguồn vốn để cho vay chỉ định, từ chương trình có quy mô nhỏ như cho vay đối với người tàn tật, cho vay lao động sau cai nghiện… đến những chương trình có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, học sinh sinh viên, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn…

Năm 2003, NHCSXH chỉ thực hiện có 5 chương trình tín dụng chính sách là cho vay hộ nghèo, GQVL, HSSV, làm nhà trả chậm vùng đồng bằng sông Cửu Long, xuất khẩu lao động, với tổng dư nợ đến cuối năm đó khoảng 10.349 tỷ đồng, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 5%.

Đến năm 2007, tổng số các chương trình tín dụng do NHCSXH thực hiện đã tăng lên con số 10, với tổng dư nợ đạt 23.271 tỷ đồng, tăng 16.359 tỷ đồng (+236%) so với năm 2003 và nợ quá hạn giảm xuống còn 1,7%.

Đặc biệt, kết thúc giai đoạn 2011 - 2015, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương, cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương, NHCSXH đã tập trung huy động mọi nguồn lực tài chính, tạo lập được nguồn vốn khá lớn để cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách triển khai thực hiện thành công trên 20 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến hết năm 2015, tổng nguồn vốn đạt 146.460 tỷ đồng, tăng 56.344 tỷ đồng so với năm 2011, tăng trưởng bình quân hàng năm 12,5%.

Năm 2015 được đánh dấu là năm thể hiện rõ nét nhất năng lực và hiệu quả hoạt động hoạt động của NHCSXH. Đó là năm NHCSXH làm tốt công tác tham mưu cho các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Nhờ đó mà Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ưu tiên nguồn vốn để bổ sung cho NHCSXH. Cụ thể là Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch tín dụng từ 6,5% lên mức 10% và thêm 4 chương trình tín dụng cấp Nhà nước cho NHCSXH. Hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước đã hỗ trợ NHCSXH về trụ sở, phương tiện, trang thiết bị làm việc và uỷ thác nguồn vốn cho vay với tổng giá trị hơn 1.042 tỷ đồng, trong đó bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay trên 1.003 tỷ đồng.

Do có thêm nguồn vốn và các chương trình tín dụng bổ sung nên NHCSXH không những tăng trưởng dư nợ lên trên 142 nghìn tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống còn 0,33% mà còn chủ động giải quyết kịp thời các nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, khắc phục được tình trạng căng thẳng, bị động về vốn so với những năm trước.

Nhờ nguồn vốn được tập trung khai thác với tốc độ tăng trưởng khá cao. Trong những năm qua đã có gần 25 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH; dư nợ bình quân một hộ tăng 7,5 lần, góp phần giúp trên 3,6 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, xây dựng được 6,6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh, hỗ trợ 3,3 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, làm được 484 nghìn căn nhà vững chắc cho hộ nghèo và 102 nghìn ngôi nhà vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đổi mới quy trình, thủ tục và phương thức cấp tín dụng chính sách

Để có những thành tựu về tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta. Đó là mạng lưới hoạt động của NHCSXH được xây dựng từ Trung ương đến tỉnh, huyện, với 63 chi nhánh cấp tỉnh, 629 Phòng giao dịch cấp huyện, cùng đội ngũ hơn 9.000 cán bộ, viên chức tinh thông nghề nghiệp tín dụng chính sách. Chính tổ chức mạng lưới rộng lớn này đã tập trung huy động được nguồn lực và chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến tận nơi ở của người nghèo và các đối tượng chính sách một cách an toàn và tiết kiệm.

Mạng lưới hoạt động của NHCSXH còn được thể hiện ở gần 11 nghìn Điểm giao dịch xã, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho khách hàng là hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách.

Cùng với đó là thủ tục, phương thức cấp tín dụng, thực hiện uỷ thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên và thành lập hệ thống gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn cả nước đã huy động được sức mạnh tổ hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, chuyển tải nguồn vốn chính sách đến kịp thời các đối tượng thụ hưởng, giúp họ biết sử dụng vốn vay vào sản xuất, giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống.

Thành tựu nổi bật và vị thế vững vàng của NHCSXH

Hòa trong dòng chảy 65 năm phát triển Ngân hàng Việt Nam, tín dụng chính sách đã trọn vẹn 20 năm đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách, tính từ năm 1995, NHNg tiền thân của NHCSXH được thành lập đã thu được những thành tựu nổi bật là tập trung huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, đồng thời vừa mở rộng, vừa tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Thành tựu này xứng đáng nhận được sự quan tâm tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân mà trước hết là những người nghèo. Tấm Huân chương Độc lập hạng Nhì của Chủ tịch nước đã chính thức ghi nhận sự đóng góp của NHCSXH với công cuộc giảm nghèo. Cùng với đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đánh giá: “Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn đất nước” - trích Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã khẳng định: “Không thể phủ nhận vai trò đóng góp thiết thực, to lớn của nguồn vốn chính sách vì an sinh, công bằng xã hội và chưa ở đâu trên thế giới có mô hình Ngân hàng Chính sách Nhà nước phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách đắc lực, hiệu quả như ở Việt Nam”.

Cuộc hành trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của nước ta vẫn đang tiếp diễn. NHCSXH luôn bám sát các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương, tập trung huy động mọi nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, giải ngân các Chương trình tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó ưu tiên cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các huyện nghèo theo Chương trình 30a đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo phương thức cấp tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ của NHCSXH.

PV

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác